Phải xem xâm phạm quyền trẻ em là việc cấp bách

29/07/2020 - 12:00

PNO - Ngày 28/7, Sở LĐTB&XH TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai quy trình phối hợp, can thiệp, xử lý với những trường hợp liên quan đến trẻ em.

Gần 50 thành viên đại diện các sở, ngành, hội, đoàn và phòng LĐTB&XH 24 quận huyện tham dự.

Hội nghị đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo chỉ thị của Thủ tướng và quyết định của UBND TPHCM ngày 8/6/2020.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Theo quy định, quy trình tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin gồm: đánh giá ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt; xác định nhu cầu hỗ trợ, can thiệp; xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; rà soát, đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH TP.HCM - sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành khi có sự việc xảy ra cần đồng bộ, nhịp nhàng, xuyên suốt, trong đó cán bộ trẻ em (từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên) luôn giữa vai trò chính. Trách nhiệm của vị cán bộ này là phải vào cuộc ngay từ đầu khi nhận được tin báo; theo dõi điều tra, truy tố, xét xử…

Các ngành y tế, giáo dục; các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan pháp y; hoặc các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đều không thể ngoài cuộc, nhưng tùy lúc, tùy nơi mà vai trò và mức độ tham gia sẽ khác nhau.

Ông Tính nhấn mạnh, theo tinh thần chỉ đạo của các văn bản, xâm phạm quyền trẻ em được xem là việc cấp bách. Do vậy, can thiệp, xử lý các trường hợp liên quan đến trẻ em vừa thận trọng, kỹ càng, bảo mật cho trẻ em và gia đình nhưng phải hết sức khẩn trương, nghiêm túc.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI