Phải lòng vị chua chát của trái cà na

14/11/2020 - 06:11

PNO - Mỗi lần thấy “người Tây” chấm chấm cắn cắn loại trái này, chồng lại càu nhàu: "Vừa chua vừa chát, ngon lành gì mà ăn hoài vậy?". Ờ, gì mà ăn hoài vậy?

Tôi là người miền Trung, sinh ra ở Lâm Đồng, nên khi lên Sài Gòn học, bạn bè chọc, bảo tôi là "người Tây (nguyên) gốc Trung".

"Người Tây gốc Trung" ấy, hoàn thành 4 năm đại học, đi làm thêm 4 năm mới vô tình được làm quen với cà na - loại trái nho nhỏ, xanh xanh, nhìn thì đẹp, bắt mắt mà cắn vào một phát thì phản ứng tương đương trẻ con lần đầu nếm chanh.

Trái cà na gây thiện cảm với mọi người nhờ vẻ ngoài xinh xắn, bắt mắt.
Trái cà na gây thiện cảm với mọi người nhờ vẻ ngoài xinh xắn, bắt mắt
v
Cà na là loại cây thường mọc ven các kênh, mương ở miền Tây. Giờ, người miệt vườn đã khai thác loại cây này vì giá trị kinh tế mang lại.

Sau cái lần đầu "chua chát đến ngỡ ngàng", tôi vẫn tìm cách làm quen với loại trái "lừa tình" ấy. Tôi hay lang thang trên đường Võ Thị Sáu hay thông qua bạn bè để mua cà na tươi mang về nhà, khi thì đập dập trái, trộn với hỗn hợp 3:1:1 (đường, muối, ớt) cho vào tủ lạnh để qua đêm; khi thì khứa vài đường trên trái, ngâm với nước đường như ngâm sấu; lúc gọt tách bỏ hạt, xốc cùng muối tôm; cũng có lúc ngâm cà na với nước muối loãng đến mấy ngày, đến khi trái chuyển sang màu vàng mới vớt ra, cho muối ớt vào trộn. Nhưng thành phẩm nào thì độ chua chát cũng chỉ giảm chút ít, chứ không hết.

Cách loại bỏ mủ, vị đắng, chát của loại trái này là luộc cùng nước đường.
Cách loại bỏ mủ, vị đắng, chát của loại trái này là luộc cùng nước đường

Chồng của "người Tây" thấy vợ loay hoay mỏi mệt với thứ trái mà lúc nào ăn cũng nhăn mặt, thi thoảng lại càu nhàu: "Trái gì vừa chua vừa chát mà em ăn hoài vậy? Không sợ đau bao tử à?". Mỗi lần như vậy, tôi lại "ba gai" chấm thứ trái chua, chát ấy vào chén muối, đưa lên miệng, cắn một phát rồi nhăn mặt. Và chồng, tất nhiên, phản xạ có điều kiện là nuốt ực một tiếng.

Rồi "người Tây" làm thân với cô bạn đồng nghiệp người miền Tây thứ thiệt, được bạn chia sẻ bí quyết xử lý cà na, nào là phải rạch 4 đường trên thân trái, nào là luộc cà na với nước đường, rồi sau khi luộc xong, vớt ra để nguội, lại ngâm trái cà na ấy với nước đường như thế nào, để bao nhiêu ngày mới được ăn và khi ăn, chấm cùng loại muối gì vân vân và mây mây...

Rồi người (miền) Tây kia khẳng định với người Tây (nguyên): cà na ngâm bán ở các xe trái cây có "vị không ấn tượng" như trái cà na đã xử lý xong.

Nhưng sau hàng loạt công đoạn chế biến, bạn sẽ nhận thấy vị chua chát cùng độ xốp của thịt trái gần như biến mất.
Sau hàng loạt công đoạn chế biến, bạn sẽ nhận thấy vị chua chát cùng độ xốp của thịt trái gần như biến mất
Cà na đập dập, ngâm muối chuẩn miền Tây.
Cà na đập dập, ngâm muối "chuẩn" miền Tây
Cà na ngâm đường.
Cà na ngâm đường

Ăn xong, nhận rõ hạt của trái, người Tây (nguyên) vẫn chưa thể tin nên mua cà na về làm thử. Thành quả không tệ so với dự tính nhưng khi ăn, lại không còn cảm nhận được vị chua chát đặc trưng của loại trái ấy nữa, chỉ còn lại vị ngang ngang của đường, của ít muối, của phần thịt trái đã luộc chín mềm. Người Tây ăn được vài trái ở hai hủ thành phẩm, rồi cất trong tủ lạnh, rồi để hoang đó.

Một thời gian sau, trong một lúc vô tình, chồng phát hiện người Tây lén lút mang hai hủ cà na ngâm ấy đi tẩu tán, đến chiều, lại lạch cạch xách về túi cà na xanh mới về.

Những ngày sau, thi thoảng chồng người Tây thấy trên bàn ăn hay trên bàn làm việc có một đĩa trái cà na tươi kèm chén muối ớt. Người Tây nhấm nháp trái này khi coi ti vi, khi đọc sách, khi làm việc. Mỗi lần cắn, mặt người Tây lại nhăn một lần, lại cắn, lại nhấm nháp ra chiều thú vị lắm.

Chồng người Tây lắc đầu. Không hiểu loại trái chua chát ấy hấp dẫn vợ ở chỗ nào?

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI