Phải sản xuất ra thực phẩm an toàn để bảo vệ giống nòi

11/11/2019 - 08:15

PNO - 'Tôi thiết tha mong mỏi những người sản xuất nông sản, thực phẩm phải có lương tâm, phải vì đất nước. Mình phải sản xuất ra thực phẩm an toàn để bảo vệ giống nòi, để có những con người khỏe mạnh....'.

Theo ước tính của Bộ Y tế, đến năm 2020, mỗi năm nước ta sẽ có tối thiểu 200.000 ca bệnh ung thư mới, trong đó 35% nguyên nhân gây ung thư là do thực phẩm bẩn… Thông tin được công bố tại tọa đàm trao đổi, kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn do Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN TP.HCM phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

Cần cơ chế kiểm soát chặt, chế tài thật nặng

Như lời bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, an toàn thực phẩm hiện đang còn quá nhiều vấn đề. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh… trong sản xuất nông sản, thực phẩm vẫn còn phổ biến; nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều nông sản sạch còn gặp khó trong kết nối với người tiêu dùng; các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa liên kết, hợp tác để có những sản phẩm có chất lượng, năng suất cao, bảo đảm an toàn và có thương hiệu để tiêu thụ với giá tốt…

Phai san xuat ra thuc pham an toan de bao ve giong noi
Tọa đàm trao đổi, kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. 

Trước thực tế nói trên, chị Thủy, nhân viên một công ty du lịch ở Q.5, nêu nghi vấn: “Có thời điểm giá rau cải xanh chỉ vài ngàn đồng một ký. Thử hỏi, nếu không có thuốc kích thích tăng trưởng thì có loại thực phẩm nào giá bèo như vậy không?”. 

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, cán bộ Hội LHPN P.3, Q.10, bức xúc: “Chưa khi nào vấn đề thực phẩm bẩn lại nhức nhối như hiện nay. Phụ nữ chúng tôi ai cũng tâm tư, lo lắng. Tôi thiết tha mong mỏi những người sản xuất nông sản, thực phẩm phải có lương tâm, phải vì đất nước. Mình phải sản xuất ra thực phẩm an toàn để bảo vệ giống nòi, để có những con người khỏe mạnh....”. 

Nhiều cán bộ, hội viên đã kiến nghị các cấp các ngành kiên trì hơn nữa trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn và cần có cơ chế kiểm soát chặt hơn, chế tài thật nặng với hành vi sản xuất nông sản, thực phẩm bẩn.

Đánh thức lương tri

Giới thiệu các quy định liên quan đến Luật An toàn thực phẩm cùng các văn bản hướng dẫn triển khai thực thi luật, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó trưởng ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - cho rằng, hiện các quy định về an toàn thực phẩm khá đầy đủ, chặt chẽ.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Hương trăn trở: dù các quy định pháp luật có sẵn, nhưng công tác quản lý nhà nước khó có thể quán xuyến hết nếu nhà sản xuất thiếu lương tri, thiếu trách nhiệm và chạy theo lợi nhuận.

Phai san xuat ra thuc pham an toan de bao ve giong noi
Tổ chức triển lãm, hội chợ để kết nối người tiêu dùng với các nhà sản xuất thực phẩm sạch, an toàn

Ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện bộ này đang đề xuất tăng hình thức xử phạt, hình sự hóa những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt gây thương vong do mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi “phạt quá nhẹ sẽ không đủ sức răn đe”. 

Ông Bình động viên các cấp Hội Phụ nữ hãy tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thực tế, những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều mô hình an toàn thực phẩm khá hiệu quả, như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó an toàn thực phẩm được đưa vào tiêu chí bếp sạch; tuyên truyền hướng dẫn hội viên về an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; triển khai kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói “không” với thực phẩm bẩn; tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn… 

Tại TP.HCM, Hội Phụ nữ đã phối hợp các doanh nghiệp và đơn vị liên quan tổ chức gần 30 gian hàng bán rau củ an toàn tại các khu dân cư và các chợ, tổ chức các sự kiện để quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn với thị trường. Toàn thành phố hiện có 4.035 tổ trồng rau sạch, rau an toàn với gần 36.000 hộ tham gia.

Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là quá nhỏ nhoi trước những vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. 

Trước tình hình thực phẩm bẩn đang tràn lan, từng người nội trợ hãy là người tiêu dùng thông thái bằng cách chủ động tìm hiểu, lựa chọn cho gia đình mình những sản phẩm bảo đảm chất lượng. 

Cán bộ, hội viên phụ nữ nếu phát hiện những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rau, thịt… xin vui lòng báo tin về một trong các số điện thoại sau:

- Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0913 15 93 15.
- Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM : 0283 93 17 14.
- Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM: 0944 669 886.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI