Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng tải loạt phóng sự điều tra Thâm nhập băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên (đăng từ ngày 21/9 - 3/10/2018 ), ngày 28/9, tại hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, với hình ảnh được nêu trong phóng sự, đã rõ các hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm. Công an TP.Hà Nội sau đó đã khởi tố vụ án, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - nói:
- Cũng như người dân thủ đô và cả nước, tôi đặc biệt quan tâm đến vụ việc này. Bấy lâu nay, người ta vẫn phong thanh là ở các chợ đầu mối nhiều tỉnh, thành, có hiện tượng giang hồ núp bóng ban quản lý hoặc các tổ đội bốc dỡ, chèn ép, đe dọa, thậm chí cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương.
Khi sự việc ở chợ Long Biên được nêu ra, một số người dân cảm thấy bị sốc, nhưng với góc nhìn nghề nghiệp, tôi thấy buồn, thậm chí giận dữ nhưng không sốc, vì tôi biết nó không chỉ tồn tại ở chợ này mà có thể còn tồn tại ở những chợ khác, tỉnh thành khác trên cả nước, chắc chắn không chỉ có ở Long Biên. Đó mới là điều mà chúng ta quan tâm. Quan tâm hơn hết là tại sao tình trạng này tồn tại nhiều nơi, tồn tại nhiều năm từ lớp giang hồ này đến lớp giang hồ khác?
Phóng viên: Theo ông, tại sao tình trạng bảo kê lại có thể tồn tại giữa thủ đô Hà Nội như vậy?
Luật sư Trương Anh Tú: Để tồn tại tình trạng như vậy, có “công” rất lớn của những người liên quan, có “công” của những cá nhân đã giúp sức, che chở cho những đối tượng này. Những người này mới là những kẻ bảo kê chứ không phải các đối tượng được nêu trong bài báo. Chúng ta cứ nói đây là nạn bảo kê nhưng không phải, bảo kê là những người có chức vụ, quyền hạn, được bầu, được bổ nhiệm trong một số cơ quan của địa phương, làm ngơ hoặc bật đèn xanh cho những đối tượng vi phạm pháp luật, đấy mới là những kẻ bảo kê. Những đối tượng được nêu trong các bài báo chỉ có dấu hiệu “cưỡng đoạt tài sản”.
Tôi xin nhắc lại, sự việc tồn tại từ thời kỳ Khánh “trắng”, đến giai đoạn này, nhóm này là hàng chục năm. Tôi thấy rằng, để có được “thành tích” đó là “công” của rất nhiều cá nhân, từ lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, cho đến lực lượng quản lý hành chính ở địa phương.
* Vậy khi vụ việc được khởi tố, liệu những kẻ bảo kê sẽ bị bắt giữ, nạn bảo kê sẽ không còn, thưa ông?
- Chúng ta hả hê với việc vụ án đã được khởi tố, nhưng với con mắt của những người làm nghề như chúng tôi, vụ án này mới hé ra được khoảng 5%. Còn một loạt các vấn đề cần giải quyết và có khả năng sẽ không giải quyết được. Tôi chưa thấy thỏa mãn gì với sự việc này cả, chưa ai bị khởi tố và nếu không tích cực, không quyết liệt, không thẳng thắn, trung thực thì sự việc sẽ bị dừng lại, rồi chìm xuồng. Thậm chí khi các đối tượng cưỡng đoạt bị khởi tố, vụ việc cũng chỉ mới được giải quyết 10% thôi.
* Ý ông là, nếu không giải quyết dứt điểm được thì nạn bảo kê vẫn tiếp diễn?
- “Con chị nó đi, con dì nó đến”. Nạn bảo kê cứ tiếp diễn, cứ luôn mãi như thế. Muốn dứt điểm điều đó, cần phải có sự quyết tâm của rất nhiều cơ quan, ban ngành. Hãy làm một loạt, trên cả nước đi. Cần phải có một đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm trong lĩnh vực chợ, quản lý chợ, nhất là ở những chợ đầu mối hoạt động sôi nổi trên cả nước. Chúng ta chỉ cần để mắt đến là ra vấn đề ngay, bởi mọi thứ diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Quay lại với vụ việc ở chợ Long Biên, với một người làm nghề luật, tôi cũng xin chia sẻ là các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày đêm hy sinh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng bên cạnh đó, ở đâu đó cũng có những cá nhân đang thờ ơ với trách nhiệm của mình. Tôi cũng chứng kiến nhiều lá đơn, nhiều sự việc chuyển đi và bị chìm xuồng.
* Để làm sáng tỏ vụ việc như hiện tại, cần có sự tố giác của những người bị hại. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, còn rất nhiều tiểu thương không dám nói về vụ việc, thậm chí làm ngơ để các hành vi sai phạm diễn ra.
- Đã từ nhiều năm qua, lực lượng công an đẩy mạnh, phát huy phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Đấu tranh phòng chống tội phạm, không chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật đều phải có nghĩa vụ tố giác. Đây đồng thời là lương tâm, trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, với xã hội. Phải dũng cảm đứng lên đấu tranh với tiêu cực, sai trái và các biểu hiện vi phạm pháp luật. Nếu chúng ta cứ im lặng, cá nhân im lặng, tập thể im lặng, tạo ra một xã hội im lặng thì cái sai, cái xấu được dịp hoành hành. Việc làm của một số tiểu thương chợ Long Biên là rất đáng hoan nghênh. Họ dám dũng cảm đứng lên đấu tranh, tố giác tội phạm.
* Xin cảm ơn ông!
An Vũ (thực hiện)