Chị Hạnh Dung thân mến,
Ở nhà người ta thì chồng đứng giữa mẹ chồng và vợ. Nhà tôi hoàn toàn khác. Tôi là người sống tình cảm, thích gia đình đầm ấm sum vầy, cha mẹ anh em gắn bó với nhau. Thế nhưng chồng tôi lại có mâu thuẫn sâu sắc với mẹ mình và anh em trong nhà. Nên mối quan hệ của họ rất xấu.
Tôi nghe kể thì từ nhỏ đến lớn, mẹ chồng tôi đối xử rất không công bằng với chồng tôi. Vì khi còn bé, anh bị một trận sốt nặng. Sau trận sốt, chân anh bị teo nhẹ một bên nên đi khập khiễng.
Mẹ anh là người coi trọng hình thức nên luôn thấy xấu hổ vì anh. Bà chỉ cưng chiều hai đứa em anh, đi đâu cũng dẫn chúng theo, để anh ở nhà, khách đến nhà cũng không cho anh ra chào.
Những khi nổi nóng lên, bà chửi anh là "thằng què", thậm chí có khi còn rủa anh sao không chết đi. Các em anh cũng theo đó mà thường gọi anh là Hai què. Anh bảo cả tuổi thơ anh đầy tủi nhục, đau khổ.
Lớn lên, chuyện gì anh cũng phải nhường các em, kể cả học hành. Các em anh được có quần áo mới, được mẹ cho tiền học thêm, được học đại học. Còn anh, mẹ không cho học tiếp, bắt vào trường nghề từ năm cấp II để phụ bà nuôi các em (cha anh là người duy nhất thương yêu anh thì mất sớm, từ khi anh mới 11 tuổi).
May mắn là bị mẹ và các em hắt hủi như vậy, nên anh rất có ý chí, cố gắng vươn lên, đi làm kiếm sống tự nuôi thân, giúp mẹ nuôi em ăn học. Mãi năm 25 tuổi, anh mới vào đại học. Đến bây giờ, ở tuổi 39, anh đã là một người thành công nhất trong nhà.
Các em anh được mẹ nuông chiều, nên cuối cùng học hành lở dở, nghề nghiệp không ổn định, gia đình cũng nheo nhóc, sống trong những khu dân cư lao động rất chật chội, ẩm thấp.
Trong khi chồng tôi có công ty riêng làm ăn rất khá. Chúng tôi có nhà riêng ở khu cao cấp, có xe hơi, các con học trường quốc tế. Riêng tôi cũng là người có vị trí cao trong một công ty nước ngoài. Thu nhập tôi tính bằng đô la, và gia đình tôi đều là trí thức.
Từ khi lớn lên và ra ngoài sống tự lập, chồng tôi rất ít liên lạc với mẹ và các em. Khi có tôi rồi, tôi mới tìm cách lôi kéo chồng về lại với gia đình. Nhưng anh rất miễn cưỡng. Thường khi về, anh chỉ ngồi im một chỗ, nói chuyện nhát gừng.
Tôi muốn mua quà gì cho mẹ chồng, anh cũng không quan tâm. Mẹ chồng ngày càng có vẻ muốn chúng tôi về thăm nhiều hơn. Bà hay gọi điện, hỏi anh sao không về, có khi nói đang đau, mệt. Nhưng anh cũng không trả lời vui vẻ, chỉ nói qua quýt, rồi gửi tiền cho hai đứa em để thuốc thang cho bà.
Có lần tôi nèo anh mãi chuyện về thăm mẹ, anh bảo: "Về nghe bả má má con con, anh mệt lắm. Cả tuổi thơ chưa bao giờ bả xưng má con với anh, chỉ toàn tao mày, thằng mất dạy..."
Thật lòng, tôi không thấy vui khi quan hệ của mẹ chồng và chồng như thế. Tôi muốn không khí đầm ấm. Đôi lúc tôi thấy tội nghiệp mẹ chồng, vì bà rất muốn hàn gắn theo tôi cảm nhận.
Vả lại, tôi cũng không muốn các con tôi lớn lên hiểu sai lệch về đạo hiếu, tình nghĩa. Nhưng những vết thương lòng của chồng tôi sâu sắc quá. Tôi không biết phải làm sao khi đứng giữa hai bên?
Hạnh Nhi
Chị Hạnh Nhi thân mến,
Phài thật lòng mà nói, ít có người con dâu nào có được cách nghĩ, cách cư xử như chị. Nó chứng tỏ chị là người giàu tình cảm, sống biết tình, biết nghĩa, biết đạo lý để cư xử. Mong rằng chị giữ mãi được tấm lòng và tâm hồn như vậy.
Có thể thông cảm cho cảm xúc của chồng chị với gia đình và cụ thể là với mẹ ruột của mình, chị ạ. Những vết thương như thế của tuổi thơ, nó không chỉ để lại sẹo, mà có khi nó là vết thương mãi mãi. Bởi không có tình yêu thương nào lớn hơn tình mẹ con, nên cũng không có tổn thương nào lớn hơn tổn thương trong tình mẹ con.
Giờ đây, chị có hai việc phải cố gắng làm. Thứ nhất là trò chuyện với chồng, hóa giải bớt những tủi hờn trong lòng anh. Có thể tìm mọi cách để giải thích cho anh thông cảm với tâm lý của bà, giải thích cho những gì bà cư xử khiến anh tổn thương. Và hơn cả, là để anh nhẹ dần trong lòng mà chấp nhận sự cố gắng hàn gắn của bà.
Thứ hai, chị cứ một mình kín đáo làm nghĩa vụ dâu con, thăm hỏi, quan tâm, chăm sóc mẹ chồng, đưa các cháu về thăm bà, thỉnh thoảng tạo nên những cuộc sum họp nho nhỏ, cho anh quen dần lại với gia đình mình.
Hạnh Dung tin là những gì chị làm sẽ làm mềm lại tâm hồn anh. Bởi chắc chắn là sâu thẳm trong lòng, ai cũng cần có một người mẹ. Yêu nhiều bao nhiêu, cần nhau nhiều bao nhiêu, thì đau và giận bấy nhiêu. Giờ đây, chị hãy làm như lời kinh Hòa Bình của người Công giáo: "Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp..." .
Hy vọng rằng sẽ có lúc nào đó, tình mẫu tử sẽ trở lại trong trái tim anh, và gia đình chị có thêm những giờ phút đầm ấm, yên ả. Hy vọng mẹ chồng và chồng chị được nhẹ nhàng, vui vẻ với nhau, cho quãng đời sau của cả hai được yên lành.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn