Phải có ý thức, kiến thức khi chạy xe trên đường cao tốc

05/03/2024 - 06:17

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng - quốc tịch Đức, nguyên là chuyên gia thiết kế định hướng của Tập đoàn Volkswagen - chỉ ra nhiều bất cập trong thiết kế đường cao tốc cũng như cách chạy xe trên loại đường này.

Phóng viên: Có thể gọi đường Cam Lộ - La Sơn và một số đoạn có thiết kế tương tự của nhiều tuyến khác là đường cao tốc không, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Đồng: Với thiết kế 2 làn xe, không dải phân cách cứng như đường Cam Lộ - La Sơn thì không thể gọi là đường cao tốc mà cần gọi chính xác là đường ô tô - một dạng như quốc lộ nhưng chỉ dành cho ô tô. Tốc độ 60-80km/h thì không thể gọi là cao tốc bởi với đường không phải cao tốc, ở các đoạn nằm ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ cho phép có nơi đã 90km/h.

Do thiết kế nhỏ hẹp nên đường Cam Lộ - La Sơn cấm vượt hầu như trên suốt tuyến, nhưng để đáp ứng nhu cầu vượt, thỉnh thoảng lại có đoạn được thiết kế phình ra, dài khoảng 1,5km. Thiết kế như vậy thì xe rất khó vượt. Ở đoạn cấm vượt, tốc độ cho phép chỉ 60km/h nên xe nối đuôi nhau, đến đoạn cho vượt thì tốc độ cho phép tối đa 80km/h, nhưng đoạn đường được phép vượt lại ngắn nên xe sau muốn vượt thì phải chạy lên 90 - 100km/h. Tình huống đó vừa vi phạm tốc độ, vừa nguy hiểm, nhất là khi không có dải phân cách cứng. Với kiểu thiết kế này, tài xế phải vượt trên đoạn đường ngắn, chạy tốc độ cao, chuyển làn nhanh nên nguy cơ lật xe, gây tai nạn rất cao. Đáng lẽ, đoạn đường để vượt phải dài hơn, thoáng hơn để tài xế có đủ thời gian nhập làn an toàn.

* Trong các vụ tai nạn từng xảy ra trên đường cao tốc, có vẻ nhiều tài xế đã thiếu kiến thức và kỹ năng trong việc vượt xe và giữ khoảng cách an toàn? 

- Rất nhiều tài xế ở Việt Nam coi thường việc giữ khoảng cách an toàn và thiếu kỹ năng vượt xe. Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu chạy ở tốc độ cao. Tài xế có thói quen cắt mặt để chuyển làn mà không hiểu điều này rất nguy hiểm. Nếu xe chạy với tốc độ 90 - 100km/h thì khi thắng, phải mất thêm 50 - 60m (quán tính) mới ngừng, nếu chạy 80km/h thì phải mất thêm tối thiểu 40m. Đối với xe tải nặng, khi chạy 80km/h, nếu thắng thì phải mất thêm 100m mới dừng được, lúc trời mưa có thể mất thêm 120m. Cho nên, một xe tải đang chạy 80km/h mà xe khác vừa qua đầu đã lách chuyển làn thì đương nhiên sẽ bị tông. Chưa kể, xe đang chạy thẳng với tốc độ cao, nếu đánh lái chuyển làn đột ngột thì sẽ sinh ra lực ly tâm, dễ gây lật xe. Đó là kiến thức vật lý học.

Nhiều tài xế không có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng để chạy đường cao tốc mà cứ “lên xe là chạy”. Khi chạy trên đường này, lốp xe rất quan trọng: lốp quá mềm sẽ khiến xe hao xăng và dễ chao nghiêng, quá cứng lại dễ gây nổ lốp khi xe chạy với tốc độ cao. Do đó, lốp xe phải được cân bằng động đúng tiêu chuẩn. Hệ thống nhún ở Việt Nam thường mềm để tránh dằn xóc, trong khi xe muốn chạy nhanh thì hệ thống nhún phải cứng để hạn chế lật xe khi đánh lái ở tốc độ cao.

Ở Mỹ và các nước châu Âu, người dự thi lấy giấy phép lái xe được dạy các kiến thức vật lý, kỹ năng giữ an toàn trong phần lý thuyết, còn ở Việt Nam, người thi lấy giấy phép lái xe chủ yếu chỉ được học luật giao thông. Ở các nước, lỗi không giữ khoảng cách, vượt ẩu bị xử lý rất nghiêm.

Ở Đức, có những đoạn đường cao tốc cho phép chạy không giới hạn tốc độ nhưng tai nạn rất ít khi xảy ra. Nên vấn đề không nằm ở tốc độ cao mà ở thiết kế an toàn và kỹ năng lái xe an toàn. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp với xử phạt nghiêm hành vi chạy ẩu, coi thường mạng sống. Cần xem xét hình ảnh từ camera hành trình của tài xế để xử phạt các lỗi vi phạm, tăng mức phạt tiền, bổ sung hình phạt bắt học lại và thi lại lý thuyết, thực hành.

* Theo ông, đơn vị thiết kế và cơ quan quản lý cần lưu ý gì để đường cao tốc an toàn hơn?

- Đường cao tốc phải có dải phân cách cứng. Do việc chạy nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên khi thiết kế, phải lường đến các tình huống phát sinh, có giải pháp hạn chế hậu quả nghiêm trọng. Không có dải phân cách cứng thì tài xế rất dễ lấn tuyến, vượt ẩu. Ngay như ở các tuyến quốc lộ, đa số tài xế xe khách chạy lấn tuyến khi không có dải phân cách cứng.

Nhiều đoạn đường cao tốc ở Việt Nam chưa có làn dừng khẩn cấp. Điều này là rất nguy hiểm, cần sớm khắc phục. Bên cạnh đó, một số đường có làn dừng khẩn cấp nhưng chưa đúng chuẩn, như làn dừng quá hẹp, quá sát làn lưu thông tốc độ cao, rất nguy hiểm. Làn dừng khẩn cấp đúng chuẩn phải tách rời, có khoảng lùi an toàn với làn lưu thông.

Cơ quan quản lý nên nghiên cứu và ban hành các quy định lưu thông an toàn trên đường cao tốc. Ở nước ngoài, làn bên trái sát con lươn là làn để vượt, không cho phép xe chạy tốc độ chậm liên tục trên làn này. Mỹ có câu “slow, go right” (chạy chậm, qua bên phải). Việt Nam vẫn cho phép xe chạy chậm được bám làn trái nên các xe khác phải vượt bên phải, rất nguy hiểm. Kính chiếu hậu bên tay trái có góc chết (góc mù) nhỏ hơn, kính chiếu hậu bên tay phải có góc mù lớn hơn, nên nếu vượt bên trái, tài xế chạy trước dễ quan sát để xử lý hơn.

Do đó, cần có quy định làn bên trái sát dải phân cách dành cho xe chạy tốc độ cao hoặc xe muốn vượt và xử phạt những xe chạy chậm nhưng bám làn tốc độ cao, gây cản trở giao thông.

* Xin cảm ơn ông. 

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI