Phẩm hàm và liêm sỉ

09/03/2018 - 07:37

PNO - Một lần nữa, đằng sau cái “tai bay họa gửi” của đợt xét chọn học hàm GS-PGS năm 2017 lại bày ra cái hỏng hóc, cái xơ cứng của quy trình, thủ tục.

Mấy hôm rày, chuyện phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cứ tán loạn hẳn lên. Từ chị bán ve chai đồng nát đến mấy bác xe ôm cũng ghé vào bình phẩm chuyện thuộc về thành phần tinh hoa của nước nhà. Dưng không, cái học hàm danh giá ấy - gắn liền với lao động trí óc cùng những đóng góp quan trọng cho xã hội lại sớm chiều trở thành đề tài buôn dưa lê. Dưng không, cái danh xưng khoa học xứng đáng được trọng vọng ấy bỗng bị len vào đấy chút gì “nhạy cảm” tồi tội!

Pham ham va liem si
 

Mà quả thật, nhìn cái “biểu đồ tăng trưởng” số lượng học hàm GS-PGS năm 2017 tăng đột biến, từ con số 703 người năm 2016, sau một năm đã vọt lên tới 1.131 người mà ước nếu đó là danh sách tỷ phú đô la, hẳn dân mình được nhờ lắm, vui lắm! Chứ như hôm cuối năm, tôi có dịp đi về các trung tâm cai nghiện và bảo trợ xã hội, hầu hết đều tăng, mà tăng học viên cai nghiện, buồn và dằng dặc âu lo một hiện trạng xã hội.

Nhưng có khi, chua chát còn hơn cả âu lo.

Ấy là về một thành phần ưu tú của xã hội, họ là những người được giao trọng trách lèo lái, dẫn dắt con đường truyền bá tri thức, khai phá sự hiểu biết, tiến hóa vô tận, chinh phục những đỉnh cao khoa học… Thế mà, chỉ vì mấy dòng trong bản dự thảo về việc nâng mức tiêu chuẩn chức danh GS-PGS, với mốc thời điểm từ ngày 1 tháng 1 năm 2019-2020, đã dẫn đến một cuộc chạy đua quái lạ. Chạy đua để không phải đạt tiêu chuẩn về số lượng bài báo khoa học quốc tế, về các công bố công trình nghiên cứu khoa học…

Lạ, họ đấy, để được phong học hàm thì phải đạt học vị, để bảo vệ thành công và tấn phong học vị, họ phải làm chủ một lĩnh vực nghiên cứu, một ngành học chuyên sâu, một phát kiến khoa học. Vậy mà chỉ cần đôi ba tiêu chuẩn để chứng thực khả năng, để xác thực quá trình lao động mang tính chuyên môn hóa bậc cao; lập tức đã phái sinh những “biến dị”, phơi bày sự đối phó ma mãnh, xấu xí ở một bộ phận người được cho là “thành phần tinh hoa”.

Bởi hơn ai hết, chính họ mới càng cần sự trung thực - một phẩm chất của người làm khoa học. Cũng hơn ai hết, chỉ có họ mới hiểu và tường tận về con đường khoa học - nơi không có bụi rậm để ẩn núp, chỉ có gai và ánh sáng để bước tới, để tìm tòi và suy nghiệm, để thực chứng và thử nghiệm…

Vì vậy, trong cái chua chát ấy, tôi có quyền thắc mắc và hồ nghi, liệu chừng trong cả ngàn con người ấy, bao nhiêu phần trăm đạt được cái danh xưng của một nhà khoa học thực thụ?

Liệu chừng, nếu chỉ là 95/1.226 (con số trước khi thanh lọc hồ sơ ứng cử viên) thì liệu đã tương ứng với tỷ lệ mà trước đó báo chí thống kê: 34% ứng cử chức danh GS và 53% ứng cử chức danh PGS không có bài báo ISI/Scopus?

Liệu chừng sau khi “rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có bổ sung vào bản dự thảo dòng kiểm định và công khai kiểm định các công trình nghiên cứu, các công bố khoa học, các báo cáo chuyên sâu về hoạt động nghiên cứu - giảng dạy hằng năm của các GS-PGS?

Nếu không đạt, có hình thức phế bỏ hay thu hồi chức danh? Giả định, một khi học hàm là thứ trang sức vĩnh cửu với một số người thì họ lại rất biết cách để trang điểm cho con đường thăng tiến, đâu là giá trị đích thực của đóng góp khoa học?

Dĩ nhiên, tôi thành thật xin lỗi những người trí thức thật, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu chân chính lỡ có tên trong danh sách 1.131 và cả trong danh sách 95!

Bởi, ngay cả trong con số ít ỏi được sàng lọc trở lại kia, tôi đọc thấy có người với lý lịch khoa học đáng nể. Họ không thiếu các công trình khoa học công bố quốc tế, số điểm quy đổi từ bài báo khoa học quốc tế rất cao nhưng họ vẫn cứ rơi vào bảng 95.

Vì hồ sơ chưa hoàn chỉnh? Vì có đơn thư thưa kiện (kể cả nặc danh)? Vì họ là lãnh đạo, là nhà quản lý? Ngoại trừ hội đồng xét duyệt chức danh biết tỏng, còn lại không ai biết họ rơi lọt vì lý do gì. Lý do ấy đã được tranh luận và phản biện, bảo vệ công khai?

Một lần nữa, đằng sau cái “tai bay họa gửi” của đợt xét chọn học hàm GS-PGS năm 2017 lại bày ra cái hỏng hóc, cái xơ cứng của quy trình, thủ tục. Việc này có thể chấn chỉnh.

Còn những thứ ngoài quy trình, có những điều không thuộc về thủ tục, ấy là lòng trung thực - xin được nhắc lại, liệu có uốn nắn nổi cho thẳng thớm?

Ignoramus - theo nghĩa tiếng La-tinh “chúng tôi không biết” - một huấn thị dành cho các nhà khoa học. Không biết là để… biết một phần bí ẩn của vũ trụ mà các nhà khoa học sẽ là người phải tìm ra, phải chinh phục. Đừng “không biết” sự xấu hổ khi nhân danh khoa học để chạy vạy một phẩm hàm! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI