Phải rất kiên quyết, mới quản lý tốt giá thuốc

23/10/2024 - 05:53

PNO - Quản lý giá thuốc là vấn đề làm nóng phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Dược vào sáng 22/10.

Giấy đăng ký lưu hành thuốc quá nhiều

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Dược - Nguồn ảnh: Quốc hội
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Dược - Nguồn ảnh: Quốc hội

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) ví von, Việt Nam như “vùng trũng” của thế giới khi nước nào cũng có thể đưa thuốc vào và các số đăng ký trong nước trùng lặp rất nhiều. Theo bà, trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng trên 800 hoạt chất như báo cáo của Chính phủ nêu là con số “quá nhiều nếu so sánh với các nước khác”, gây phức tạp trong quá trình đấu thầu mua thuốc, lựa chọn thuốc của các cơ sở y tế cũng như công tác quản lý giá thuốc.

Do đó, bà cho rằng, phải luật hóa vấn đề này nhằm hạn chế số đăng ký thuốc. Quy trình cấp số đăng ký thuốc phải chặt chẽ hơn, giảm tiêu cực. Bà nói: “Tôi hết sức bức xúc khi tới giờ, việc cấp số đăng ký thuốc vẫn chỉ ở trên hồ sơ. Điều này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Chúng ta phải học tập các nước khác trong việc hạn chế đăng ký thuốc bằng hàng rào kỹ thuật. Lực lượng chức năng có thể đến và kiểm tra tại chỗ quy trình sản xuất”.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (tỉnh Thái Nguyên) nêu, có quá nhiều thuốc và dạng bào chế hoạt chất, nồng độ, hàm lượng giống nhau được đăng ký lưu hành trên thị trường. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho việc giải quyết hồ sơ cấp phép và tăng gánh nặng giám sát, quản lý thị trường của cơ quan nhà nước, không khuyến khích được việc nghiên cứu, phát triển sản xuất thuốc có hoạt chất mới hoặc thuốc có hoạt chất, nồng độ, hàm lượng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.

Ông Nguyễn Công Hoàng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành với các thuốc trùng lặp, nhằm khuyến khích việc nghiên cứu thuốc có hoạt chất mới, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn với giá hợp lý hơn.

Khó quản lý giá do mua bán thuốc lòng vòng

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, “thất bại” của Luật Dược năm 2016 là mở ra các quy định khiến số lượng công ty và nhà thuốc tăng vọt. Trong khi đó, lực lượng chức năng không có phương thức, giải pháp để tăng cường quản lý. Hiện nay, có hàng chục ngàn công ty phân phối dược và nhà thuốc bán lẻ, tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn nhưng thiếu vắng nhà thuốc ở vùng sâu, vùng xa.

Bà nhận xét: “Chúng ta muốn quản lý giá thuốc nhưng lại không quy định được mỗi viên thuốc được phép đi qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu. Nếu chỉ trông cậy vào việc kê khai giá thì không thể quản lý được”. Theo bà, nếu không định hướng quản lý hệ thống phân phối thuốc, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn tràn lan ở nhà thuốc hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Theo dự thảo luật, cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc được quyền quy định mức giá bán buôn thuốc dự kiến tối đa. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) cho rằng, quy định này có thể làm nảy sinh nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Cơ sở nhập khẩu thuốc có thể xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó doanh nghiệp đẩy giá thuốc lên ở hệ thống bán lẻ. Với phương thức này, người dân vẫn phải mua thuốc với giá cao.

Dự thảo luật quy định, chỉ công bố và công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Đại biểu Nhị Hà đặt vấn đề: “Như vậy, quản lý giá thế nào đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất? Tôi cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả loại thuốc”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Hoàng phân tích, người dân không bao giờ mặc cả giá thuốc như đối với các mặt hàng khác. Nếu không cương quyết với các đơn vị bán thuốc không có liên thông giá, không có công bố giá thì không thể quản lý được giá thuốc. Luật phải có các quy định về quản lý, giám sát, xử lý đối với giá thuốc.

Giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc là mặt hàng đặc biệt, do đó quản lý giá thuốc là việc quan trọng. Luật Dược năm 2016 đã quy định nội dung liên quan tới quản lý giá thuốc bán buôn. Năm 2023, giá thuốc cũng được quy định trong Luật Giá. “Có bài báo nói giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ năm 2016 mà giá vẫn tăng. Nếu không cương quyết thì không thể nào quản lý được” - bà nói.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, các quy định trong Luật Dược năm 2016 và Luật Giá năm 2023 đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua. Với những biện pháp như vậy, Việt Nam sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường.

Bệnh nhân thiệt thòi vì phải đợi “cấp visa” cho thuốc

Hiện nay, vẫn còn tình trạng xếp hàng cả năm để được “cấp visa” cho thuốc. Như vậy, người dân có thể bị thiệt thòi quyền lợi, không hưởng được thành quả mới của khoa học. Nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ có thuốc lưu hành đã 5-6 năm nhưng Việt Nam vẫn phải chờ cấp phép lưu hành. Chúng ta có thể áp dụng thủ tục rút gọn, cấp giấy phép lưu hành với các thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu ứng dụng đại trà, được bảo hiểm y tế của nước đó chi trả. Ví dụ, trong hộ chiếu, nếu người dân đã có visa vào Mỹ hay vào châu Âu thì khi đăng ký visa vào Đài Loan, có thể cho làm online mà không cần phỏng vấn. Chúng ta nên áp dụng cách làm này với thuốc để đưa thuốc cũng như phương pháp điều trị mới về Việt Nam sớm hơn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định)

Chỉ nên bán thuốc không kê đơn trên mạng

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Dược, thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn. Thuốc bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc. Nếu quy định như vậy, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ thương mại điện tử hoặc lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử rồi thực hiện giao dịch mua thuốc ở chỗ khác. Do đó, dự thảo cần quy định “chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử”. Đây cũng là quy định của hầu hết các nước.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI