Phân biệt các dạng sốt và cách sơ cứu tại nhà trong ngày tết

11/02/2021 - 12:50

PNO - Vào ngày tết ba mẹ thường bận rộn, con trẻ được chơi thoải mái mà không được trông coi kỹ. Để cả gia đình có thể vui vẻ đón tết, ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt?

 

Khoa cấp cứu - bệnh viện Nhi đồng 1
Khoa cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1

Phân biệt các dạng sốt

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cảnh báo: thời tiết ẩm thấp trong những ngày tết, cộng thêm sức đề kháng suy giảm do thức khuya, ăn uống thả ga nên trẻ dễ bị bệnh, phát sốt. 

Sốt có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu gây ra sốt ở trẻ là do nhiễm trùng, do virus và do bản thân bệnh lý ảnh hưởng.

Sốt siêu vi (còn gọi là sốt do virus): hiện tượng sốt là cơ chế miễn dịch của cơ thể đang hoạt động để chống lại virus đang tấn công. Các loại virus gây sốt ở trẻ thường gặp ở trẻ bị thủy đậu, sởi, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, trẻ còn bị bệnh sốt do virus gây ra như cảm cúm, cảm lạnh, các bệnh về đường tiêu hóa...

Những virus gây sốt lây nhiễm bằng các đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu. Đặc biệt vào mùa này, thời tiết ẩm thấp thất thường tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh.

Khi bị sốt do virus, trẻ thường có những triệu chứng như: sốt cao trên 39 độ C, trẻ mệt mỏi và đau nhức cơ thể, nằm li bì, mắt lờ đờ, ho, tiêu chảy…

Sốt do nhiễm trùng: cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn. Các loại bệnh do vi khuẩn gây ra chủ yếu là các bệnh lý về viêm nhiễm. Trường hợp nặng nhất là bị nhiễm khuẩn hệ thống thần kinh trung ương dẫn đến biến chứng viêm não, màng não.

Sốt do bệnh lý: trẻ bị sốt do đang mắc bệnh, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng như: viêm cơ xương, viêm mạch máu hoặc các bệnh lý tự miễn dù không nhiễm trùng cũng gây sốt.

Ba mẹ đưa con đi khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1
Ba mẹ đưa con đi khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1

Phải làm gì khi trẻ bị sốt?

Bác sĩ Đinh Tấn Phương nhấn mạnh, sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể, đó là một phản ứng tốt của hệ thống miễn dịch chống lại các yếu tố có hại. Tùy vào nguyên nhân gây sốt, ba mẹ mới có thể có cách hạ sốt phù hợp cho trẻ:

- Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, cởi bớt đồ cho trẻ.

- Dùng khăn sạch ngâm qua nước ấm và đặt lên trán, bẹn chân, bẹn tay của trẻ.

- Nếu hơn 6 tiếng mà trẻ chưa hạ sốt thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo số cân nặng và theo chỉ thị của dược sĩ.

- Trong quá trình bé bị sốt, ba mẹ vẫn phải cho trẻ ăn uống đầy đủ và đúng giờ. Nên chọn thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng. Đặc biệt cần phải ăn chín uống sôi, chọn thức ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo, canh. Ba mẹ có thể cho trẻ uống nước mát nhưng không được để đá lạnh.

- Trong trường hợp trẻ khóc quấy, không chịu ăn, ba mẹ cần kiên nhẫn dỗ dành và cho trẻ ăn món mà trẻ yêu thích.

- Tránh cho trẻ hoạt động ngoài trời, tránh gió và không khí có bụi bẩn, có độ ẩm cao. Trẻ chỉ nên chơi ở trong nhà, đồ chơi cần được khử khuẩn, khu vực vui chơi cần được lau chùi sạch sẽ.

- Khi trẻ bị sốt liên tục trong vòng 48 tiếng, ba mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để khám và cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, nếu thấy trẻ nằm li bì, mắt lờ đờ cũng nên đưa trẻ tới bệnh viện sớm.

- Trẻ hạ sốt hơn 4 tiếng rồi bị sốt lại, hay sốt quá cao cần phải đưa tới bệnh viện gấp. Hay trong những trường hợp ba mẹ không có kiến thức về y tế, và chưa biết mình phải làm gì thì cũng cần đưa tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và hướng dẫn hạ sốt đúng cách. Đặc biệt trẻ bị sốt cao đi kèm các triệu chứng như nằm li bì, mắt lờ đờ, trên người những đốm đỏ cần được đưa đến bệnh viện gấp. Phòng cấp cứu ở các bệnh viện sẽ mở cửa 24/24.

Đinh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI