Phải cổ vũ tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm

08/08/2024 - 06:21

PNO - Đầu tư công lẫn tư thường bị ách tắc ở các khâu quy hoạch, mặt bằng đất đai, thủ tục dự án. Chúng tôi có cuộc trao đổi với tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên thỉnh giảng Đại học Fulbright Việt Nam - về năng lực hấp thu vốn của khu vực công.

Phóng viên: Năm 2024, TPHCM được phân bổ hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng qua 7 tháng, chỉ mới giải ngân được gần 15%. Theo ông, vì sao tỉ lệ giải ngân lại thấp như vậy?

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Theo tôi, tỉ lệ này rất thấp nhưng phản ánh đúng thực tế. Khu vực công tồn đọng nhiều vấn đề cần xử lý, nhưng các vấn đề này luôn ở “vùng xám”, tức là muốn xử lý chúng, phải cần đến tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của cán bộ.

Tinh thần đó đã từng giúp cho đất đai được đưa vào khai thác, sản xuất, kinh doanh, giúp các hoạt động kinh tế khởi sắc lên. Tinh thần đó cũng được vận dụng để tháo gỡ, giải quyết những quy định pháp luật chồng chéo, gây vướng mắc. Nhưng việc vận dụng tinh thần đó cũng chứa rất nhiều rủi ro. Nếu xử lý cho chạy việc thì cán bộ có khả năng sai phạm, có thể bị kỷ luật hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý hình sự. Tâm lý sợ làm sai khiến cán bộ, công chức chọn sự an toàn, cái nào chắc ăn 100% mới làm.

Trước đây, TPHCM luôn đi đầu trong việc giải quyết nhanh chóng các ách tắc, vướng mắc, hễ chạy được việc là làm. Còn giờ đây, các cơ quan thường chờ đủ ý kiến trả lời, hướng dẫn của tất cả các nơi, thậm chí phải hỏi lại nếu lời giải thích không rõ nên tiến trình chậm đi rất nhiều, thậm chí nhiều việc rơi vào bế tắc do không ai muốn chịu trách nhiệm.

* Một số lãnh đạo sở, ngành cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là do vướng mắc ở khâu quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng…

- Đúng. Là người nghiên cứu và làm việc thực tiễn về quy hoạch, tôi thấy quy hoạch thường thiếu tính thực tế. Sau 10-20 năm, bản quy hoạch cũ sẽ không còn phù hợp, nên cần phải linh hoạt điều chỉnh chứ không thể cứng nhắc, xa rời thực tế. Các vấn đề kỹ thuật như đền bù, giải tỏa cũng vướng mắc ở chỗ không có người dám đứng ra xử lý. Giá bồi thường, loại đất được quy hoạch (đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất xây dựng), đất trong quy hoạch, ngoài quy hoạch… đại khái là những “vùng xám”, cần sự linh hoạt giải quyết nhưng mọi thứ đang kẹt do thiếu người dám chịu trách nhiệm, đứng ra giải quyết.

* Theo ông, giải pháp nào để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2024, cũng như giúp công tác này đạt hiệu quả hơn trong tương lai?

- Nếu nói theo kiểu hô hào thì tôi cho rằng cán bộ, công chức nên cố gắng tìm ra cái khả dĩ nhất trong những không gian chính sách hiện hành để làm cho việc giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất. Còn nếu nói thẳng, tôi cho rằng cần cán bộ, công chức phải dám bước vào “vùng xám”, đi vào giải quyết những trục trặc hiện tại. Do đó, phải sửa cho được tâm lý cán bộ. Họ phải dám chịu trách nhiệm, dám xử lý các vấn đề đang vướng mắc. Đây không phải là vấn đề kỹ thuật cụ thể mà nên là chủ trương chung cho cả nước.

* Theo ông, việc triển khai thực hiện, áp dụng, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã và đang triệt để hay còn giới hạn gì đó, thưa ông?

- Thực ra, Nghị quyết 98/2023/QH15 vẫn vướng các quy định khác. Khi vướng như thế, ít ai dám diễn giải theo hướng thuận lợi cho việc triển khai, thực thi. Nghĩa là, ít ai triển khai theo cách “không cấm thì được làm” mà cách hiểu thực tế là “không cấm không có nghĩa là được phép làm”. Bây giờ, cấp trung ương cho phép làm gì thì phải ghi rõ ra, cấp tỉnh, thành mới dám làm. Nhưng về mặt văn bản, nghị quyết không thể ghi mọi thứ ra được. Chẳng hạn, hình thức khai thác giá trị từ đất theo sự phát triển hạ tầng giao thông công cộng (TOD) đến nay vẫn chưa thấy triển khai áp dụng bởi vướng các luật và quy định như đất đai, ngân sách, đấu thầu…

* Ông nhận định thế nào về giải pháp do lãnh đạo UBND TPHCM đề xuất là giao thêm dự án cho những quận, huyện giải ngân tốt?

- Đó là một chính sách hợp lý, một giải pháp có vẻ khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại. Nhưng những dự án giải ngân tốt ở các địa phương, đơn vị có khi lại không phải là những dự án thực sự quan trọng, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Cách này thúc đẩy giải ngân nhưng theo hướng “dễ thì làm, khó thì gác lại”. Khi đó, giải ngân tốt nhưng chưa chắc tháo gỡ được những điểm nghẽn hạ tầng chiến lược.

* Xin cảm ơn ông.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI