Đã đến lúc phải quyết liệt cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo theo hướng từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, áp dụng tuần hoàn để tăng thu nhập từ cây lúa, giúp đời sống của người nông dân khấm khá lên. Vị tư lệnh ngành nông nghiệp đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay được cho là điểm sáng trên bức tranh kinh tế khi tiếp tục tăng về sản lượng và giá trị. Lúa gạo sẽ tiếp tục là một trong những ngành hàng trụ đỡ của nền kinh tế?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ta xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó, lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong số các nước sản xuất lúa và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
|
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: Thu Thủy |
Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ ở những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thế giới về chất lượng của gạo Việt, cũng như gạo Việt liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế…
Xuyên suốt quá trình phát triển, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt nhiều kỳ tích. Nếu như năm 2020 ta xuất được 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỉ USD, thì năm 2021 ta xuất 6,2 triệu tấn, thu về 3,3 tỉ USD; năm 2022 xuất 7,3 triệu tấn, thu về 3,54 tỉ USD; năm 2023 xuất 8,13 triệu tấn, thu về 4,67 tỉ USD. Năm 2024, dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục tăng lên mức 5 tỉ USD…
Kết quả đó là nhờ tái cơ cấu ngành hàng đúng hướng, nâng chất lượng hạt gạo để tăng giá trị xuất khẩu, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành liên quan, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân.
Mặt được là vậy, song ngành lúa gạo đang đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, giảm phát thải.
Ngoài ra, còn phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.
* Để thích ứng với tình hình mới, ngành lúa gạo đã và đang chuyển hướng thế nào thưa ông?
- Những tồn tại lâu nay của ngành lúa gạo là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hình thức liên kết chưa phát triển rộng, sản xuất lúa dựa theo tập quán và kinh nghiệm, tỉ lệ nông dân áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa (3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, VietGAP...) còn thấp. Những tồn tại khác là chất lượng vật tư đầu vào chưa được quản lý tốt; tỉ lệ sử dụng cấp giống xác nhận thấp; sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học chưa nhiều.
Chúng ta sản xuất lúa độc canh là chủ yếu, chưa chú trọng luân canh và đa dạng hóa thu nhập; chưa chú trọng sử dụng các sản phẩm phụ như trấu, cám, rơm rạ… để nâng cao giá trị gia tăng. Gạo Việt Nam xuất khẩu chưa có thương hiệu nên chưa tạo giá trị gia tăng cao…
Để khắc phục hạn chế nói trên buộc chúng ta phải tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh; nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và đảm bảo lợi ích bình đẳng, tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo; tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới; đảm bảo phát triển bền vững đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Sự ra đời của đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023 nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
* Đề án được kỳ vọng làm thay đổi ngành hàng lúa gạo, giúp nông dân làm giàu từ cây lúa… Ông có thể nêu những đánh giá bước đầu?
- Mục tiêu “thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa - vì người tiêu dùng - vì môi trường xanh” là mối quan tâm xuyên suốt của đề án. Theo đó, bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, đề án còn hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng; chuẩn hóa các yêu cầu về giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án còn giúp bà con áp dụng tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.
Ngoài ra, đề án còn giúp hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp được cập nhật tri thức, kỹ năng; nâng cao năng lực quản trị cho các HTX nông nghiệp để đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp. Đề án mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa nhờ những ngành nghề đa dạng, bổ trợ nhau trong khu vực kinh tế nông thôn.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè - thu năm 2024 báo cáo kết quả tích cực, giảm chi phí 20 - 30%, tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân 20 - 25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 trên 1 ha; tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg.
|
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực |
* Để rút kinh nghiệm của một số mô hình từng được kỳ vọng trước đây, như “cánh đồng lớn” nhưng mãi không lớn, lần này bộ có những quyết sách thế nào?
- Đúng là kỳ vọng càng cao thì áp lực càng lớn. Làm sao để đề án này không lặp lại “vết xe đổ” của một số đề án trước đây là chuyện khiến chúng tôi suy nghĩ.
“Điều gì không đo lường được, thì không quản trị được. Điều gì không đo lường được, thì cũng không cải tiến được”. Đề án này hướng tới đa mục tiêu, nhưng cách thức vận hành, xác lập lộ trình, cách thức đo lường, đánh giá... cần đi vào cụ thể.
Việc đo lường, đánh giá theo từng thời điểm, mốc tiến độ, vừa giúp điều chỉnh linh hoạt theo thị trường trong ngắn hạn, vừa đảm bảo việc kiên trì, nhất quán mục tiêu trong dài hạn. Đề án đề cao vai trò sáng tạo từ thực tiễn của các địa phương trong vùng, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia từ trung ương và địa phương, khu vực công, khu vực tư, doanh nghiệp, nông dân, hiệp hội ngành hàng, HTX, các chuyên gia, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế…
Để đề án đạt được hiệu quả thực tế trên những cánh đồng, cần đến cách thức tiếp cận “ngoài khung”, ngoài những cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Cần đến sự đổi mới linh hoạt, chủ động không ngừng từ thể chế, các vấn đề mang tính nguyên tắc, đến từng nội dung quản trị, vận hành cụ thể, chi tiết.
* Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Lợi (thực hiện)