|
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi cũng rất cần thiết trong việc phòng ngừa bệnh sốt phát ban - Ảnh minh họa: Internet |
Nhầm lẫn làm lây lan, khiến bệnh thêm nặng
Chị T.T.D.M. (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể rằng, cách đây 10 ngày, con trai chị (3 tuổi) bắt đầu bị nổi vài nốt đỏ nhỏ trên người và hâm hấp sốt. Chị nghĩ bé bị dị ứng với đạm sữa bò (do bé mới đổi sữa công thức loại mới) nên mua thuốc dị ứng về cho con uống, đồng thời ngưng cho bé uống loại sữa mới mua.
Vài ngày sau, các nốt ban lan rộng ra khắp người, bé sốt cao hơn và quấy khóc, bỏ ăn, ho, khò khè. Lo lắng, chị M. đưa con đến bệnh viện. Con chị được chẩn đoán mắc bệnh sởi kèm biến chứng viêm phổi. Chị vô cùng hối hận vì đã chủ quan, không phân biệt được dấu hiệu nổi ban sớm để đưa con đi khám kịp thời. Con chị có cơ địa dị ứng nên hay nổi mề đay. Đó là lý do khiến chị bị nhầm lẫn lúc con mắc sởi.
Tương tự, chị P.T.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng nhầm lẫn nhiệt miệng với bệnh tay chân miệng. Cách đây chưa lâu, con gái chị (2 tuổi) bỗng dưng quấy khóc, bỏ bú và chảy nhiều nước miếng. Thấy trong miệng con có vài vết loét đỏ, chị nghĩ bé bị nhiệt miệng nên mua thuốc bôi điều trị nhiệt miệng và cho bé uống thuốc hạ sốt tại nhà.
Vài ngày sau, bé bắt đầu nổi mẩn đỏ có bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và mông. Không chỉ thế, bé sốt rất cao, lúc nào cũng trên 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không mấy hiệu quả. Lúc này, chị vội đưa con đi khám. Bé được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Bé còn đang nằm viện thì anh trai bé (4 tuổi) cũng bị tình trạng tương tự.
Chị T. tự trách, nếu biết sớm đã cách ly các con kịp thời, anh bé sẽ không bị lây bệnh. 2 con cùng bị tay chân miệng khiến vợ chồng chị vô cùng mệt mỏi, phải nghỉ làm, huy động cả ông bà ngoại ở quê ra phụ giúp chăm bệnh.
Vài hôm trước, bé N.K.A. (4 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) bỗng sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Mẹ bé cho rằng con mình bị cảm cúm thông thường nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt và thuốc ho. Vài ngày sau, trên trán và tai bé xuất hiện những đốm trắng nhỏ li ti. Tưởng con mình bị rôm sảy do thời tiết nóng, mẹ bé tắm cho con bằng nước lá trà xanh và thoa phấn rôm.
Tuy nhiên, sau đó các đốm này lan rộng ra khắp người, trở thành những mảng đỏ lớn, mắt bé còn có ghèn và vẫn không hạ sốt. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán mắc bệnh sởi, phải nhập viện để theo dõi biến chứng viêm kết mạc và hô hấp.
Có nhiều nguyên nhân gây sốt phát ban
Qua những trường hợp nhầm lẫn giữa các bệnh gây sốt phát ban, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo cha mẹ cần trang bị kiến thức để phân biệt được các biểu hiện sớm của bệnh, từ đó chăm sóc trẻ tốt hơn và kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện khi có dấu hiệu nguy hiểm.
Trước tiên, cần hiểu rằng, sốt phát ban là tình trạng sốt có kèm theo nổi các nốt màu đỏ trên da, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Tình trạng sốt kèm phát ban toàn thân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, vi rút, ký sinh trùng, nấm, do thuốc, bệnh tự miễn, bệnh ác tính…
Sốt phát ban ở trẻ em là tình trạng thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số bệnh phổ biến gây sốt phát ban bao gồm: sởi, rubella, tay chân miệng, tinh hồng nhiệt và thủy đậu.
Sởi thường khởi phát bằng sốt cao kèm theo các triệu chứng cảm cúm như đỏ mắt, sổ mũi, ho và xuất hiện các đốm trắng nhỏ trong miệng (hạt Koplik). Sau đó, các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ mặt và cổ, dần lan xuống thân mình.
Rubella có triệu chứng tương tự sởi nhưng nhẹ hơn.
Tay chân miệng gây ra các vết loét trong miệng và nổi ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân.
Tinh hồng nhiệt đặc trưng bởi sốt cao, họng đỏ, lưỡi đỏ và phát ban dạng sẩn đỏ trên da.
Thủy đậu gây ra các nốt ban đỏ chuyển thành mụn nước, mụn mủ rải rác khắp cơ thể.
Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt phát ban rất quan trọng vì mỗi bệnh sẽ có cách điều trị và phòng ngừa khác nhau. Dù hầu hết các trường hợp sốt phát ban do vi rút thường tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Ví dụ, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng như mù lòa, viêm tai giữa, viêm phổi và viêm não. Bệnh tay chân miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ viêm cơ tim, suy tim, viêm phổi và viêm não. Thủy đậu có thể gây viêm phổi, viêm gan, viêm thận và viêm não, ngoài ra còn có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng da do các mụn nước vỡ. Tinh hồng nhiệt cũng là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận và sốt thấp khớp.
|
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang điều trị cho một trường hợp tay chân miệng trở nặng phải nhập viện - Ảnh: N.T. |
Chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời
Sốt phát ban ở trẻ em thường tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, tùy nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh (như trong trường hợp tinh hồng nhiệt).
Trong khi chờ đợi bệnh khỏi, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giúp trẻ thoải mái hơn, chẳng hạn giúp trẻ hạ sốt bằng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ, tắm trẻ bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, tuyệt đối không dùng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye (một biến chứng nguy hiểm).
Bên cạnh đó, hãy cho trẻ uống nhiều nước. Chăm sóc da cho trẻ bằng cách kiểm tra thường xuyên, tránh để trẻ gãi, có thể dùng kem làm dịu da theo chỉ định của bác sĩ. Nên cho trẻ chế độ ăn lỏng, dễ tiêu; khuyến khích trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh. Cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ.
Nếu trẻ sốt cao kéo dài, khó thở, co giật hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Đồng thời, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan bệnh.
Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sốt phát ban, việc phòng ngừa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin như sởi, rubella, thủy đậu là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh.
Ngoài ra, việc duy trì vệ sinh cá nhân tốt, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, che miệng khi ho hoặc hắt hơi cũng rất cần thiết. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt trong mùa dịch.
Bên cạnh đó, cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối, khuyến khích trẻ vận động và ngủ đủ giấc để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật.
Ngoài ra, cần giáo dục trẻ về vệ sinh cá nhân từ nhỏ. Nhìn chung, kết hợp tiêm chủng, vệ sinh cá nhân tốt và tăng cường sức đề kháng sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sốt phát ban.
Trâm Anh