Sông Gâm à, người ta thường nói “gặp nhau một lần là duyên, hai lần là nợ… ba lần là định mệnh”, vậy là chúng ta có nợ với nhau rồi, khi chưa quá sáu tháng kể từ lần đầu biết nhau mà đã nôn nao chờ ngày gặp lại.
|
Thác Khuổi Nhi |
Nhắc đến vùng rẻo cao Đông Bắc, chắc chắn trong ký ức nhiều người sẽ là những cung đường dốc đá tai mèo chênh vênh, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những ngôi nhà trình tường cổ kính… hay các bé gái người Mông, Thái xinh xắn trong trang phục dân tộc đầy màu sắc.
Ở đó, du khách được thả mình bên dòng sông êm dịu, hai bên là vách núi đá vôi với nhiều hình thù kỳ lạ; chiêm ngưỡng những ngọn thác hùng vĩ… Với phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hòa quyện, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”, sông Gâm trở thành chốn thiên đường mới của những ai mê xê dịch.
Sông Gâm là một phụ lưu của sông Lô, bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) chảy vào miền Bắc Việt Nam. Trên đất Việt, sông Gâm có chiều dài khoảng 217km, quanh co chảy qua địa giới tỉnh Hà Giang. Đến đây, con sông len lỏi nhận thêm nước của dòng Nho Quế từ Lũng Cú, rồi buông mình theo hình cánh cung hòa vào dãy núi đá phiến thạch anh của tỉnh Bắc Kạn và gần 99 dãy núi đá vôi trùng điệp của Tuyên Quang (đoạn Na Hang, Lâm Bình) để tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ giữa nơi sơn cùng thủy tận.
Trong lần trở lại vào đầu mùa hè này, tôi được trải nghiệm cung đường độc đạo từ bến thủy huyện Bắc Mê (Hà Giang) về huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) với hơn sáu giờ di chuyển bằng thuyền. Để đến được bến Bắc Mê, chúng tôi đi đường bộ qua các cung đường đèo quanh co, những vực núi đá nguy hiểm.
Giữa cái nắng oi bức của miền Bắc, dọc đoạn đường xuống bến thuyền (khoảng 800 mét), du khách sẽ được chào đón bởi nhiều đàn bướm trắng lượn lờ quanh chân. Chúng bay dập dìu trên những bụi cây dại, rồi dần mất hút phía bên kia sườn núi.
|
Hát Then trên sông Gâm |
Lên thuyền, bắt đầu hành trình xuôi dòng sông Gâm, tôi được chào đón bởi những điệu hát Then của các bé gái dân tộc Tày và hòa mình vào những câu chuyện, vào nguồn cội văn hóa của các dân tộc sống ở đôi bờ sông Gâm (Tày, Mông, Dao, Nùng…) qua các câu hát, cung đàn, truyền thuyết, món ăn…
Nhìn về phía trước hay hai bên bờ, bạn sẽ thu vào tầm mắt hình ảnh những ngọn núi đá đang vào mùa cạn trơ nước (từ tháng Hai đến tháng Chín) làm lộ ra nhiều hốc đá, cù lao muôn hình muôn vẻ hay các ngọn núi phân thành từng tầng, bên trên phủ cây cối xanh rì, lớp lớp thực vật phong phú...
Đặc biệt hơn, ngoài cảnh quan rừng, núi, thiên nhiên cũng đặc biệt ưu ái khi “sắp đặt” nơi đây những con thác hùng vĩ như Nậm Me, Khuổi Pín, Khuổi Nhi, Khuổi Súng hay các cọc đá độc đáo như Vài Phạ... Các địa danh trên gắn liền với nhiều huyền thoại về tình yêu, con người và thiên nhiên. Đặc sắc nhất, có lẽ là câu chuyện về cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời) nằm sừng sững ở đoạn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngào khỏe mạnh đắp đập, ngăn nước cho dân bản. Đến đây, bạn có thể đặt một tay lên cọc Vài Phạ (nữ tay phải, nam tay trái) và thành tâm ước nguyện về sức khỏe, bình an.
|
Cọc Vài Phạ |
Tiếp tục hành trình, tôi dừng chân tại thác Khuổi Nhi - đoạn vào lòng hồ Na Hang thuộc huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) - một con thác vừa được đưa vào khai thác du lịch, vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Thác Khuổi Nhi xếp thành từng tầng. Muốn lên được đoạn cao nhất, du khách phải đi bộ, men theo các vách đá. Trải nghiệm này mang lại cảm giác khá mạo hiểm. Điều đặc biệt ở Khuổi Nhi gây ấn tượng mạnh với tôi là có một điểm như ranh giới vô hình phân tách hai khu vực. Cách nhau chỉ một bước chân, đoạn từ bến thuyền lên thác, một bên tiết trời 370C, một bên chỉ xấp xỉ 280C.
Tại thác Khuổi Nhi, tôi được trải nghiệm câu cá, tắm thác, cho cá rỉa chân, nấu nướng ven hồ, cắm trại, chèo thuyền kayak… Bên tai là tiếng thác ầm ì, nước đổ dữ dội ở những đoạn thoải có độ dốc lớn tạo thành một chiếc máy phun sương mát lạnh khổng lồ. Con thác được ví như người phụ nữ khi yêu “trút giận” vào người tình của mình - sông Gâm - sau bao ngày xa cách. Bên dưới, “chàng” sông Gâm vẫn nhu hòa đón nhận cơn thịnh nộ của người tình - thác Khuổi Nhi - trước sự chứng kiến đầy bất ngờ của du khách.
|
Gửi ước nguyện nơi cọc Vài Phạ |
Suốt chuyến đi, ngoài tìm hiểu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với nét văn hóa của nhiều dân tộc sinh sống ở đôi bờ sông Gâm, tôi còn được trải nghiệm ẩm thực vùng cao Đông Bắc với thịt lợn bản, gà đồi, cá suối hay món bánh dày nhân mè đen, vỏ bánh được làm dẻo quẹo, nhân mè ngọt thanh. Đặc sắc nhất là cá lăng được nuôi ở hồ Na Hang với thịt chắc nịch, ngọt lịm; uống cùng rượu ngô, rượu men lá cay nồng… như đánh thức mọi giác quan của du khách.
Tôi kết thúc chuyến đi ở huyện Lâm Bình khi trời nhá nhem tối. Nếu đến đây vào buổi tối, có thể bạn sẽ được thưởng thức tục nhảy lửa của bà con dân tộc Pà Thẻn - một tục cúng truyền thống diễn ra từ giữa tháng 10 âm lịch đến tháng Giêng năm sau cầu cho mùa màng bội thu, dân làng gắn kết.
Một ngày nào đó khi quay cuồng với cuộc sống nơi phố thị, dán mắt vào màn hình máy tính, bên tai cứ vang vang tiếng còi xe… có thể bạn sẽ chợt nhớ về một buổi chiều dịu mát ngồi bên mạn thuyền, nhẹ lướt qua những hàng cây, núi đá. Nơi đó chỉ có những đám mây, cơn gió đùa giỡn quanh năm. Rồi bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ tênh, quên hết mọi muộn phiền.
Đặt lại tình yêu ở đây nhé sông Gâm - mảng ký ức tươi đẹp của mùa hè. Nếu là “định mệnh”, chúng ta sẽ lại gặp nhau.
| Các món ngon của miền Đông Bắc |
Hiện nay, để trải nghiệm thả thuyền trên sông Gâm, du khách có thể đến một trong hai bến: bến Bắc Mê (Hà Giang) về Lâm Bình (Tuyên Quang) hoặc đi ngược dòng từ bến Lâm Bình - hướng này dễ di chuyển, đường êm hơn. Giá thuê thuyền lớn từ 1,5 triệu đồng/ngày cho nhóm khách, có thực đơn ăn uống riêng. Để đến Hà Giang, du khách bay từ TPHCM đến Hà Nội, sau đó đi xe đến Hà Giang khoảng 300km, mất khoảng 6-7 tiếng, giá từ 200.000-300.000 đồng/vé. Đến Hà Giang, để di chuyển tiếp đến các điểm du lịch, du khách có thể chọn thuê xe máy (từ 100.000-300.000 đồng/ngày), thuê ô tô hợp đồng (từ 7-16 chỗ vì đặc thù địa hình nhiều điểm tham quan ở Hà Giang xe 45 chỗ không thể di chuyển). Thời tiết Đông Bắc đầu hè khá mát mẻ, có nắng và nóng vào buổi trưa, du khách cần chọn trang phục mỏng, nhẹ. Vào tháng Sáu, Bảy thường có những cơn mưa hè bất chợt. Nếu đến đây vào các tháng cuối năm (đặc biệt là tháng 12), nên mang theo quần áo ấm vì nhiệt độ vùng rẻo cao này sẽ xuống thấp, khu vực lòng sông, hồ càng thấp hơn, chỉ 1-20C. Du khách có thể tham quan sông Gâm bất kể mùa nào trong năm. Mùa nước cao là từ tháng Chín đến tháng Hai năm sau. Vào mỗi mùa nước, sông Gâm đều mang vẻ đẹp riêng. |
Quốc Thái