Phải ngăn chặn 'nhập khẩu' tội phạm Trung Quốc!

18/09/2019 - 08:01

PNO - Bành trướng là bản chất của Trung Quốc. Khuôn mặt bành trướng không chỉ dừng lại trong cái đường nguệch ngoạc lưỡi bò trên biển kia mà còn nằm trong 'đạo quân' tội phạm xuyên biên giới.

Ngày 17/9, tại TP.HCM, công an Q.2 đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi có 6 người Trung Quốc cầm đầu.

Ngày 16/9, công an tỉnh Nghệ An phối hợp Cục An ninh mạng - phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) bắt giữ 3 người Trung Quốc về hành vi làm giả thẻ ATM để chiếm đoạt số tiền lớn.

Ngày 14/9, tại TP.Đà Nẵng, 5 người Trung Quốc đã bị bắt vì hành vi thuê trẻ em “đóng phim” kích dục.

Ngày 11/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tiếp tục mở rộng điều tra công xưởng sản xuất ma túy của băng nhóm người Trung Quốc tại thị trấn Đắk Hà, tỉnh Kon Tum…

Dĩ nhiên, có cả 400 đối tượng người Trung Quốc trong đường dây đánh bạc quốc tế tại khu đô thị Our City, TP.Hải Phòng đã bị trục xuất, dẫn độ về nước vào ngày 1/8.

Phai ngan chan 'nhap khau' toi pham Trung Quoc!
Tội phạm mang quốc tịch Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, với tính chất và mức độ phạm tội cực kỳ nguy hiểm

Và những ngày này, cỗ máy thăm dò, khảo sát địa chất HD-8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung Quốc có trang bị vũ khí vẫn đang ngang nhiên, lì lợm, bất chấp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Từ tần suất, mật độ, số lượng cho đến tính chất, cách thức, hành vi vi phạm đã cho thấy bản chất của không ít công-dân-Trung-Quốc-ngoài-đại-lục, hay nói cách khác, là “đại diện” cho một kiểu “xuất khẩu tội phạm Trung Quốc”, mà không chỉ Việt Nam mới “nhập khẩu”!

Một doanh nhân gốc Trung Hoa ở San Jose, Costa Rica đã nói như thế này: “Nếu một người Trung Quốc tham gia một cuộc đua xe đạp như Tour de France, anh ta sẽ về đích sau chót. Bạn biết vì sao không? Vì suốt đường đua anh ta chỉ nhìn vào làng mạc và thị trấn xung quanh, tự nghĩ: đâu là đất lành để cắm mốc lập nghiệp?”.

Vấn đề là từ suy nghĩ “cắm mốc” ấy cho đến shanta sini - tức người Trung Quốc đeo bị, tiếng Ả rập - rồi dần hình thành những đường dây hoạt động kinh doanh không chừa bất cứ “món hàng” nào, trong đó kinh doanh mại dâm bên ngoài Trung Quốc.

Năm 2010, một nhóm thuộc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc đã xâm nhập vùng Kinshasa của nước Cộng hòa Dân chủ Công-gô nhằm triệt phá mạng lưới mại dâm buôn bán phụ nữ đến từ Tứ Xuyên. Sau khi được giải cứu, những nạn nhân phụ nữ nhất quyết không chịu quay về Trung Quốc, bởi đơn giản, tại Kinshasa họ kiếm 50 USD cho một lần đi khách, trong khi ở quê nhà Tứ Xuyên, lương mỗi tháng chỉ gần 300 USD.

Không phủ nhận những đóng góp tích cực trong quá trình giao thương, làm ăn, sinh sống, học tập của một bộ phận di dân người Trung Quốc khắp thế giới. Nhưng, càng lúc sự hăm hở, hiếu khách ban đầu đã chuyển dần sang thái độ dè dặt, nghi ngại rồi trở thành nỗi lo sợ, bất bình, chống đối ở nhiều nước, nhiều vùng cư dân toàn cầu.

Ngoài số lượng di dân đông đúc, áp đảo thì, cũng chính lực lượng đông đảo ấy, sau tấm thị thực nhập cảnh hết thời hạn, đã tìm mọi cách trốn tránh, mua chuộc để được cư trú bất hợp pháp. Những mánh khóe tiếp tay móc ngoặc, đồng lõa, cấu kết hối lộ - tham ô với một bộ phận quan chức địa phương, chính quyền bản địa nảy nòi, lây lan từ đây. Tất nhiên, vấn nạn này sẽ luôn có đất sống ở các nước nghèo, kém, đang phát triển.

Trong cuốn sách Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (nhà xuất bản Hội Nhà văn) nhóm tác giả là hai nhà báo thường trú tại Bắc Kinh, J.P.Cardenal và H.Araujo đã ghi lại ý kiến của ông Paulus Noa, giám đốc Ủy ban chống tham nhũng (ACC) của Namibia, như sau: “tại ACC, tôi không nghe thấy bất kỳ trường hợp tham nhũng nào liên quan đến người nước khác, chỉ người Trung Quốc. Nếu chúng tôi cho phép người Trung Quốc làm thoái hóa tất cả viên chức ở đây, thì tôi xin thưa rằng tương lai (…) của đất nước này sẽ trở nên rất yếu. Nếu chúng tôi làm khác đi (thay vì chống tham nhũng), nền kinh tế của chúng tôi sẽ sụp đổ. Chúng tôi phải chiến đấu với bất cứ ai muốn làm suy đồi xã hội chúng tôi”.

Bành trướng là bản chất của Trung Quốc. Khuôn mặt bành trướng không chỉ dừng lại trong cái đường nguệch ngoạc lưỡi bò trên biển kia. Bởi một khi tham vọng bành trướng là vô đáy, với một kiểu hành xử vô pháp thì những “đạo quân” phạm pháp là vô biên - tức không biên giới lãnh thổ, không giới hạn thời gian.

1.000 năm trước đã áp đặt ách đô hộ thì trăm năm sau, hay một khắc một giây cũng là kẻ dòm ngó, chực chờ. Nào phải thấy một đạo quân xâm lược thì mới là hiểm họa suy vong. Vài ba tên tội phạm Trung Quốc nào sản xuất ma túy, nào quay phim kích dục, mua bán phụ nữ cũng đã đủ gây bất an.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI