Phạm Ngọc Lân: Câu chuyện của những không gian

30/10/2018 - 06:00

PNO - Trái ngược với sự chú ý người khác dành cho mình, Phạm Ngọc Lân - chàng trai sinh năm 1986 có gương mặt thư sinh ấy luôn cảm thấy ngơ ngác, bối rối trước đám đông. Với báo chí, Lân càng ẩn dật hơn.

 Phim độc lập: Tiếng nói của thế hệ mới 

Trong dòng chảy ngầm của phim độc lập, một thế hệ mới đã và đang trưởng thành. Họ là những đạo diễn trẻ bước ra từ liên hoan phim ngắn Yxineff, đến với Gặp gỡ mùa thu - khóa học phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim độc lập do đạo diễn Phan Đăng Di tổ chức. Họ có những tác phẩm, có thể là phim ngắn, có thể là phim dài góp mặt tại các liên hoan phim quốc tế uy tín. Họ không ai khác, là tương lai của điện ảnh Việt.

Bài 1Phim độc lập- Dòng chảy ngầm cô đơn

Bài 2Lê Bình Giang: Tiếng nói dị biệt, độc đáo

Bài 3Trần Dũng Thanh Huy: 'Rất nhiều người nghĩ tôi không làm được phim'

Trong buổi gặp gỡ những người trẻ làm phim tại Café thứ Bảy hồi tháng 7/2018, Lân ít nói, song cậu sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm có được, từ khâu kịch bản, chuẩn bị tiền kỳ… cho đến kỹ năng làm việc cùng diễn viên.

Pham Ngoc Lan: Cau chuyen cua nhung khong gian
“Tôi bị hấp dẫn và cuốn hút trước tất cả những gì thuộc về không gian” - Phạm Ngọc Lân

Từ những câu chuyện đó, người ta thấy một Phạm Ngọc Lân, nói như đạo diễn Phan Đăng Di "quyết liệt cùng tình yêu điện ảnh với tư duy làm phim mạch lạc, kiến thức vững chắc, rạch ròi trong công việc" và chưa bao giờ “chịu trói” trước những trở ngại.

Từ kiến trúc đến điện ảnh

Tốt nghiệp ngành Quy hoạch đô thị, trường Đại học Kiến Trúc, Lân thỏa sức bay bổng với không gian, thoát khỏi những ràng buộc thường thấy của một người làm phim. Thay vì cố kể một câu chuyện, Lân kể về không gian, nơi câu chuyện diễn ra như cách sắp đặt của một nghệ sĩ đương đại. Khi không gian thay đổi, diễn tình của ý trong không gian cũng thay đổi theo. Rất nhiều lần, trong các cuộc gặp, Lân đều thừa nhận: “Tôi bị hấp dẫn và cuốn hút trước tất cả những gì thuộc về không gian”.

Lân đến với điện ảnh từ một sự khám phá tình cờ và dần dần, nhờ nhiếp ảnh. Thời sinh viên, để lấp bớt thời gian “không biết làm gì”, cậu lang thang khắp nơi để chụp ảnh. Khi bắt đầu chán các bức ảnh đơn lẻ, Lân chuyển qua chụp theo đề tài. Hai bộ ảnh của Lân, một quanh những chú ngựa già nơi trường đua bị đem ra xẻ thịt; hai miêu tả cuộc sống của người Việt ở Campuchia và tìm cách ở lại Lào đều có chiều sâu, sức nặng và đặc tả cái đẹp mà bất cứ người chụp ảnh chuyên nghiệp nào khi xem cũng phải thán phục.

Gần đây, khán giả tình cờ gặp lại một bức ảnh của Phạm Ngọc Lân trong cao/độ/chiều của Trương Quế Chi, một cuộc triển lãm đặc tả đường nét, ánh sáng và sự diễn dịch của không gian khi thay đổi bố cục. Tin là, Trương Quế Chi đã tìm được sự đồng cảm nhất định với Lân.

Sau hai bộ ảnh đó, Phạm Ngọc Lân nhận ra giới hạn của nhiếp ảnh và bắt đầu manh nha ý nghĩ thử sức với phim ảnh. Cậu tham gia khóa học về dựng phim ở DocLab (một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim trẻ, nghệ sĩ đương đại). Video đầu tiên của Lân xoay quanh những người trong một lớp khiêu vũ. Dù chỉ là một đoạn phim ngắn, nhưng nó cho thấy khả năng của cậu với điện ảnh.

Phim ngắn Chuyện của mọi nhà:

Phim ngắn Chuyện của mọi nhà

Video tiếp theo là phim ngắn về những chiếc tivi lỗi thời bị đập vỡ. Không giải thích, không kể một câu chuyện liên tục, tất cả những gì Lân làm như một bước thử nghiệm trưng ra trạng thái của “nhân vật” mà giấu đi câu chuyện phía sau nó. Chuyện của mọi nhà - có tiếng radio là nhân vật chính được đặt trong những không gian khác nhau - chính là phim ngắn "tốt nghiệp" khóa học làm phim tại DocLab của Lân.

Phim từng tranh giải YxineFF 2012 và góp mặt tại các liên hoan phim (LHP) tài liệu danh tiếng thế giới như CPH: DOX (Đan Mạch), Visions du Réel (Thụy Sĩ)...  Khóa học tại Gặp gỡ mùa thu năm 2013 với đạo diễn Trần Anh Hùng đã tiếp sức và vạch ra con đường rõ ràng hơn cho Lân với điện ảnh.

Another City - thành phố với những con người bị bỏ rơi

Phim mở đầu bằng cảnh một phụ nữ trung niên ngồi bất động trong phòng với mái tóc và váy áo ướt đẫm. Túi rau củ bằng giấy chực chờ rớt. Bà đưa tay tháo bộ tóc giả, ánh mắt mệt mỏi, trống rỗng nhìn ra ô cửa có hai người thợ đang lau kính. Chuyển sang cảnh những thanh niên từ quê lên phố, sống trong một căn phòng nhưng mỗi người dường như có một thế giới riêng. Một cậu thanh niên bật khóc giữa tiếng nhạc karaoke của bài hát Lâu đài tình ái. Câu chuyện thất tình của cậu thanh niên ấy trở nên lạc lõng. Tiếp đó, một cô dâu vẻ mặt bần thần, cơn buồn nôn chực trào trong tiệc cưới nơi quán nhậu có phông nền thác nước, thầm mong ước người chồng trong lễ cưới chính là anh người yêu đang ngồi đối diện…

Phạm Ngọc Lân đã xâu chuỗi những câu chuyện rời rạc đó lại, đặt họ trong những không gian khác nhau. Tất cả đều cô đơn, buồn bã, không chút sức sống và bị bỏ rơi trong không gian ngột ngạt: thành phố. Để cuối phim, ngay cả khi được thoát ra khỏi đó, đến với thác nước tuyệt đẹp - giấc mơ được ám dụ trong những phông nền của các bức ảnh cưới hay quán nhậu ở cảnh trước - thì họ, những con người bị bỏ rơi đó, bì bõm và ướt sũng đến tội nghiệp.

Pham Ngoc Lan: Cau chuyen cua nhung khong gian
Một cảnh trong phim ngắn Another City

Another City chỉ mất 11 ngày quay nhưng lại cần đến 6 tháng tiền kỳ và những cân nhắc khác, chưa kể khâu hậu kỳ, dựng phim. Một thời gian quá dài với một phim ngắn! Nhưng chính sự tỉ mẩn, từ tốn của Lân đã mang đến kết quả xứng đáng với sự kỳ vọng của người trong nghề và mang về cho cậu nhiều giải thưởng như một sự khích lệ đối với nhà làm phim trẻ. Phim dành được giải Chú ý đặc biệt (Special Mention) tại LHP độc lập Lisbon - Bồ Đào Nha; giải Tưởng niệm Ingmar Bergman trị giá 5.000 Euro tại LHP Uppsala - liên hoan phim ngắn danh giá nhất vùng Bắc Âu; giải Đạo diễn xuất sắc cho hạng mục phim ngắn tại LHP quốc tế Hà Nội 2016.

Đạo diễn Phan Đăng Di:

“Phim của Lân hướng về vấn đề lịch sử, cá nhân trong lịch sử nhưng thay vì thông qua câu chuyện cảm động, Lân dùng những tín hiệu hình ảnh, biểu tượng,… Phim của Lân sở hữu một yếu tố đặc biệt mà gần như chưa bao giờ xuất hiện trong phim của các đạo diễn Việt là tạo ra những tình huống hài hước, ý nhị và thông minh” - 

Cũng trong năm đó, Another City (Thành phố khác) trở thành phim ngắn duy nhất của Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng tại LHP Berlin, nhận được đánh giá khá cao của giới phê bình quốc tế. Mặc dù không nhận được giải nhưng đây vẫn được xem là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Lân, tạo nền tảng cho dự án phim dài sau này của cậu mang tên Culi never cries (Culi không bao giờ khóc), một dự án do đạo diễn Phan Đăng Di đảm nhận vai trò sản xuất và theo anh là thông minh nhưng vô cùng thách thức vì điện ảnh đang dần mất đi sự thơ mộng, tính phiêu lưu và cực đoan của nó trong thế giới phẳng.

Pham Ngoc Lan: Cau chuyen cua nhung khong gian
Bối cảnh của phim ngắn Một khu đất tốt - dự án phim ngắn mới nhất của Phạm Ngọc Lân

Tháng 10 năm 2016, Culi never cries được chọn là 1 trong 27 dự án tham gia chợ phim lớn nhất châu Á thuộc LHP Busan (Hàn Quốc). Năm 2017, cùng với Vị của Lê Bảo, Culi never cries vinh dự lọt vào top 14 dự án khác tham dự giải L’Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation, hạng mục giới thiệu các dự án phim mới đến từ khắp nơi trên thế giới tại LHP Cannes 2017 để gặp gỡ các nhà làm phim và đầu tư uy tín.

Song song với Culi never cries, hiện Phạm Ngọc Lân đang tiếp tục với dự án phim ngắn thứ 3 có tên Một khu đất tốt. Dự án này đã vượt qua 250 tác phẩm, lọt vào top 5 dự án xuất sắc nhất trong cuộc thi Dự án phim ngắn CJ 2018 và nhận về số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng. Thành quả này cho thấy Lân vẫn đang miệt mài với đam mê của cậu. Và biết đâu, từ dự án này sẽ lại có một phim dài thành hình?

Hoàng Linh Lan


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI