Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký

25/02/2014 - 22:13

PNO - PNO - Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là một học giả nổi tiếng trên văn đàn nửa đầu thế kỷ XX.

edf40wrjww2tblPage:Content

Với các bút danh Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân, ông thể hiện tài năng qua nghề báo, làm chủ bút tạp chí Nam Phong, giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội, sáng lập hội Khai trí Tiến Đức…

Hiện nay nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã lần lượt được sưu tập và công bố như Mười ngày ở Huế, Luận giải văn học và triết học, Pháp du hành trình nhật ký, Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam phong (1917 - 1934), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp và mới đây nhất Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký (NXB Tri thức).

Pham Quynh - Tuyen tap du ky

Để có được tập sách này, TS Nguyễn Hữu Sơn đã chọn in các bài viết ấn tượng về những nơi Phạm Quỳnh đi qua như: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, Trảy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, Du lịch xứ Lào…
Có thể nói, ở những nơi đi qua, Phạm Quỳnh đều có những ghi chép tỉ mỉ. Chẳng hạn, ông nhìn thấy ở Huế là “một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nổi cố hương”. Trên bước dường du lịch, ông có đến Nam kỳ và nhận xét lý thú: “một nơi đất mới, mới đủ đường: địa chất, lịch sử, văn hoá đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường tiến thủ, muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những nỗi thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn”. Đáng quý là trong giai đoạn còn thuộc Pháp, ông đã có ý thức về sự thống nhất Nam Bắc: “Tôi càng đi du lịch trong Nam kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được”.

Suy nghĩ này của Phạm Quỳnh đến nay vẫn còn đúng và mãi mãi đúng, bởi tấm lòng hiệp lực ấy đã tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc ta.

Đọc Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên có ý kiến xác đáng: "Tập du ký của Phạm Quỳnh, cũng như bộ du ký của các tác giả khác đã từng in trên tạp chí Nam Phong, là một kho tư liệu quý, một chứng tích của thời gian. Chỉ mới non một thế kỷ nhưng do chiến tranh, thiên tai và nhân tai, nhiều di tích thắng cảnh đã phai mòn đổ vỡ, nhiều phong tục tập quán đã biến dạng, nay nhờ đọc lại những trang sách này người đọc còn thấy lại được, còn biết là có, biết nó khi xưa khi trước thế nào. Đọc để còn ngấm giọng văn kể văn tả văn cảm của thời đó, để nhận vào mình những suy tư gửi gắm của người viết… Ngoài giá trị tự thân, nó còn góp phần quan trọng cho việc đánh giá lại vai trò của Phạm Quỳnh và Nam Phong đối với tiến trình văn hoá xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20”.

M.B

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI