Phải sống!

20/11/2017 - 11:00

PNO - Chị nói, dân gian có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, đau ốm, khó nghèo, nhưng nụ cười là thứ năng lượng tích cực mà tự bản thân có thể mang đến cho mình, sao lại tiếc.

Người trong phố nhỏ

Chiều thứ Sáu, sau cơn mưa ào ào hơn nửa giờ đồng hồ, trời lại bừng sáng. Dọc theo đường Ngô Chí Quốc (P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức, TP.HCM), đoạn qua đình thần Bình Chiểu, một phụ nữ có dáng người mảnh mai đang tản bộ nhanh theo lời bài hát nào đó. 

Lại gần, nghe chị hát những ca từ hồn nhiên, vui nhộn: “Chim kêu hót mừng chào đón xuân về”. Từ trong nhà, ông Võ Bằng - Tổ trưởng Tổ dân phố 19, khu phố 2, P. Bình Chiểu đi ra, “quở”: “Nay có da có thịt hen”.

Phai song!
Những hôm khỏe, chị Tuyết (giữa) thường đi quanh tổ chuyện trò, đọc báo cùng mọi người

Chị quay nhìn ông tổ trưởng, nói: “Đẹp nữa chớ chú”. “Tất nhiên là đẹp rồi”. Hai chú cháu cùng cười vang. Ở tổ này, người qua kẻ lại, có vẻ đều đã nhẵn mặt chị, mỗi người hỏi một câu: “Đi đón bé Út hả?”, “Mấy nay ăn uống sao?”, “Chà, có chuyện gì vui dữ ta?”... Chị khoe: “Lên được mấy ký lô, thấy người khỏe hẳn. Giờ, qua cô Mười kiếm Báo Phụ Nữ đọc chơi”. 

Tôi đi cùng, hỏi chị sao hát toàn bài trẻ con vậy. Chị đưa tay lên đầu, tính vò tóc. “Tại nhớ lại những ngày còn bé nhún nhảy đi học trên đường thôn, vui lắm. Bữa nào đau quá là mở nhạc thiếu nhi nghe và hát theo. Cứ thế, mọi thứ được xoa dịu hết”.

Chị sống trọ ở Sài Gòn hai mươi năm rồi. Trong chừng ấy thời gian, nơi này như quê hương thứ hai, còn Thủ Đức là “phố nhỏ” của chị. Ở đây, chị - một người mẹ ba con chân ướt chân ráo từ Hà Tĩnh vào “không biết mô tê chi” - làm công nhân kiếm được đồng lương đầu tiên trong đời để nuôi sống gia đình. Cũng ở đây, chị có thêm bé Út - đứa con gái tám tuổi đầu đã biết đi nuôi mẹ bệnh. 

Vừa đi chị vừa kể chuyện mình. Người nghe nhói tim, còn chị cười như thể chặng đời đã qua nhẹ tênh. Chị tên Phạm Thị Tuyết (45 tuổi) - một bệnh nhân ung thư cổ tử cung luôn lạc quan nhìn về phía trước, cho dù “trời đất có sụp đổ”.  

Phai song!
Bữa cơm của hai mẹ con luôn rộn tiếng cười

Lòng hãy còn xanh 

“Anh em bên nội, bên ngoại kéo vô Sài Gòn thăm. Hai đứa con đi phụ hồ trên Đắk Lắk, bên Bình Dương và con gái lớn lấy chồng dưới Vũng Tàu ào về. Ai cũng khóc, nghĩ chị chết. Mà, chị vẫn sống đây. Bao nhiêu người yêu thương mình như vậy, tại sao mình lại buông tay? Chị phải sống, em ạ” - chị Tuyết quả quyết. 

Chị nói vui “bệnh này chẳng chừa ai, khi con người ta say sưa với cuộc sống hằng ngày, rồi lãng quên luôn cả việc dành chút thời gian chăm lo cho chính mình, chẳng để ý gì đến sức khỏe”.

Lục tìm trong danh bạ điện thoại, nhắc từng cái tên - chị Liên, em Bắc, chị Năm - những bệnh nhân cùng điều trị với chị. Sau mỗi đợt vô thuốc trở về, thể nào chị cũng gọi cho người này, người kia hỏi bên đó đỡ không, khoe chị mới lên ký, khoe vừa kho món sườn chua ngọt ngon quá chừng. 

Chiều ập xuống, bé Út - con gái chị đi học về, vòng tay chào khách. Con gái là món quà tinh thần giúp chị chiến đấu mỗi ngày với bệnh tật. Biết mẹ bệnh, bé không bao giờ đòi quà bánh, quần áo hay giày dép mới. 

Một lần ngồi một mình trong phòng trọ, bỗng nhận được cuộc gọi điện thoại từ chồng cũ hỏi thăm. Anh em bên nội lặn lội vô tới Sài Gòn. Chị biết mình vẫn được trân quý, yêu thương như xưa. “Mấy chục năm rồi, giận hờn chi nữa. Đợt ổng gọi cũng giật mình, thăm hỏi qua lại xong, cảm giác được an ủi. Có lẽ, sau bão giông, điều tốt đẹp con người cần và nên dành cho nhau là sự cảm thông” - chị Tuyết nói vậy.  

Cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ, tôi nhận thấy nguồn năng lượng tích cực toát ra từ chị. Những bác sĩ điều trị cho chị như bác sĩ Hiếu, Trường, Hạnh, An... cũng luôn kể chuyện tếu táo, động viên bệnh nhân kiên cường. Chữ tình giữa bác sĩ - bệnh nhân, bệnh nhân - bệnh nhân đã và đang giúp chị có thêm niềm tin sống. 

Trước khi chia tay tôi, chị nhìn mình trong gương, hỏi “ngó chị hốc hác lắm không?”. Khách lắc đầu. Chị hồ hởi nói hồi “không biết mô tê chi” mà còn dám nhảy xe đò vô Sài Gòn, thì giờ đâu thể gục ngã, mình còn trẻ, lòng vẫn “xanh”, phải sống để vui với đời và dõi theo từng bước trưởng thành của con. 

“Mình không thể “hô biến” bệnh tật nhưng sẽ đấu với nó đến cùng. Trong cuộc chiến dai dẳng ấy, tinh thần lạc quan là sức mạnh và nụ cười là vũ khí. Miễn giữ được hai điều này, mình luôn có cơ hội thắng.”

“Tôi chưa thấy ai bệnh nặng mà lạc quan, yêu đời vậy. Hồi còn khỏe, mập mạp, Tuyết cười rất tươi. Bệnh cái, rớt xuống còn 36 ký lô, vẫn cười rất tươi. Mang theo bịch lủng lẳng bên người mà cứ như không, đi tới đi lui riết, nét mặt chẳng lộ sắc âu lo nào” - ông Võ Bằng nói. 

Mẫn Nhi

Phai song!
 

Nhiễm dai dẳng HPV (vi rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong đó, HPV tuýp 16 và 18 gây nên 70% trường hợp UTCTC. 

Có đến 4 trong 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm.

Để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo làm xét nghiệm HPV DNA như là xét nghiệm sàng lọc cơ bản ban đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. 

Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC của bạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Mê Kông, Quốc tế Hạnh Phúc, Trung tâm Medic, Diag… để có phương pháp tầm soát tốt nhất.

Chương trình do Báo Phụ Nữ TP.HCM và Roche Việt Nam phối hợp thực hiện.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI