Phải xử lý rác theo hướng kinh tế tuần hoàn

03/10/2024 - 06:07

PNO - Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lý - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn song hành với việc hiện đại hóa chuỗi thu gom, xử lý rác theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Phóng viên: Theo quy định, chỉ còn 3 tháng nữa, việc bắt buộc phân loại rác tại nguồn sẽ được áp dụng trên cả nước. Thưa bà, có vẻ thời hạn này không mấy khả thi?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lý: Không phải bây giờ chúng ta mới nói tới hay triển khai. Mấy chục năm qua, một số địa phương đã làm và thực tế cho thấy việc này không đơn giản, bởi rác liên quan đến mọi đối tượng, độ tuổi, nên cần thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về rác. Chúng ta quen ứng xử quá dễ dãi với rác nên để chuyển sang ứng xử có kỷ luật, cần truyền thông, vận động và chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, kỹ thuật.

Chúng tôi từng thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số nơi, bà con nhiệt tình hưởng ứng nhưng hỏi “phân loại xong thì bỏ vào đâu, loại rác tái chế được thì cho vào túi nào”. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ có các loại túi ni lông để phân loại rác, nhưng để sản xuất túi thì cần có thời gian, có đầu tư, có quy định rõ tự mua hay được phát, phát thế nào, để rác đã phân loại vào đâu, ai thu gom. Từng có tình trạng người dân phân loại xong thì đơn vị thu gom lại trộn lẫn rác lại do phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp. Nếu không thay đổi được phương pháp xử lý rác thì khâu phân loại tại nguồn vẫn gặp khó khăn.

Muốn chuyển từ chôn lấp sang kinh tế tuần hoàn thì phải thay đổi hạ tầng cơ sở, cách quản lý. Phân loại rác tại nguồn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ vi mô đến vĩ mô; nếu chỉ đưa ra hướng dẫn và ấn định thời điểm bắt buộc làm mà chưa chuẩn bị những yếu tố hạ tầng khác thì sẽ gặp rất nhiều thách thức. Do đó, từ lúc ra quy định cho đến khi áp dụng, cần có giai đoạn quá độ để chuẩn bị hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, nhận thức, đặc biệt là thay đổi phương pháp xử lý rác. Hiện nay, những vấn đề này chưa sẵn sàng, nên nói rằng “trong 3 tháng nữa, phải phân loại rác tại nguồn” là rất khó.

* Muốn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thì phải phân loại rác tại nguồn và ngược lại, nó như cái vòng luẩn quẩn. Vậy các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội cần bắt đầu từ đâu, thưa bà?

- Cách đây 40 năm, Hàn Quốc cũng chịu những áp lực về rác như Việt Nam hiện nay. Chính phủ phải chi khoản ngân sách rất lớn để chôn lấp rác, vừa thiếu quỹ đất, vừa ô nhiễm, vừa tốn kém kinh phí nên họ đã ban hành Luật Tuần hoàn tài nguyên rác, chuyển từ chôn lấp sang hệ thống tuần hoàn tài nguyên.

Trước đây, việc thu gom, phân loại rác có khả năng tái chế ở Hàn Quốc do các lực lượng lao động nhỏ lẻ làm, giống như ở Việt Nam lâu nay. Họ đã tổ chức lại hệ thống này, từ đó hình thành nhiều doanh nghiệp thu gom, phân loại rác tái chế. Năm 2016, Hàn Quốc có 800 doanh nghiệp tái chế, được chính phủ tài trợ, tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Họ đã hạ tỉ lệ rác thải chôn lấp xuống gần như bằng 0, xuất khẩu được các sản phẩm tái chế. Ngành thu gom, xử lý rác hiện không cần trợ giá mà còn tạo ra lợi nhuận, giảm thiểu khí nhà kính, những khu từng dùng chôn lấp rác nay được cải tạo thành những công viên lớn. Nhưng để làm được như vậy, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thời gian, chính sách vĩ mô, chiến lược dài hạn, có lộ trình từng bước.

* Từng tham gia vào quá trình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở TP Đà Nẵng, bà rút ra những bài học gì cho việc phân loại rác tại nguồn ở các đô thị của Việt Nam?

- Từ những mô hình thí điểm ở các địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng, chúng tôi thấy, để triển khai việc phân loại rác tại nguồn, cơ quan triển khai phải có hiểu biết hết sức sâu sắc về hiện trạng, cách nghĩ, văn hóa của người dân ở mỗi địa phương, khu vực, từ đó có các bước chia sẻ, nâng cao năng lực, nhắc nhở, truyền thông để mỗi người hiểu đây là nghĩa vụ quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, tránh lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, cần có hướng dẫn rất cụ thể cho người dân về cách thức phân loại, “đường đi” của rác.

Bài học rút ra là phải có quyết tâm cao của lãnh đạo, phải thiết kế được các công cụ kỹ thuật để giúp người dân tham gia thuận lợi, dễ dàng. Đa phần người dân đồng tình ủng hộ các chính sách tốt, do đó cần đẩy mạnh các mô hình thí điểm, các phong trào bổ ích từ cấp tổ dân phố, xã phường, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân.
* Xin cảm ơn bà.

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI