Phải nắm rõ người dân cần gì

20/09/2024 - 06:37

PNO - Có lẽ trước cơn bão số 3, chưa bao giờ ngành nông nghiệp ở miền Bắc phải gánh chịu thiệt hại nặng nề đến vậy. Hàng trăm ngàn héc ta lúa, hàng chục ngàn héc ta hoa màu, cây ăn trái bị hư hại, hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết, hàng ngàn lồng bè nuôi trồng thủy sản tan hoang…

Chính quyền một số địa phương đã bước đầu hỗ trợ nông dân tái sản xuất nhưng chủ yếu là hướng dẫn về mặt kỹ thuật canh tác và tuyên truyền, phổ biến các biện pháp vệ sinh chuồng trại, hỗ trợ khử trùng, tiêu độc sau khi bà con đã vệ sinh xong chuồng trại, lồng bè. Sự hỗ trợ này là cần thiết, nhưng các hộ trồng cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang thiếu vốn, thiếu giống, thiếu công cụ lao động do bị lũ cuốn hoặc hư hại do ngập lụt.

Với những hộ chăn nuôi số lượng lớn, người dân chỉ biết đào hố chôn heo, gà chết, rải vôi bột và lấp đất lại. Nắng nóng càng khiến mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Hỗ trợ các nông hộ làm vệ sinh chuồng trại mới là công tác cần gấp rút triển khai ở thời điểm này. Nếu không gấp rút thực hiện, việc tái chăn nuôi của bà con sẽ bị trì hoãn, độ an toàn phòng dịch không cao.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản tan tác vì bão số 3 - Ảnh: VASEP
Lồng bè nuôi trồng thủy sản tan tác vì bão số 3 - Ảnh: VASEP

Ngoài những hỗ trợ trước mắt về cơ sở vật chất, công cụ lao động, các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các hợp tác xã nông nghiệp đều mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ cho các khoản vay hiện tại và tiếp tục được vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, thiệt hại nặng nề của ngành thủy sản cũng đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quản lý bài toán về vật liệu cho ngành nuôi trồng thủy sản, sao cho vừa thân thiện với môi trường, vừa ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, đặc biệt là với thiên tai.

Những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được sự cam kết hỗ trợ về hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cam kết không tăng giá giống cây trồng nhằm hỗ trợ bà con sớm ổn định sản xuất sau bão, lũ. Họ sẽ trao trực tiếp tới bà con thông qua sự phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ cũng kêu gọi sự hỗ trợ lâu dài của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế.

Ngành nông nghiệp đang có được sự đồng lòng chia sẻ, đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước cũng như cộng đồng quốc tế. Chính quyền cơ sở, cán bộ thôn bản cùng cán bộ nông nghiệp các cấp cần khẩn trương hơn trong công tác thống kê thiệt hại của từng nông hộ, nắm bắt những khó khăn, nhu cầu trước mắt của bà con để họ nhận được sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn sản xuất. Chỉ khi làm tốt công tác này, các nguồn hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới kịp thời, đúng nhu cầu.

Liên quan đến cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây lũ lụt ở nhiều tỉnh miền Bắc, đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười trong hoạt động cứu trợ. Chẳng hạn, có đoàn cứu trợ chở thức ăn nấu sẵn đến các vùng thiên tai nhưng không thể vào sâu, đành chờ nhiều ngày khiến thức ăn ôi thiu, phải đổ bỏ. Ở những nơi bị lũ cô lập, người dân rất cần thức ăn nhanh để chống đói và nước uống nhưng lại được tặng muối, đường, bột ngọt, chăn màn…

Trong hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/9 về giải pháp hỗ trợ vùng bị thiên tai khôi phục sản xuất, lãnh đạo bộ cũng đã nói rất rõ: “Thiệt hại sau cơn bão số 3 rất lớn và nặng nề nên rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội. Tuy nhiên, các địa phương cần xác định rõ người dân cần gì để các cộng đồng giúp đúng nhu cầu chứ không phải chúng ta có gì thì đem hỗ trợ bà con thứ đó”. Đây là một lưu ý hết sức thiết thực và xác đáng.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI