Ghé Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM (NVH PN) những ngày qua, mới thấy không khí của ngày hội phụ nữ. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất, ngọt ngào nhất, rộn rã nhất của ngày 20/10 ở đâu đó khắp thành phố như đều thâu về trong khoảng sân này, hội trường này - đúng như lời một học viên lớn tuổi bật lên giữa nhà xe khi vừa gặp người bạn cùng lớp: “Như tết héng!”.
Từ đầu tháng Mười, loạt hoạt động của NVH PN đã bắt đầu bằng buổi khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Hải Âu, mang tên Cuộc sống vùng cao. “Ngôi nhà của phái đẹp” từ đó ngập tràn lễ hội. Ngoài cái tĩnh tại của những không gian đón khách suốt dịp lễ như triển lãm ảnh, triển lãm hoa nghệ thuật Chốn bình yên, triển lãm mỹ thuật Nhịp cầu xanh của CLB Họa sĩ nữ Ngân Hà (diễn ra ở Hội Mỹ thuật Thành phố), khách ghé thăm NVH PN trong những ngày này còn được trải nghiệm sự rộn ràng, náo nhiệt ở các cuộc thi Ẩm thực Việt, thi trang điểm cô dâu Ngày hạnh phúc, văn nghệ và biểu diễn thời trang tóc Tóc hát; chương trình biểu diễn của các bộ môn; và rưng rưng xúc cảm trong từng cuộc gặp gỡ, trò chuyện.
Xin kể câu chuyện về một phần tháng Mười ở đây, bằng đôi mắt của chính những người đàn bà đã dành bao buổi chiều trong phần đời nào đó cho nơi này.
Có đôi mắt nhòe nhoẹt nước trên gương mặt rạng rỡ nụ cười. Cuộc giao lưu Hoa cuộc sống, chiều 18/10 liên tục bị cắt ngang bởi những tràng pháo tay rộ lên trước mỗi lời chia sẻ của bốn vị khách mời. Bà Võ Thị Lấn - góa phụ có 10 người con, 59 tuổi lại lâm trọng bệnh, từ chính những ngày bệnh tật cùng cực lại nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp, làm nên thương hiệu Trà Tâm Lan uy tín khắp Á Âu ở tuổi 60.
|
Đông đảo người trẻ tham gia vào hoạt động của NVH Phụ nữ dịp 20/10 năm nay. |
Bà Lê Thị Thanh Lâm trong hành trình từ một nữ công nhân đến vị trí Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại Sài Gòn Food. Bà Nguyễn Hướng Dương - người từng mất hết động lực sống sau một tai nạn làm mất đi đôi chân, đã trở thành nữ giám đốc đầy tự tin, bản lĩnh của Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù.
Chị Trần Thụy Thúy Vi, chủ một cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn - một người khuyết tật giúp đỡ và lan tỏa cảm hứng sống cho bao nhiêu người cùng cảnh ngộ. Trước những câu chuyện lạ thường ấy, người nghe như sẵn nước mắt. Chỉ cần trên kia, người nói ngưng lại, thả ra một chi tiết bất ngờ, cả hội trường bỗng lặng đi trong phút chốc, rồi bất giác vỗ tay trong những giọt nước mắt cảm phục.
Trong rất nhiều chi tiết cuộc đời của một người phụ nữ mất chồng, một mình nuôi 10 đứa con, rồi làm nên sự nghiệp, bà Lấn bồi hồi chia sẻ phần tuổi thơ khốn khó sống cùng người cha chuyên bốc thuốc từ thiện. Hồi đó, bà phải đến lớp mỗi ngày với cây bút mực của con nhà nghèo, tay chân, áo quần lúc nào cũng lấm lem.
Lúc được một người bệnh dúi vào tay vài đồng bạc cảm ơn về những gói thuốc của cha mình, bà liền nghĩ đến cây bút mực “xịn” của chúng bạn mà lẳng lặng cầm lấy. Chẳng ngờ, ngay sau đó, người cha yêu cầu bà đuổi theo, trả lại tiền cho người bệnh.
Ấm ức vì vuột mất ước mơ có bút xịn, nhưng chính lời tâm sự của người cha nghèo lại nuôi dưỡng sự kiên định trong bà bấy lâu: “Ba làm từ thiện là vì con. Nếu con nhận những đồng tiền đó, tất cả những việc thiện cha làm sẽ không còn giá trị gì nữa”. Cả người nói, người nghe đều bật khóc.
Không phải câu chuyện vượt khó, cũng không phải những đỉnh cao, những thành tích, những bí quyết thành công, mà chính những chi tiết đời thường đã chảy trôi trong mối giao cảm giữa những con người có mặt ở nơi này. Hình ảnh những người cha, người mẹ, người chồng, người con xóa nhòa khoảng cách giữa sân khấu và khán giả, để mọi câu chuyện thành công cũng trở nên chân thật, gần gũi.
Đó cũng là cách kể chuyện, cách chia sẻ, truyền nghề của NVH PN bao năm nay. Đứng giữa buổi giới thiệu bộ môn trang trí mỹ thuật với phần biểu diễn cắm hoa của bà Phan Thị Ngọc Mai (giáo viên bộ môn trang trí mỹ thuật) mà nghe cuộc giao tiếp giữa cô trò, mới hiểu về sức cuốn hút của một ngôi nhà mỗi tháng lại đón chào hàng ngàn học viên này.
|
Chương trình biểu diễn, giới thiệu bộ môn Trang trí mỹ thuật. |
Thực hiện lẵng hoa mừng 35 năm thành lập NVH PN trên sân khấu, bà Mai vừa làm, vừa trò chuyện. Mỗi một cành hồng được thêm vào là một câu chuyện, mỗi bước chuyển màu từ những loại hoa khác nhau là những lý giải thẩm mỹ thú vị, tinh tế. Khán giả say sưa ngắm nhìn từng chuyển động trên sân khấu.
Những đôi mắt say sưa ấy được bắt gặp trong không gian triển lãm Cuộc sống vùng cao của CLB Hải Âu. Giữa những nhóm phụ nữ khoác tay nhau thành từng nhóm, lặng lẽ lướt qua từng bức hình, có người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc giản dị, đứng chôn chân mà rưng rưng nước mắt trước bức ảnh chụp người phụ nữ giữa vùng núi đồi mờ mịt sương.
Bước đến tấm hình Đứa con đầu lòng của tác giả Phạm Thị Thu, chị quẹt nước mắt, mỉm cười. “Mấy nay thấy có triển lãm ảnh nhưng không dám vô coi, hôm nay thấy chị em trong lớp kéo nhau đi đông quá tôi mới vô xem thử. Thấy bất ngờ quá!”. Chị vụng về chào rồi đi mất trước khi người đối thoại kịp hỏi về sự bất ngờ ấy. Nhưng, với người đàn bà gần 60 tuổi mới dũng cảm dứt khỏi người chồng bạo lực, lần đầu đến với lớp học cắt may của NVH PN để “tìm quên”, để “đi ra với người ta”; thì bất ngờ - dù với điều gì ở đây, cũng là hợp lẽ.
“Ngôi nhà” này vì thế mà lạ, mà quen. Với sự học đã mang đến đây hàng chục ngàn học viên, nơi này là một khoảng trời mới mẻ. Nhưng, mọi cái mới mẻ đều được truyền đi bằng cái thân thuộc.
Trong lời nhận xét của vị giám khảo cuộc thi trang điểm cô dâu Ngày hạnh phúc, những kiến thức trang điểm theo phong cách Tây cũng được truyền đạt tỉ mẩn như chính những kinh nghiệm gia truyền - nói ra hết thảy, chỉ dạy hết thảy. Không gian dành cho học viên trẻ tuổi, cho những thị hiếu hiện đại cũng được chăm chút trong từng hoạt động của NVH kỳ này.
Ngay tại triển lãm hoa nghệ thuật Chốn bình yên, những góc chụp hình, “check-in” dập dìu những bạn trẻ dừng lại, thay nhau ghi hình. Hội trường khiêu vũ cộng đồng, hay sân khấu biểu diễn các tiết mục văn thể mỹ khuấy động không gian bằng sự trẻ trung, sôi động.
Hiện đại hòa tan trong truyền thống, thế hệ nối tiếp thế hệ, tĩnh lặng và rộn rã, khóc và cười. Trong cái đa nhịp điệu, đa tiết tấu này, cuộc đồng diễn tân cựu hiện hữu trong cả ánh mắt hân hoan, trong đôi chân tất cả của cả ban tổ chức lẫn người tham dự.
Và, sau hết thảy những ngày tất bật học hành, chỉ dạy, tất bật tuyển sinh, tất bật hoạt động từng ngày, “ngôi nhà của phái đẹp” vẫn dành cho những ngày này phần thư thả và nhộn nhịp, đẹp đẽ và thơm tho, dịu dàng và rộn rã nhất - phần của tháng Mười.
Nam Yên