Phải hướng đến phổ cập giáo dục THPT

05/11/2024 - 05:57

PNO - Hiện tại, chúng ta có thể nỗ lực thông qua việc hỗ trợ những người nghèo, đưa ra các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, phải khuyến khích người dân "dù khó khăn đến mấy, cũng nỗ lực cho con hoàn thành trình độ phổ thông".

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho rằng, cần hướng đến phổ cập giáo dục bậc THPT để đảm bảo sự phát triển phồn vinh của xã hội.

Phóng viên: UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 40% học sinh tốt nghiệp lớp Chín vào trường THPT tư thục. Ông nhận định như thế nào về kế hoạch này?

Ông Trần Anh Tuấn: Về khía cạnh nguồn nhân lực, tôi không ủng hộ cao ý tưởng này. Đây là chính sách của địa phương, dựa theo đặc điểm, tình hình của địa phương. Nhưng về tổng thể, cả nước vẫn đang thực hiện theo định hướng của đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ.

Đề án này xác định mục tiêu là đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%).

Số học sinh còn lại (60% học sinh tốt nghiệp THCS) sẽ vào học bậc THPT, bao gồm trường công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục và hệ thống trường quốc tế. Vậy, theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội thì hệ thống giáo dục thường xuyên chiếm tỉ trọng bao nhiêu?

Trường quốc tế có được tính là trường tư thục không? 40% học sinh này được tính trên 100% hay trên 60% học sinh tốt nghiệp THCS, đã trừ 40% học sinh vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo đề án chưa?

Kế hoạch trên khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục nhưng chưa rõ nét và chưa đồng bộ với định hướng chung của quốc gia, không hợp lý trong nền kinh tế thị trường. Những việc này chỉ nên vận động chứ không nên đưa thành chỉ tiêu.

* Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp Mười ngày càng căng thẳng, gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh. Việc tăng tỉ lệ trường tư và tỉ lệ học sinh vào trường tư có phải là giải pháp để giảm tải căng thẳng, áp lực, thưa ông?

- Kỳ thi vào lớp Mười công lập hằng năm vẫn luôn tạo áp lực bởi đa phần phụ huynh vẫn muốn con em vào học tại các trường THPT công lập, thi tốt nghiệp THPT và vào học đại học nhanh nhất. Để giảm áp lực này, Nhà nước phải đảm bảo những yếu tố đào tạo chỉn chu cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để người dân tin tưởng, thừa nhận và chủ động theo học.

Bên cạnh đó, phải có giải pháp truyền thông để người dân hiểu được những đổi mới của xã hội hiện nay. Còn việc phát triển hệ thống trường tư thục thì chúng ta phải nhắc lại vấn đề công bằng giáo dục. Đa phần học sinh không đủ năng lực học tiếp ở trường công lập có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vậy làm sao các em đủ điều kiện kinh tế để vào học trường tư, trong khi hệ thống này không ưu đãi như hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

* Ông nghĩ sao về việc phổ cập giáo dục bậc THPT cho toàn dân?

- Việc phổ cập giáo dục bậc THPT là cần thiết. Tôi vẫn luôn khuyến khích học sinh nên học xong phổ thông, thậm chí bước vào phân luồng học nghề thì vẫn nên học văn hóa tương đương bậc phổ thông. Chỉ khi đạt trình độ phổ thông, học sinh mới có thể thích ứng tốt với thời đại chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, làm chủ công nghệ và phát triển nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh.

Nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Một học sinh chỉ tốt nghiệp bậc THCS thì rất khó bắt kịp những xu hướng này.

Nước ta không còn lợi thế về lao động đám đông, nguồn nhân lực trẻ. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, chúng ta phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo thu nhập cao, hướng đến cuộc sống phồn vinh. Thời gian tới, những công việc giản đơn, thủ công, lặp đi lặp lại sẽ dần mất đi, chỉ có lao động tri thức mới chiến đấu được lâu dài.

Tuy nhiên, việc phổ cập giáo dục bậc THPT còn liên quan đến vấn đề kinh tế, nếu miễn phí trên cả nước thì hiện nay nước ta chưa cân đối nổi. Hiện tại, chúng ta có thể nỗ lực thông qua việc hỗ trợ những người nghèo, đưa ra các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, phải khuyến khích người dân “dù khó khăn đến mấy, cũng nỗ lực cho con hoàn thành trình độ phổ thông”.

* Xin cảm ơn ông.

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI