Phải xem trọng lợi ích của dân khi bảo tồn di sản

26/06/2024 - 06:08

PNO - Trước phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào ngày 26/6, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có buổi trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - về những vấn đề được quan tâm.

Phân loại di tích để có ứng xử phù hợp

Phóng viên: Thưa ông, nhiều năm qua, việc bảo tồn các làng cổ, phố cổ ở Việt Nam chưa được khoa học, hợp lý. Có địa phương từng muốn rút danh hiệu di tích quốc gia do người dân ở vùng di tích phải sống chật vật trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp mà không thể sửa chữa. Theo ông, ta nên bảo tồn di tích, di sản như thế nào?

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Việt Nam có nhiều loại di tích khác nhau. Trong đó, có những di tích sống, tức là người dân gắn bó hữu cơ với di tích, tạo ra sự sống động cho các di tích đó, như ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), làng cổ Đường Lâm, Cổ Loa (TP Hà Nội). Các di tích này khác rất nhiều so với Hoàng thành Thăng Long (TP Hà Nội) hay các lăng tẩm ở Kinh thành Huế - nơi vốn chỉ có vua chúa sinh sống. Do vậy, chúng ta phải phân loại di tích để có cách quản lý và ứng xử phù hợp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

Khi chúng tôi tới Tràng An (tỉnh Ninh Bình), nhiều người dân ở đó than rằng, do nhà cửa nằm trong khu vực bảo vệ di sản nên không được xây dựng, công ăn việc làm bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng, khi làm bất cứ việc gì, cũng phải đặt lợi ích của con người vào vị trí trung tâm. Nếu quy định máy móc, việc bảo vệ di tích sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống và hạn chế quyền của người dân. Đó là lý do khiến nhiều người dân ở phố cổ Hà Nội không hoàn toàn mong muốn nơi mình sống trở thành di tích quốc gia hay bất cứ hình thức công nhận nào. Làng cổ Đường Lâm cũng từng có ý định từ bỏ danh hiệu di sản.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định: “Nếu bảo vệ di sản một cách máy móc, không đặt quyền và lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm thì chúng ta thậm chí đang vô nhân đạo đối với những người đang sống với di sản.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

Khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, chúng ta phải phân loại di tích để có ứng xử phù hợp, ban hành các chính sách mà trong đó xem người dân là một phần gắn bó hữu cơ của các di sản. Ở các khu vực này, có thể cho phép sửa chữa, cải tạo nhà ở trên cơ sở tôn trọng giá trị của di sản. Phố cổ Hội An là một điển hình được thế giới thừa nhận về việc tạo ra được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

* Mới đây, khi thảo luận về quy hoạch thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân đề xuất, để bảo tồn 36 phố phường ở TP Hà Nội, nên thực hiện cơ chế không thu hồi nhà ở của dân nhưng hỗ trợ họ về chỗ ở; người dân có thể tự kinh doanh, cung cấp dịch vụ thương mại hoặc cho nhà đầu tư vào cải tạo, chỉnh trang. Ông có đồng tình với giải pháp này?

- Phố cổ Hà Nội là khu vực quan trọng, thể hiện dấu ấn, bản sắc và lịch sử của thủ đô nên cần nhất quyết giữ gìn. Giải pháp đề xuất trên là phù hợp với bối cảnh hiện nay, vừa giúp giữ gìn cảnh quan khu phố cổ, vừa tạo điều kiện cho người dân có một cuộc sống tiện nghi hơn. Thực tế, TP Hà Nội đã làm chuyện này trong một thời gian khá dài nhưng vẫn gặp nhiều cản trở mà cản trở lớn nhất là thói quen của người dân. Họ đã quen sống ở khu vực đó nên không dễ dàng chuyển tới nơi ở mới. Do đó, chính quyền cần tăng cường vận động, tạo điều kiện như cấp chỗ ở mới không quá xa nơi ở cũ, hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Nghệ nhân là báu vật nhân văn sống

* Theo báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, chế độ đối với nghệ nhân còn nhiều bất cập. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Đúng thế. Với di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân chính là báu vật nhân văn sống. Muốn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thì phải tôn vinh nghệ nhân. Nghị định của Chính phủ chỉ mới ưu đãi cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, chưa bao quát được tất cả. Các nghệ nhân không gặp hoàn cảnh khó khăn chủ yếu phụ thuộc vào chính sách do HĐND của các địa phương thông qua.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này quy định nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, chi phí mai táng khi qua đời. Quy định này là cần thiết nhưng đây chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội chỉ là con cá, không phải chiếc cần câu. Cần có những chính sách để nghệ nhân cống hiến nhiều hơn cho nghề nghiệp, như tạo điều kiện để họ được biểu diễn trong các trường học, bảo tàng, các triển lãm làng nghề, các sự kiện văn hóa nghệ thuật khác nhau, từ đó họ được thể hiện và lan tỏa tài năng của mình cũng như có thêm thu nhập từ hoạt động nghề nghiệp.

Phố cổ Hội An được đánh giá là “di tích sống” đang làm tốt công tác bảo tồn và phát triển - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Phố cổ Hội An được đánh giá là “di tích sống” đang làm tốt công tác bảo tồn và phát triển - Ảnh: Lê Đình Dũng

Chúng ta cũng phải xây dựng thương hiệu sản phẩm của các nghệ nhân, giúp họ có được những lợi ích và cũng tạo ra dấu ấn cho sản phẩm địa phương. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta cần có sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) trong lĩnh vực văn hóa. Nghệ nhân cần được yên tâm sống bằng nghề thay vì trông chờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đó mới là giải pháp căn cơ.

Thiếu hành lang pháp lý cho di sản số

* Thưa ông, di sản số có vai trò như thế nào trong thời đại 4.0? Khái niệm này hình như bị bỏ ngỏ trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)?

- Di sản số là vấn đề khá mới khi chúng ta đang số hóa các di sản. Ví dụ như trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh hay nhiều di sản khác, khi được đưa lên không gian số thì bản quyền như thế nào, ai được đưa lên, ai là chủ sở hữu và được hưởng lợi? Chúng ta chưa có quy định pháp lý nên chưa rõ ai quản lý di sản số, không có chính sách phù hợp, không có cơ sở hạ tầng, nhân lực…

Trên thế giới, di sản số cũng đã phổ biến và Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu thế. Do đó, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm và bổ sung quy định về di sản số, bảo tàng số.

* Xin cảm ơn ông.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI