Phải làm gì khi vợ chồng không thể đối thoại với nhau?

31/12/2021 - 22:17

PNO - Em rất ức chế. Chồng em từng phân tích rằng em hay tấn công cá nhân, em “đàn áp” cuộc đối thoại nên anh không thể cùng em bàn sâu về mọi chuyện.

Chào chị Hạnh Dung,

Em 36 tuổi, chồng em 40 tuổi, tụi em mới kết hôn được nửa năm nay. Vậy nhưng tụi em gần như không thể đối thoại được với nhau về những vấn đề quan trọng. Với em, cãi nhau là chuyện bình thường.

Trong khi đó, chồng em cho rằng em không văn minh khi đối thoại. Rất nhiều lần đang tranh cãi thì anh chốt hạ: “Em lại bắt đầu đi xa vấn đề rồi” và không đối thoại nữa.

Em rất ức chế. Chồng em từng phân tích rằng em hay tấn công cá nhân, em “đàn áp” cuộc đối thoại nên anh không thể cùng em bàn sâu về mọi chuyện.

Em cũng hiểu nôm na và tự dặn mình sẽ điều chỉnh nhưng rồi sau đó anh lại quy kết em tấn công cá nhân, nhún vai và nói: “Em muốn nghĩ gì thì tùy”, rồi bỏ mặc em muốn làm gì thì làm. Cuối cùng, không chuyện gì được bàn cho đến cuối. 

Em đã tìm hiểu về khái niệm tấn công cá nhân và hiểu rằng không nên hạ bệ đối phương để cãi thắng, nhưng làm sao tránh được việc đó khi tranh cãi. 

Chuyện lên đỉnh điểm khi mẹ chồng hỏi ý kiến tụi em về một loại sữa dinh dưỡng rất mới trên thị trường. Anh nói em giúp anh tìm hiểu về loại sữa này xem có nên cho mẹ uống hay không.

Em nói với anh: “Mẹ rất dễ bị tác động bởi bạn bè là những người không am hiểu nên mới nảy sinh nhu cầu uống sữa lạ. Loại sữa mẹ đang uống rất tốt thì sao lại phải đổi…”. Anh lập tức nói: “Lại tấn công cá nhân”.

Em quá ấm ức. Sao giao tiếp vợ chồng lại khó khăn đến thế? 

Trà My (TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Trà My mến,

Hạnh Dung tin rằng em không có chủ ý tấn công cá nhân bất kỳ ai. Cách em tranh luận cũng rất phổ biến trong đời sống, với những người không quá nguyên tắc trong đối thoại.

Thế nhưng, một khi đã đề cao nguyên tắc tôn trọng cá nhân, người ta sẽ rất cảnh giác và dễ dàng phát hiện ra nạn tấn công cá nhân dù chủ nhân của lời nói không hề chủ ý. 

Vậy tấn công cá nhân khác với tranh cãi thông thường thế nào? Ta cần cẩn thận một chút với các khái niệm, xác định ranh giới giữa chúng.

Thứ nhất, tranh luận (thậm chí là cả tranh cãi) là nhằm làm sáng tỏ vấn đề chứ không nhằm chứng minh đối phương sai. Cả đôi bên đều phải tập trung vào vấn đề. Tấn công cá nhân sẽ xuất hiện khi em không tập trung vào vấn đề mà sa vào lập luận dựa vào những gì em biết về đối phương. 

Ví dụ, trong câu chuyện đổi sữa cho mẹ, việc của hai em là giúp mẹ xác định xem loại sữa ấy có tốt không, có nên uống không. Tuy nhiên, thay vì nói về loại sữa đó, em lại phân tích về mẹ chồng. Dù phân tích của em là đúng hay sai thì nó cũng đã sai trọng tâm vấn đề. Nó đã hướng vào cá nhân. 

Rất nhiều tranh luận đã ngã ngũ theo cách này: Chứng minh đối phương không đủ tư cách để đưa ra ý kiến (ví dụ như “mẹ chồng em dễ bị tác động bởi bạn bè”) và hẳn nhiên ý kiến của mình được xem là đúng.

Song, cái “thắng” ấy là không văn minh và rất có thể sự thắng cuộc ấy đã bẻ cong sự thật.

Bởi một con người dù xuất thân hay tính cách thế nào thì vẫn được quyền nêu quan điểm trong câu chuyện họ tham gia, vẫn có thể đưa ra ý kiến đúng - đó chính là sự tôn trọng quyền con người, là niềm tin sâu xa để người ta chống “tấn công cá nhân” trong tranh luận.

Một ví dụ khác, nếu tranh luận với chồng về việc có nên chuyển nhà hay không thì chỉ nên phân tích mặt được/mất của việc chuyển nhà để cùng cân nhắc thay vì suy luận “do chồng thế này nên chồng mới muốn thế kia” - đó chính là tấn công cá nhân.

Hoặc, một ví dụ phổ biến nhất là các bà vợ/ông chồng hay đúc kết: “Em/anh lúc nào cũng…” để bài bác đối phương khi tranh cãi. Đây cũng là tấn công cá nhân.

Muốn tránh việc này, cần có thời gian để điều chỉnh. Em có thể thiện chí trò chuyện với chồng, thừa nhận những bỡ ngỡ của mình trong việc “đối thoại theo chuẩn văn minh của anh ấy”. Chuẩn này khá cao nên cả hai cần thông cảm cho nhau và giúp nhau làm quen với tư duy của đối phương, để cùng nhau phát triển.

Hạnh Dung tin rằng khi em bày tỏ thiện chí được kết nối chứ không chủ ý tấn công ai, chồng em sẽ mở lòng và dễ chịu hơn nếu em có “tái phạm” trên hành trình học hỏi này.

Chúc em an vui.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn   

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI