Phải thấy lợi ích, học sinh mới thích vào trường nghề

12/08/2024 - 06:06

PNO - Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp quốc gia nêu mục tiêu: đến năm 2025, có 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, tỉ lệ này tăng lên 50 - 55%. Theo các chuyên gia giáo dục, những chỉ tiêu này sẽ khó thành hiện thực nếu người chọn học nghề vẫn chịu thiệt thòi nhiều mặt.

Trường nghề chật vật tuyển sinh

Ngày 5 và 6/8, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội có hơn 600 sinh viên và hơn 100 học sinh nhập học, trong khi chỉ tiêu năm 2024 của trường là 1.200 sinh viên cao đẳng và 450 học sinh trung cấp. Để đủ chỉ tiêu, nhà trường phải tổ chức tuyển sinh nhiều đợt.

Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng trầy trật trong việc tuyển sinh. Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, trường phải giảm học phí, giới thiệu việc làm cho người tốt nghiệp, mới có được lượng người đăng ký học nhất định và chỉ những ngành nghề được giảm 70% học phí, mới gần đạt chỉ tiêu tuyển sinh.

Sinh viên các trường nghề của TPHCM tham gia hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024 - ẢNH: T.T.
Sinh viên các trường nghề của TPHCM tham gia hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024 - ẢNH: T.T.

Năm học mới cận kề, Trường cao đẳng Nghề tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ tuyển được 60 - 70% chỉ tiêu trung cấp và khoảng 50% chỉ tiêu cao đẳng. Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Cường - cán bộ Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm của trường - cho hay, thí sinh không mặn mà với trường nghề mà hầu hết sẽ vào trường đại học hoặc đi làm công nhân ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Tuyển sinh đầu vào trầy trật, các trường còn đối mặt tình trạng học viên bỏ học giữa chừng. Ở tỉnh Quảng Bình, hằng năm, Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, Trường cao đẳng Luật Miền Trung, Trường cao đẳng Nghề tỉnh Quảng Bình đều có khoảng 20 - 30% học viên bỏ học dù đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường đã tìm đủ phương cách giữ chân học viên.

Ở TPHCM, các năm qua, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (quận 5) tuyển sinh đạt 80 - 90% chỉ tiêu; Trường trung cấp Bách khoa TPHCM (quận 12) cũng tuyển sinh đạt từ 80 - 90% chỉ tiêu. Trường này đào tạo nhiều ngành học như y dược, chăm sóc sắc đẹp, kế toán, mỗi ngành chỉ có hơn 30 chỉ tiêu và tổng chỉ tiêu mọi ngành là 300-400 sinh viên.

Trường cao đẳng Điện lực TPHCM (quận 12) có chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm là 800-850 sinh viên nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Minh Quang - Phó hiệu trưởng nhà trường - nhiều năm nay, chỉ tuyển được trên dưới 50% chỉ tiêu.

Theo kết quả điều tra lao động và việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 73,9% người đang tham gia lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,8% đã qua lớp sơ cấp nghề, 4,1% có trình độ trung cấp, 3,5% có trình độ cao đẳng và 11,7% có trình độ đại học.

Sinh viên Trường cao đẳng Điện lực TPHCM học thực hành lắp sứ treo - ẢNH: TRANG THƯ
Sinh viên Trường cao đẳng Điện lực TPHCM học thực hành lắp sứ treo - ẢNH: TRANG THƯ

Xem lại công tác phân luồng

Ông Nguyễn Đắc Hiển - Trưởng phòng Đào tạo, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - nhận định, trường gặp khó khăn trong tuyển sinh là do TPHCM có nhiều trường trung cấp và cao đẳng, trong đó trường cao đẳng được phép tuyển cả diện tốt nghiệp THPT và học sinh lớp Chín trở lên nên nguồn tuyển dồi dào hơn.

Theo ông, người muốn học nghề thường thiên về kỹ năng nghề, không nổi trội trong việc học văn hóa nên việc bắt buộc học song song nghề lẫn văn hóa vô tình gây áp lực cho các em. Về lâu dài, nhiều em rẽ hướng, bỏ học nghề. Hằng năm, có từ 20 - 30% học viên của trường bỏ học. Những học viên này thường thuộc vào trường hợp cha mẹ bắt đi học và bản thân không rõ định hướng cá nhân nên học được một thời gian thì chán.

Ông Nguyễn Minh Quang cho rằng, việc phân luồng sau THCS hiện nay chưa hiệu quả. Công tác phân luồng phải hướng học sinh đi học nghề để làm nghề chứ không phải để tìm con đường khác. Muốn người học kiên định với con đường nghề thì tương lai của họ phải sáng sủa, chẳng hạn họ được bố trí công việc, trả lương theo hiệu quả làm việc chứ không phải theo bằng cấp.

Nghịch lý lâu nay là, học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề mà không tốt nghiệp THPT thì không thể học liên thông lên đại học; nhiều cơ quan, đơn vị vẫn trả lương theo bằng cấp thay vì vị trí việc làm và tiến độ công việc. Những điều này khiến những người học nghề luôn bị thiệt thòi.

Với những nghịch lý trên, tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM - băn khoăn về mục tiêu “đến năm 2025, thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp”.

Theo ông, muốn khuyến khích người dân học nghề, Nhà nước phải có chính sách tốt cho họ cả trong thời gian học lẫn khi đi làm. Trong khâu chi trả bù phí, các địa phương nên giải ngân thật nhanh cho đối tượng tốt nghiệp THCS đi học nghề, tránh để xảy ra tình trạng học sinh ra trường rồi mà vẫn chưa được thanh toán tiền, như đã từng xảy ra.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, mục tiêu “đến năm 2030, có 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp” là phù hợp với nền kinh tế nước ta hiện nay. Nhưng theo ông, cần điều chỉnh lại cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân để sau bậc THCS, có 2 luồng để học sinh lựa chọn là THPT và trung học nghề.

Theo ông, ở các nước, THPT và trung học nghề cùng có thời gian đào tạo 3 năm, cùng có thể học cao đẳng, đại học. Còn ở nước ta, trung cấp nghề chỉ học trong 1-2 năm, lại chủ yếu học nghề chứ không chú trọng kiến thức phổ thông và cũng không thể học lên cao đẳng, đại học. “Rõ ràng, có sự không tương đương về bằng cấp cũng như cơ hội nên hệ trung cấp nghề không thu hút được người học” - ông nói.

Sinh viên Trường trung cấp nghề  Kỹ thuật  công nghệ Hùng Vương - ẢNH: T.T.
Sinh viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - ẢNH: T.T.

Thu hút học viên bằng chất lượng và hiệu quả đào tạo

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đổi mới phương pháp đào tạo, sử dụng hình thức đào tạo gắn với doanh nghiệp, khuyến khích học sinh sáng tạo trong học tập. Nhưng nhiều cơ sở thiếu kinh phí mua sắm, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị thực hành, thiếu kinh phí mua sách, tài liệu tham khảo và biên soạn giáo trình.

Việc liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cũng chưa chặt chẽ, chương trình đào tạo chưa bám sát thị trường lao động nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu nghề đào tạo chưa bao quát toàn bộ nền kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những ngành nghề mới.

Bên cạnh đó, việc chọn nghề của học sinh ở các địa phương còn tự phát, chạy theo phong trào do chưa được hướng nghiệp đầy đủ ở trường phổ thông.

Tuy 80% học viên các trường nghề tìm được việc làm sau tốt nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, một số người lao động vẫn thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tiếp tục đào tạo.

Đây là nguyên nhân chủ quan mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khắc phục, bởi chỉ có nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo mới thu hút được người học.

Phó giáo sư, tiến sĩ PHẠM VIẾT VƯỢNG - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội


Ngọc Minh Tâm - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI