edf40wrjww2tblPage:Content
Cùng xuất phát với Mỹ Tâm từ cuộc thi Giọt mực tím dễ thương năm 1998, nhưng con đường ca hát của Phạm Thanh Thảo không được suôn sẻ như bạn đồng nghiệp. Bao nhiêu năm qua, cô vẫn long đong, lận đận - không là sao hạng A, cũng chẳng phải hạng thường, dù nếu xét về cả tài lẫn sắc cô nào thua kém chi ai. Rồi cô đi nước ngoài định cư. Rồi nỗi nhớ quê hương, nhớ sân khấu lại đưa cô trở về, tiếp tục phát hành album, tiếp tục những chuyến công tác thiện nguyện khắp nơi mà mới đây nhất là chuyến thăm và tặng quà cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS tại Củ Chi.
Gặp Thảo trong một buổi chiều, cô trải lòng mình cùng Phụ Nữ Online - những điều ít người được biết.
* Sau một thời gian đi nước ngoài đoàn tụ cùng gia đình, Thảo có thật sự nhớ khán giả Việt Nam không?
Phạm Thanh Thảo: Rất nhớ bạn à! Dù có đi đâu cũng thế vì không đâu bằng khán giả quê nhà. Bản thân tôi là người Việt Nam, dẫu có đi đâu thì cũng quay về với cái nôi mình thôi. Ở nước ngoài, tôi chỉ diễn vào cuối tuần - Chủ nhật. Lâu lâu được một ngày thứ Bảy, còn lâu hơn nữa là những kỳ nghỉ dài thì mới có cơ hội được diễn vào các ngày thứ 6, 7, Chủ nhật. Còn như bên mình thì có thể ngày nào cũng diễn, một tối có thể chạy 2, 3 sô có khi được luôn cả 5 sô. Đi đâu cũng gặp khán giả và thích nhất là khán giả yêu mình theo cách riêng của họ. Tức là họ biết mình, họ yêu cầu những ca khúc của chính mình mà thật lòng họ yêu thích.
* Thảo có thể cho biết sự khác nhau ở gu thưởng thức giữa khán giả Việt Nam và hải ngoại không?
- Cũng như khán giả Việt Nam, khán giả ở Mỹ họ cũng trân quý nghệ sĩ lắm. Nhưng hầu như họ đến với sô diễn của mình với nhu cầu giải trí sau một tuần làm việc mệt mỏi. Có những khán giả khi đến với đêm diễn là do họ thấy mình nồng nhiệt, họ thấy mình dễ thương, hát những bài hát họ thích… nhưng rất khó để tìm được những khán giả hâm mộ của mình thực sự. Đó là điều khác nhau giữa hai bên khán giả ở Việt Nam và Mỹ.
Thường thì rất ít ca sĩ ở Mỹ nào dám tự tin hát chỉ toàn riêng ca khúc của mình. Ở Mỹ họ giải trí theo một cách khác nên mình chỉ có thể hát hai bản nhạc của mình, rồi thì phải hát nhạc xưa - nhạc mà khán giả đã nghe quen tai rồi hay những bài khán giả họ có thể nhảy theo được như những điệu Rumba, Chacha, Tango...
Cơ bản là khán giả ở đâu cũng dễ thương, nhưng với khán giả nước nhà thì đó thật sự là những người yêu mình, làm nên tên tuổi của mình. Chính khán giả trong nước đã tạo cho mình cái tên “Phạm Thanh Thảo” như hôm nay. Nếu không có khán giả Việt Nam thì chắc chắn Thảo sẽ không có cơ hội được bay sô nước ngoài được.
* Sau một thời gian, chị học hỏi được thêm gì cho bản thân mình, làm hành trang sự nghiệp?
- Tính đến thời điểm này, tôi đã đi Mỹ được 7 năm. Hai show đầu tiên ở Mỹ là một sự thất bại nặng nề của tôi vì không có kinh nghiệm. Khán giả ở Mỹ có văn hóa thưởng thức âm nhạc khác hoàn toàn khán giả Việt Nam. Tôi thất bại hoàn toàn ở cách chọn bài. Tôi hát ở Việt Nam sao thì tôi mang qua Mỹ y như thế. Khán giả ở Mỹ không chịu, tôi buồn và hụt hẫng nhiều lắm vì nghĩ rằng họ không tiếp nhận kiểu bài hát và cách tôi trình diễn.
Và thế là tôi bắt đầu hỏi các anh chị đi trước - hỏi về kinh nghiệm chọn bài cũng như phong cách biểu diễn. Nhiều lúc tôi ngồi trong cánh gà quan sát để học hỏi cách biểu diễn trên sân khấu, cách đồng nghiệp đi trước hát như thế nào, giao lưu với khán giả ra sao… để rút kinh nghiệm từ từ. Nhập gia thì phải tùy tục. Mỗi nơi khác nhau về văn hóa nên mình phải cẩn trọng. Ở Mỹ, chỉ cần mình nhiệt tình với khán giả và gần gũi với họ thì họ sẽ rất thích. Cố gắng dẫn dắt họ vào bài hát của mình thì họ sẽ càng thích hơn nữa.
Họ thích vui mình đem tới niềm vui cho họ. Đừng chọn quá nhiều bài lạ, vì bài đó người ta không quen thì phần biểu diễn của mình sẽ thất bại. Thế nên mới nói không có ca sĩ nào dám hát những ca khúc của riêng mình, tất cả đều phải đan xen cũ - mới thì khán giả họ mới nhận ra và ghi nhận sự biểu diễn đó. Quan trọng là học hỏi ở những bạn diễn chung, nhìn người ta, tự rút ra kinh nghiệm cho mình.
* Tiếp xúc lâu với nền văn hóa âm nhạc hiện đại, gu chọn nhạc của Thảo có nâng cấp lên không?
- Tôi cảm nhận được cũng có sự thay đổi theo thời gian. Bây giờ chọn bài cũng khác ngày xưa vì tôi không thể nhí nhố và trẻ trung quá được. Khán giả bây giờ nghe nhạc có nhu cầu thưởng thức cao lắm. Lời lẽ phải sâu sắc chứ không thể qua loa, bạ gì hát đó. Đã qua rồi cái thời nhạc "thị trường" - dễ nhớ, dễ quên. Gu tôi chọn nhạc dựa trên thế mạnh là pop và ballad mang tâm sự buồn và mất mát. Cứ như thế mà tôi đi “dánh trận” thôi chứ không có ý định phải thay đổi quá nhiều. Tất nhiên là lâu lâu cũng cần phải có sự thay đổi một chút nhưng không nhiều.
Thời gian qua tôi có phát hành một CD nhạc sôi động và sắp tới có thể phát hành một CD mang âm hưởng dân ca và cả một album nhạc xưa để mang đến những khẩu vị mới cho khản giả.
* Có một thời gian nhiều người nhận định cách chị chọn nhạc không đúng. Ví như Chữ Hiếu - chữ Tình là một ca khúc nổi tiếng của chị nhưng lại bị đánh giá là kém sang. Chị nghĩ sao?
- Tôi thì tôi không nghĩ vậy. Chữ Hiếu - chữ Tình là một thành công của tôi. Nếu một ca khúc được nhiều người đón nhận như vậy thì không thể nói đó là bước lùi. Sau đó có rất nhiều ca khúc được yêu thích như Giấc mơ về một ngôi nhà, Yêu anh bằng mọi cách và gần đây nhất là Mỗi người một định mệnh nhưng chưa có ca khúc nào trở thành hit như Chữ hiếu - chữ Tình…
Điều đó cho tôi một bài học nữa. Với quan điểm mình, tôi không nói Chữ hiếu - chữ Tình là một ca khúc sang mà đó là một ca khúc cộng đồng. Vì bởi khi vô tình nghe, nếu bạn hiểu và có tâm sự cùng với nội dung bài hát, bạn sẽ dễ dàng đón nhận. Một bài hát lên gân quá cũng chưa chắc gì được sự ủng hộ của khán giả vì có thể lời lẽ quá cao siêu và không đánh động được vào tâm trí của mỗi người. Sau Chữ Hiếu - chữ Tình, tôi đã cố tìm một ca khúc khác nói lên được tâm sự của số đông nhưng chưa được.
* Khi đi lưu diễn xa, Thảo có kỷ niệm nào với quê nhà đến mức không cầm lòng nổi không?
- Đợt vừa rồi, tôi nhận được nhiều show ở miền Đông nước Mỹ. Lúc đó là vào tháng 1, tháng 2 - trời rất lạnh và tuyết dày kinh khủng lắm. Tôi mới được chị Phương Hồng Thủy mời tham gia một show hát cho chùa. Thấy mọi người xúm xa xúm xít nhận lộc, cầu an, tôi thấy rất chạnh lòng.
Thứ nhất là xa gia đình, xa bố mẹ. Thứ hai là không phải ở Việt Nam mà ngay ở Mỹ tôi cũng không đón Tết được cùng với gia đình. Tôi nhớ rất rõ năm trước đó là sáng Mùng 1, tôi đi lấy xe chở ba mẹ đi chùa ở Cali. Vui lắm! Phải nói vui ơi là vui vì có múa lân, pháo bông, đốt pháo… Còn năm nay thì lại phải đi hát. Mà bạn thử nghĩ đi, nơi tôi biểu diễn tuyết có khi dày cao hơn một mét, phủ kín cả một chiếc xe, còn dân tình chả ai ra đường.
Mọi người tập trung ở chùa, sắp tới giờ giao thừa xúm xít trong chánh điện cầu an. Trời lạnh, mà lúc đó tôi lại mặc chiếc áo dài trên người nữa… nên càng buồn nhớ quê hương. Trong giây phút đó, tôi cũng cầu nguyện để gia đình và mọi người xung quanh mình bình an; nhớ ba mẹ, nhớ Việt Nam…Trong đầu lúc đó mụ mị so sánh nếu mà mình giờ này ở Việt Nam là đang chạy sô, không những một sô mà đến hai sô truyền hình trực tiếp (cười) ở Long An và Mỹ Tho. Nỗi nhớ Việt Nam nó khủng khiếp lắm bạn à!
Hát xong cũng chưa tới giao thừa. Trên đường về thì giao thừa đến mà ở Mỹ thì chuyện đón giao thừa trên xe là chuyện rất bình thường. Ở thời khắc đó, tôi rươm rướm nước mắt, thấy mình thật lẻ loi.
Đường về vắng khuya quá, tôi mới về nhà chị Thủy, mà thê thảm hơn nữa là cả đoàn đi chung ai cũng về hết có mình tôi bị kẹt chuyến bay do bão tuyết. Ở lại với gia đình chị Thủy, chị mời tôi bánh chưng, thịt kho hột vịt, dưa hấu nhưng thật lòng tôi nuốt không vô vì quá buồn. Tôi chỉ mong sao ngay lúc đó mình được uống một ly trà và sum vầy bên ba mẹ, anh em xếp hàng chúc Tết lấy lì xì. Lúc đó tôi buồn, tôi chia sẻ với chị Thủy những gì mình đang suy nghĩ trong đầu - “Nếu em đang ở Việt Nam thì giờ này em đang làm thế này thế này nè…”, còn chị thì cứ giục tôi ăn, chắc là để tôi khuây khỏa.
* Xinh đẹp, hát hay và sự nghiệp cũng ổn định. Thảo có thấy mình may mắn quá không?
- Có chứ. Từ lúc mới vào nghề cho đến giờ tôi luôn cảm thấy mình may mắn. Cái may mắn nhiều nhất là không phải đánh đổi bất cứ thứ gì. Tôi cũng nghe nhiều người nói và nhất là nghe những bạn trẻ tâm sự phải như thế này, phải như thế kia để được có chỗ hát, chỗ diễn hay được sự chiếu cố của bầu sô. Thậm chí có bạn còn phải đánh đổi bằng thân xác của mình. Tôi nghe tôi đau lòng lắm!
Nhiều người trách những bạn đó nhưng tôi lại thấy rất thương họ vì phải đam mê đến thế nào mới dám đánh đổi lớn như vậy. Có những người đánh đổi thành công nhưng ngược lại có những người chả được gì cả nên tôi cho là mình còn may mắn lắm.
Tôi vẫn nhớ thời mới nổi, tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền cho phóng viên viết bài lăng xê mình như thế này thế kia. Không chỉ các anh chị phóng viên ngày xưa mà cả các bạn phóng viên trẻ hôm nay cũng thế. Tôi cảm nhận được sự yêu quý mà các anh chị và các bạn phóng viên trẻ dành cho mình. Với tôi đó là may mắn rất lớn trong sự nghiệp. Chuyện buồn trong nghề thì tất nhiên cũng có nhưng tôi nghĩ đa phần đều là vui.
* Hiện giờ có ai làm cho con tim chị rung động chưa?
- Bù lại cho sự nghiệp thì tình cảm tôi rất lận đận. Tôi có một chuyện tình dài 6 năm. Cả hai rất thương nhau nhưng lại chẳng đến được với nhau. Rồi qua một thời gian dài tôi chẳng rung động được với ai. Sau đó thì tôi gặp một bạn rất dễ thương, rất tâm lý, rất hiểu tôi và hợp tính cách của tôi gần như 100%. Riêng tôi cũng rất nể trọng bạn dù bạn còn quá trẻ và nhỏ hơn tôi nhiều lắm. Tôi luôn đặt câu hỏi sao lại có người tính cách giống mình và hiểu mình nhiều đến như vậy.
Từ lúc gặp nhau, mọi thứ rất vui nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ đến một cái xa hơn mà thật sự tuổi tác giữa tôi và bạn đó không cho phép tôi đi thêm được nữa. Mặc dù bạn đó rất thương tôi và tôi cũng hết lòng quý mến bạn. Ngay cả bạn bè cũng ủng hộ chúng tôi. Ai ai cũng giục tôi “Cứ thử đi!” nhưng tôi đều nhẹ nhàng từ chối vì tôi không vượt qua được suy nghĩ về chuyện “tuổi tác”. Cuối cùng thì chính tôi phải mờ lời với bạn ấy rằng chúng tôi chỉ có thể là bạn.
* Có bao giờ chị nghĩ về một gia đình nhỏ của riêng mình không?
- Khoảng hơn 4 tháng nay, tôi bắt đầu tìm hiểu một mối quan hệ mới. Mọi thứ rất ổn. Bản thân tôi cũng đã lớn tuổi rồi nên cũng có suy nghĩ là phải lập gia đình. Thật lòng mà nói, nhiều khi tôi không muốn lấy chồng đâu, chỉ muốn có con thôi (cười to), có lẽ do "tiêm nhiễm" lối sống hiện đại. Rồi một ngày kia tôi nghe mẹ mình nói: “Một đứa con thiếu tình cảm của cha hoặc mẹ thì cách suy nghĩ và cách sống của đứa bé rất dễ bị lệch lạc”.
Rồi mẹ thắc mắc: “Tại sao con xinh đẹp, giỏi, có giọng hát hay, có lòng thương người sao con không mở lòng mình ra với người nào đó để con của con sống được trong tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ”. Tôi thưa với mẹ rằng tôi chỉ muốn có con thôi chứ không muốn lấy chồng. Lúc đó mẹ tôi khóc luôn, sau đó chửi cho một trận rồi lại tiếp tục nói - nói từ ngày này qua ngày kia - đốc thúc liên tục... Cuối cùng thì tôi xác định rằng con mình phải là đứa có cha. Tôi hy vọng mối quan hệ hiện có sẽ tốt đẹp và đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng để tôi có thể có một gia đình và những đứa con của riêng mình.
* Phạm Thanh Thảo giờ khác xưa nhiều quá! Chị có thấy mình trưởng thành hơn không so với thời Áo dài ơi?
- Già hơn (cười thật to)! Tôi thấy thời gian hay lắm! Thời gian làm cho mọi thứ chín mùi dần như quả non trên cây vậy đó. Một khi quả chín sẽ rất ngon. Tôi cũng thấy mình được vậy đó. Tôi trưởng thành dần theo thời gian, qua cách rèn luyện khi đi hát, cách giao lưu, cách chia sẻ, cách sống, có thêm nhiều bạn bè, có thêm nhiều mối quan hệ, có thêm nhiều người quý mến mình… Giọng hát mình cũng trưởng thành hơn, sâu lắng hơn. Bản thân mình đằm tính hơn, dịu dàng hơn. Tôi được rất nhiều thứ.
* Sự trở lại lần này, bạn muốn khán giả nhìn nhận mình như thế nào?
- Tôi muốn cho mọi người biết là mình vẫn còn rất muốn làm nghệ thuật - vẫn còn muốn đón nhận được tình cảm và sự yêu thương của khán giả, để tôi có thêm nghị lực tiếp tục con đường sự nghiệp.
* Cám ơn Thảo về buổi trò chuyện này. Chúc cho cuộc sống của bạn sẽ luôn ngọt ngào như chính giọng hát.
THƯỚC KIÊN (thực hiện)