Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ em

15/12/2017 - 14:00

PNO - Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM ghi nhận 13.000 ca sốt xuất huyết, tăng 21% so với cùng kỳ 2016 và có xu hướng tiếp tục tăng. Vậy sốt siêu vi ở trẻ nhỏ khác thế nào với sốt xuất huyết?

Đồng Nai cũng có hơn 1.700 ca sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hai ca tử vong.

Phan biet sot sieu vi va sot xuat huyet o tre em
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

Trước thực trạng người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, trong đó có không ít trẻ em, các bậc cha mẹ cần chú ý phòng sốt xuất huyết cho trẻ và nhận biết những triệu chứng ban đầu, cách xử trí bệnh. Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có dấu hiệu ban đầu khá giống nhau, tuy cùng triệu chứng sốt, cơ thể mệt mỏi nhưng hai dạng sốt này lại hoàn toàn khác nhau.

Dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi

Sốt siêu vi chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (vi-rút) khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm, có thể tự hết trong vòng 3-7 ngày. Người bệnh thường sốt theo từng cơn, ở nhiệt độ rất cao, từ 38 - 39 độ C, thậm chí có lúc lên đến 40 - 41 độ C. Triệu chứng dễ nhận biết của sốt siêu vi là sốt cao theo từng cơn.

Khi bị sốt siêu vi, đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau mỏi - nhất là ở các cơ. Trẻ nhỏ bị sốt siêu vi sẽ có hiện tượng quấy khóc. Đồng thời xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi, viêm long đường hô hấp, họng đỏ. Các hạch ở khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt…

Phan biet sot sieu vi va sot xuat huyet o tre em
 

Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, có thể sớm xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Có thể nôn ói sau khi ăn.

Cách chăm sóc bệnh nhân mắc sốt siêu vi

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị sốt siêu vi. Khi mắc sốt siêu vi chủ yếu tập trung hạ sốt (dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C, chườm mát, nằm nơi thoáng mát, mặc đồ mỏng...).

Khi sốt cao, cơ thể có thể bị mất nước, do vậy phải cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù, có thể là nước lọc, nước hoa quả, nước oresol hoặc hydrit. Cần ăn thức ăn loãng, bổ dưỡng, dễ tiêu. Sốt siêu vi dễ gây thành dịch nên khi bị sốt cần tránh chỗ đông người.

Sốt xuất huyết và dấu hiệu nhận biết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Phan biet sot sieu vi va sot xuat huyet o tre em
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho trẻ bị sốt xuất huyết

Muỗi vằn là thủ phạm lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Bệnh có hai thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue), xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân sốt cao 39 - 400C, kéo dài từ 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Khi sốt có cảm giác ớn lạnh. Khi sốt xuất huyết, người bệnh cũng bị đau nhức đầu, chủ yếu ở hai bên thái dương và sau gáy. Đau nhức hai bên hốc mắt. Người bệnh cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng.

Về tiêu hóa, người mắc sốt xuất huyết có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Bằng mắt thường có thể nhận thấy xuất huyết dưới da phía trong cánh tay, đùi. Có thể bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi cầu phân đen (xuất huyết trong).

Phan biet sot sieu vi va sot xuat huyet o tre em
 

Cách chăm sóc

Khi người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt. Nên dùng thuốc paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Ngoài ra, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật. Cho người bệnh uống đủ nước, ăn thức ăn lỏng, chia nhiều bữa nhỏ. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Phòng tránh

Tuy chưa có thuốc đặc trị và vaccin phòng ngừa sốt xuất huyết, nhưng bệnh này có thể phòng ngừa, bắt đầu từ việc cho bé ngủ mùng, vệ sinh bụi rậm, đồ vật chứa nước đọng quanh nơi sinh sống để muỗi không có nơi sinh sản. Phun thuốc trừ muỗi định kỳ.

 Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI