Phải trả giá vì làm quy hoạch “băm nát” thủ đô

05/01/2017 - 07:04

PNO - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói vậy tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chiều 4/1.

“Khi dự hội nghị thị trưởng các thành phố cũng như đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, chúng ta nhận thấy phát triển quy hoạch của Hà Nội nói chung và kể cả quy hoạch lõi, tôi nghĩ có những vấn đề chúng ta đang đi chệch hướng.

Kiểm tra lại, quy hoạch cũ Hà Nội quy hoạch rất rõ có bao nhiêu dân thì phải có một bệnh viện. Nhưng bây giờ cứ tống hết bệnh viện ra ngoại ô cả, không hiểu sau này người dân phải đi mấy chục km mới đến bệnh viện”-ông Chung nói.

Ông Chung cũng dẫn chứng trên thế giới người ta định nghĩa từ nhà ra đến bệnh viện đi bộ chỉ 15 phút, thành phố của tương lai là như vậy.

“Nếu như những năm 90 chúng ta làm tốt, lấy rộng ra hai bên 200 - 300m mặt đường thì TP đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội.

Trong năm vừa qua, tôi họp với Sở Kế hoạch - đầu tư, có những khu đất 5 - 7ha mà các anh cũng “băm” ra cho 2, 3 chủ đầu tư. Làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được. Tôi nêu ra không phải để đổ lỗi cho Sở Quy hoạch kiến trúc mà đây là vấn đề rất nhiều năm rồi.

Các đồ án các anh đưa vào cái nào cũng giống nhau. Tôi cảm giác các kiến trúc sư của chúng ta làm cho xong việc. Tôi hiểu định mức nhà nước với các đồ án quy hoạch thấp nhưng thực sự chất lượng đồ án rất kém.

Tôi nghe câu chuyện trước đây cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm vừa qua, tôi chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất, hóa ra là toàn “xi nhan” người thân người quen đi mua. Thế nên là có những uốn lượn hay kéo dài trong vấn đề kiến trúc”-ông Chung nêu.

Đề cập đến ý kiến Thủ tướng Chính phủ nêu, ông Chung nói: “riêng lĩnh vực giao thông, tôi có tham gia, cho đến giờ phút này chưa có một bộ, ban ngành nào bàn giao bất cứ một trụ sở nào cho TP Hà Nội.

Thứ hai, bệnh viện di dời rồi nhưng cũng chưa có bệnh viện nào bàn giao lại cho thành phố. Thậm chí có bệnh viện còn xây thêm. Ví dụ như Việt Đức còn chất tải thêm.

Thứ ba, Hà Nội đã có 570 nghìn ôtô, chưa kể xe của lực lượng vũ trang, 5,2 triệu xe máy. Vì vậy, việc quản lý liên quan đến kiến trúc các khu nhà nội đô, Sở Quy hoạch - kiến trúc cần phối hợp để quản lý chặt chẽ, phải kiểm soát chặt chẽ”.

Ông Chung cũng dẫn chứng việc thành phố đã có quy định rất chặt chẽ các biệt thư trước năm 1954, biệt thự nào nằm trong danh mục phải bảo tồn, biệt thự nào phải sửa chữa đều nêu rất rõ.

“Bây giờ phải tăng cường quản lý. Vừa qua, tôi phải gọi anh Vinh lên (Lê Vinh, giám đốc Sở Quy hoạch-kiến trúc Hà Nội), tôi không thể tưởng tượng được một biệt thự nằm trong danh mục cấm mua bán và cấm đập, vậy mà lọt qua đến tận TP ra quyết định bán. Khi đề xuất bán sang người khác thì tôi mới phát hiện ra.

Tôi nghĩ rằng có tiêu cực và quan điểm của tôi là báo cáo Thường trực và chuyển cơ quan điều tra cho minh bạch” - ông Chung nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI