Phải đi đâu đó cùng nhau...

04/07/2020 - 06:10

PNO - Họ quyết định phải đi đâu đó. Vì cứ loay hoay với công việc, gia đình, con cái, chưa kịp hưởng thụ đã hết đời.

Một nhóm bạn về hưu gặp nhau cà phê khi vừa hết giãn cách, tay bắt mặt mừng. Dù vẫn trò chuyện, đọc trạng thái của nhau mỗi ngày qua Facebook, nhưng hạnh phúc vẫn là được nhìn thấy nhau. Họ quyết định phải đi đâu đó, loay hoay với công việc, gia đình, con cái chưa kịp hưởng thụ đã hết đời.

Ngành du lịch đang ra sức quảng bá các tour trong nước. Nhiều tour du lịch có chương trình khuyến mãi, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều gia đình chuyên làm du lịch cho biết, khách bây giờ thích các tour giá thành không cao nhưng chất lượng phải cao, do đó không cách gì khác hơn là phải “lấy công làm lời”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ví dụ như tour năm ngày chẳng hạn, hai ngày đầu gia đình đảm đương khâu ăn uống cho khách bằng cách mang theo thức ăn, như kiểu picnic. Xe khởi hành từ chiều, thay vì ăn tối ở nhà hàng nào đó thì tổ chức ăn trên xe, vừa tiết kiệm thời gian lại giảm chi phí.

Những dụng cụ mang theo như thùng đá, thùng giữ nóng, vật dụng ăn uống rất tiện nghi. Cơm chiều có thể là cơm chiên hay cơm trắng, cá chiên, rau xào, canh… Chỉ cần chịu khó bỏ công, phục vụ 50 người vẫn thoải mái và chuyên nghiệp. Sáng hôm sau, có cà phê cho khách nam hay nước chanh dây cho khách nữ. 

Họ chuẩn bị chi tiết và kỹ lưỡng đến mức, sang ngày thứ hai, khách vẫn có thức ăn ướp sẵn mang theo như gà/thịt/cá và rau được tuyển chọn công phu. Đến một nơi nào đó, dự trù ăn ở đâu, xe sẽ ngừng khoảng 10 phút cho khách vệ sinh, giải lao, nhà xe đưa nguyên liệu vào quán thuê nấu thêm món cho khách bữa trưa.

Sau đó đưa khách đi các điểm tham quan. Đến giờ cơm về lại quán là có đầy đủ thức ăn được chế biến từ nguyên liệu “cây nhà lá vườn”. Như vậy, từ việc tự chuẩn bị thức ăn, tour sẽ giảm được giá thành và quan trọng là đảm bảo chất lượng thực phẩm. 

Khi gia đình làm du lịch như vậy thì cả nhà phải vào cuộc. Rất nhiều việc phát sinh từ cọng rau thơm cho đến điện thoại liên lạc những quán cơm, ngày giờ, đăng ký khách sạn, nhà xe… Mỗi chuyến như vậy, vợ chồng cùng đi, thêm đội hậu cần, đầu bếp. Đúng nghĩa lấy công làm lời, cũng là tạo công ăn việc làm cho người nhà có tay nghề bếp núc lại ham thích đi chơi. Những tour gia đình thường thấy là các tour ngắn ngày hay tour hành hương. 

Tâm lý con người một đời lao tâm khổ tứ, về già, nhà cửa đủ ở, có chút tiền để dành phòng khi đau ốm, con cái có việc làm, kiếm được bát cơm bằng lao động chân chính… là ổn rồi, không mơ gì cao xa.

Hành hương vừa là đi chơi, thăm thú những nơi chưa biết, vừa để tạ ơn đấng tối cao cho gia đình bình an, sức khỏe, con cái phương trưởng. Do đó, những tour ngắn ngày rất được ưa chuộng, khách du lịch đa phần không chỉ đi một lần mà đến lần hai, ba. Có người còn nói nghiện luôn.

Mua sắm cũng là một kích cầu trong du lịch và cũng là một bệnh hay… lây, thấy người ta mua bắt chước mua theo. Tour du lịch nào cũng kết hợp ghé vài điểm mua sắm. Đó là thỏa thuận làm ăn trong ngành du lịch với nhau.

Không cần quan tâm nhà xe hay chủ tour được bao nhiêu phần trăm huê hồng khi đưa khách đến, nhưng rõ ràng, nếu không có “tiết mục” này, tour sẽ rất nhàm chán và không chủ tour nào làm như vậy. 

Cô vợ trẻ dứt khoát phải mua bằng được cái áo sơ mi, dù hơi đắt một chút, nhưng là món quà cho chồng. Con cái đi chơi nghĩ đến mẹ/cha/anh/chị/em ở nhà thế là phải động não liên tục. Mẹ thích áo này, cái mũ/đôi giày kia hợp với ba… Nghĩ đến ông, bà với tấm khăn choàng hay cái mũ len… Người trẻ thì nghĩ đến bạn bè, người yêu. 

Người làm du lịch biết tâm lý khách hàng để có những sản phẩm bán được, cho đối tượng nào… Đi tức là phải mua, dù ít hay nhiều. Người “bê tông cốt thép” đến mấy (do nhiều lần bị hớ) cũng phải mua gì đó gọi là có cái để mua. Đi du lịch mà không mua gì thấy thiếu thiếu thế nào.

Còn nữa, mua ở đây là mua cái hồn cốt, cái hương, cái vị, cái nhớ, cái thương vùng đất nơi mình đã đến. Mua một vật kỷ niệm đánh dấu ngày tháng năm mình đi đến đó. Mua đặc sản nơi đến để có chuyện kể nhau nghe trong lúc buồn miệng, thèm ăn: “Giá bây giờ có món đó, ở vùng đó mà ăn thì thú vị biết bao”. Đi du lịch mà về tay không sẽ thấy mình đã bỏ lỡ mất một dịp mua, một kỷ niệm mang về, một món quà cho người ở nhà…

Sản phẩm du lịch nhiều khi còn là cái tình quyến luyến thân thuộc. Có người ở nhà trông nom cha mẹ già cho mình đi chơi thì phải có quà mang về. Vui chơi không quên nhiệm vụ. Ý nghĩa của việc mua quà là như thế cho nên đừng tiếc khoản mua sắm khi đi du lịch.

Để thấy, nếu có điều kiện, du lịch và mua sắm cũng là việc cần chung tay với nhau, với xã hội và cùng nhau mạnh mẽ bước qua một mùa khó khăn, bởi khách nội địa giờ đây là điểm tựa duy nhất của ngành du lịch. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI