Phải xem việc sử dụng rượu bia là tình tiết tăng nặng khi luận tội

24/05/2019 - 07:50

PNO - Đã đến lúc xem xét định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với người phạm các tội xâm hại phụ nữ, trẻ em, kể cả bạo lực gia đình khi họ sử dụng, rượu, bia, chất kích thích.

Sáng 23/5, qua Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM (0913 15 93 15) Nguyễn Võ Hồng Thơ - nữ sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, quê ở H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - đã chia sẻ nỗi đau của bản thân, một nạn nhân của tệ nạn say xỉn. Cô nhờ báo kiến nghị Quốc hội xây dựng, ban hành các điều khoản luật nghiêm khắc nhằm bảo vệ các nạn nhân của nạn lạm dụng rượu bia. 

Theo lời kể của Thơ, cách đây hai tuần, mẹ cô lại nhập viện do bị cha Thơ say xỉn, đánh đập. Đây không phải là lần đầu tiên cha cô đánh vợ. Ông từng lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần, đã bị xử lý vi phạm hành chính, giáo dục ở địa phương và khoảng 10 năm trước, ông từng bị chính quyền địa phương đưa đi cải tạo lao động sáu tháng do có hành vi bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng. Thơ cũng từng phải chịu đòn roi của cha, nhưng mỗi lần tố cáo vụ việc, chính quyền xã chỉ hòa giải. Thơ kể, cách đây 4 năm, cha cô đánh mẹ gãy xương ngón tay út nhưng khi làm đơn trình báo, đại diện chính quyền cho rằng do ông ấy nhậu xỉn nên không tự kiểm soát bản thân. Người ta còn nói khi tỉnh táo, ông rất thương vợ, thương con và khuyên mẹ tôi rút đơn, bởi luật không quy định uống rượu là cái tội.

Phai xem viec su dung ruou bia  la tinh tiet tang nang khi luan toi
 

Có cùng trăn trở như trên, luật sư Vũ Thị Hoài Vân - người có hơn 10 năm làm việc tại Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6 - nhận định: “Đa số nạn nhân, người bị hại trong các vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em đều khẳng định nguồn cơn của những vụ bạo hành, xâm hại ấy xuất phát từ việc kẻ thủ ác say rượu hoặc nghiện rượu. Có không ít vụ việc, người vợ bị chồng đánh, gây thương tích trầm trọng nhưng khi đưa đến công an, chính quyền thì chỉ được hòa giải với biện luận hết sức vô lý, kiểu như “do người ta say nên mới vậy”. 

Luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ mới quy định tình tiết tăng nặng với ba tội danh là vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. “Theo tôi, đã đến lúc xem xét định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với người phạm các tội xâm hại phụ nữ, trẻ em, kể cả bạo lực gia đình (nếu đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự) khi họ sử dụng, rượu, bia, chất kích thích. Quan trọng hơn, không thể chờ sửa đổi Luật Tố tụng hình sự mà phải đưa ngay vào dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” - luật sư Vũ Hoài Vân kiến nghị.

Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, theo nhiều người dân lẫn các chuyên gia pháp luật. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nếu đã quyết định ban hành luật thì cần nghiên cứu thêm, tham khảo kỹ hơn quy định pháp luật của các quốc gia khác về phòng, chống tác hại của rượu, bia để học hỏi, vận dụng. 

Ông cho rằng, Quốc hội cần tính toán để mỗi điều luật đều được thực thi. Hiện tại, nhiều điều trong dự thảo quá chung chung, mơ hồ. “Chúng ta cần có quy định cụ thể như một số bang tại Mỹ, nếu bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi thì người kinh doanh, buôn bán đó sẽ bị phạt đến 3.000 USD. Hiện nay, quy định pháp luật của chúng ta có rất nhiều, nhưng không đồng bộ. Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời sau nhiều luật khác nhưng không tham khảo, nhắc lại các luật chuyên ngành. Cụ thể như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhưng dự luật này không đưa thêm vào dự thảo các loại tội phạm bị tăng nặng trách nhiệm hình sự khi sử dụng rượu, bia là một điều bất cập. Dự luật ra đời ngay thời điểm nóng về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng vẫn không đề xuất tăng nặng hình phạt với loại tội danh này với người có sử dụng rượu, bia là thiếu sót”.

Thạc sĩ xã hội học Phan Thị Hoài Yến (Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị nghiện chất, thuộc Trường đại học Y Dược TP.HCM) chỉ ra: “Tại điều 5 của dự thảo luật, quy định về các điều cấm vừa mơ hồ, vừa thiếu sót trầm trọng. Thử hỏi, làm sao để chứng mình tội phạm “ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”? Theo tôi, luật phải quy định rõ, nếu bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi thì dù chỉ là một xị rượu đế, một chai bia có nồng độ cồn trên 12% hay một ly rượu mạnh trên 45 độ đều bị phạt với mức phạt cụ thể và thật nghiêm khắc, trường hợp bán rượu cho người dưới 16 tuổi thì tăng nặng mức phạt. Thậm chí, để bảo vệ tương lai nòi giống và phòng, chống tác hại của rượu bia, chúng ta cần cả quy định chi tiết cấm bán rượu, bia cho phụ nữ mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI