“Phần của mình”

10/06/2022 - 07:46

PNO - Trách nhiệm với thế giới, với môi trường chung giờ đây không phải là của các quốc gia phát triển mà dần trở thành “luật chơi” của thế giới văn minh.

 

Nếu số đông làm tốt “phần của mình”, các vấn đề chung của xã hội sẽ được giải quyết dễ dàng và hiệu quả hơn
Nếu số đông làm tốt “phần của mình”, các vấn đề chung của xã hội sẽ được giải quyết dễ dàng và hiệu quả hơn

Một khu rừng bị cháy, chúa sơn lâm dẫn bầy đàn vượt sông tránh hỏa hoạn. Một con chim ruồi liên tục bay ra sông, dùng mỏ lấy một giọt nước đem thả vào đám cháy. Những con thú khác cười chim ruồi: “Làm thế mà dập được đám cháy à?”. ”Không, nhưng tôi vẫn làm phần của mình” - chim ruồi đáp.

Đó là câu chuyện tôi được nghe nhiều lần từ một phụ nữ sẵn sàng bỏ ngang công việc quản lý cấp cao của một tập đoàn nước ngoài để theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên. Chị làm vườn hoàn toàn dựa vào mối quan hệ tự nhiên của cây, đất và nước. Rau quả trong vườn chị được trồng thành nhiều tầng như khu rừng thu nhỏ. Cỏ, lá cây, cành mục rơi rụng xuống đất, trở thành lớp sinh khối tự nhiên, vừa là phân hữu cơ, vừa giữ ẩm, vừa cung cấp nước cho cây. 

Cây nào bị sâu bệnh, chị cũng mặc, để tự chúng chống chọi. Chị không chấp nhận dù chỉ một hạt phân bón hóa học, giọt thuốc bảo vệ thực vật hay miếng ni-lông nào trong vườn của mình. Rau quả cũng sẽ được bao gói bằng lá và dây chuối. Khi thấy chị làm được, những người từng nghi ngờ kiểu “làm lười” của chị cũng muốn làm theo. 

Ở những quốc gia có trào lưu này, nông sản (rau, củ, quả) tự nhiên luôn là những mặt hàng có giá trị cao. Lối canh tác này cũng được đánh giá rất cao bởi không những không phát thải mà còn “chữa lành” môi trường tự nhiên. Giữa một nền nông nghiệp đã quá phụ thuộc vào hóa chất, rác thải, nông nghiệp tự nhiên vẫn chỉ là một phong trào đơn độc. Vậy nhưng, chị chủ vườn vẫn rất lạc quan vì “tôi đang làm phần của mình”.

Năm 2019, các doanh nghiệp nước uống đóng chai đồng loạt công bố ngưng sử dụng màng co nắp chai (lớp màng mỏng niêm phủ nắp chai). Một hành động nhỏ nhưng có thể giúp giảm thải hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn ni-lông ra môi trường mỗi năm. Giờ thì hầu như không còn loại nước uống đóng chai nào còn giữ lớp màng co này.

Những dòng kênh ở TPHCM từng được xem là kênh chết khi nước và đủ thứ rác thải chặn kín dòng. Nhiều người dù lạc quan cũng không tin các dòng kênh này có thể hồi sinh. Vậy mà giờ đây, nhiều con kênh đã trong hơn, cua cá đã xuất hiện.

Cù Lao Chàm - địa điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam - không chấp nhận để du khách mang túi ni-lông lên đảo. Nhờ đó, bao năm qua, hòn đảo này vẫn giữ được môi trường sạch sẽ khiến nhiều địa phương khác phải ngưỡng mộ. 

Nhiều người trầm trồ khi thấy đường phố, sông ngòi ở nước ngoài sạch sẽ nhưng lại dè bỉu mấy ông Tây đi dọn rác ở Việt Nam. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện đi thu dọn rác.

Trách nhiệm với thế giới, với môi trường chung giờ đây không phải là của các quốc gia phát triển mà dần trở thành “luật chơi” của thế giới văn minh. Không phải tự nhiên mà các nhà nhập khẩu Âu - Mỹ đặt ra yêu cầu các sản phẩm đồ gỗ từ các nước xuất khẩu phải có chứng nhận FSC (có trách nhiệm với môi trường và có lợi cho xã hội), tức là yêu cầu gỗ phải được đầu tư, khai thác theo tiêu chuẩn rừng bền vững. 

Họ cũng yêu cầu hải sản phải có chứng nhận để chống lại các hoạt động đánh bắt trái phép hoặc đánh bắt bằng phương thức tàn bạo (dùng thuốc nổ, lưới giã cào) làm kiệt quệ nguồn lợi thủy sản, phá hủy môi trường.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định phê duyệt đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

Có thể những khái niệm khí nhà kính, phát thải ròng còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng đối tượng thực thi đề án đó không chỉ Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp mà còn của tất cả người dân. Có thể người tiêu dùng phải bỏ tiền mua túi ni-lông khi mua hàng nếu không tự mang theo giỏ. Tất cả những điều này đều nhằm xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững trong năm, mười năm nữa.

Nếu số đông làm tốt “phần của mình”, các vấn đề chung của xã hội sẽ được giải quyết dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu mọi người không từ bỏ thói quen có hại thì rất cần có những quy định khắt khe để buộc họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi gây hại cho môi trường, xã hội.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI