Phải kiểm tra, kiểm soát suất ăn từ thiện

02/12/2023 - 06:12

PNO - Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - cho rằng, cần khuyến khích, nhân rộng mô hình bếp ăn từ thiện nhưng cũng phải kiểm soát để bảo đảm an toàn.

 

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trí - ẢNH: HUYỀN ANH
Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trí - Ảnh: Huyền Anh

Phóng viên: Từng làm lãnh đạo bệnh viện, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các bếp ăn từ thiện?

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trí: Tôi thấy rằng, trong xã hội, có rất nhiều người quan tâm, muốn hỗ trợ cho bệnh nhân và người nuôi bệnh nhân. Chúng ta có trách nhiệm khuyến khích, nhân rộng và lan tỏa lòng tốt ấy, nhưng cần làm cho các hoạt động thiện nguyện đúng và hiệu quả bởi nếu không, có thể lãng phí, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiếp nhận.

Khi làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ vận động tiền, nấu cơm cho bệnh nhân nghèo. Nhưng các em không biết ai là người thực sự cần được hỗ trợ, giờ giấc thế nào. Bệnh nhân thường ăn trưa từ 10g30 - 11g rồi ngủ để chiều tiếp tục điều trị. Nhưng có những nhóm từ thiện mang cơm đến lúc 12g30 nên phải đánh thức bệnh nhân dậy để trao cơm. Người bệnh đôi khi bất đắc dĩ phải nhận bởi họ đã ăn trưa rồi, lại không tiện để dành cơm cho bữa chiều. Điều này vừa lãng phí, vừa bất tiện.

Ngoài ra, các bệnh nhân có chế độ ăn khá nghiêm ngặt, một số phải tuân thủ tuyệt đối khẩu phần ăn do bác sĩ chỉ định mà các suất ăn từ thiện từ bên ngoài mang vào không đáp ứng được. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, các bệnh nhân ung thư bị suy giảm miễn dịch, rất dễ bị nhiễm trùng. Có khi, cả liệu trình điều trị rất tốt nhưng ăn một bữa ăn không an toàn thì bao công sức “đổ sông đổ bể”. Do vậy, có lòng tốt thôi là chưa đủ mà cần tổ chức bài bản, hiệu quả và hoạt động phát cơm từ thiện cần được kiểm tra, kiểm soát.

* Theo ông, cần làm gì để kiểm soát bếp ăn từ thiện một cách hợp tình, hợp lý?

- Ở Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, sau khi nhìn ra vấn đề từ các suất cơm từ thiện, tôi đã suy nghĩ mãi. Làm sao để lòng tốt được thể hiện một cách hiệu quả, làm sao để người nghèo được thụ hưởng lòng tốt ấy một cách an toàn? Sau đó, tôi đưa ra 2 phương án. Một là, các tổ chức từ thiện đăng ký với phòng công tác xã hội; phòng này tiếp nhận thông tin về số lượng, thời gian tổ chức thiện nguyện, lên danh sách những người cần được hỗ trợ, thông báo sớm để họ có kế hoạch tiếp nhận. Phương án 2 là bệnh viện nhận tiền từ nhà hảo tâm, bếp ăn của bệnh viện sẽ mua nguyên liệu về chế biến, phát cho bệnh nhân nghèo. 

Người làm từ thiện thường muốn trao tận tay suất ăn cho người nhận. Đó là nguyện vọng chính đáng. Vì vậy, sau khi bếp ăn của bệnh viện nấu xong, các nhóm từ thiện vẫn có thể trực tiếp phát suất ăn cho bệnh nhân và người nuôi bệnh nhân. Tôi cho rằng, việc phối hợp giữa bệnh viện và tổ chức từ thiện sẽ “trọn vẹn đôi đường”, vừa hỗ trợ đúng đối tượng, vừa an toàn cho người nhận sự hỗ trợ. 

* Với hoạt động cung cấp bữa ăn từ thiện bên ngoài cơ sở y tế thì cách kiểm soát ra sao, thưa ông?

- Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tổ chức, quản lý bếp ăn từ thiện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như mặt trận Tổ quốc, hội thanh niên, hội phụ nữ... Ví dụ, ở địa phương có xóm chạy thận nhân tạo, thường có một số cá nhân, tổ chức mở bếp từ thiện thì chính quyền phải phối hợp với bếp ăn đó, xác định xóm chạy thận có bao nhiêu bệnh nhân cần hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng như thế nào. Bên cạnh đó, có thể tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho những người tham gia quá trình làm ra suất ăn từ thiện và giám sát quy trình thực hiện của bếp ăn.

* Xin cảm ơn ông. 

 Minh Quang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI