Phải chứng minh được “chính quyền đô thị” mang lại gì cho dân

24/08/2013 - 14:34

PNO - PNO – Các nhà khoa học, trí thức yêu cầu chứng minh rõ ràng hơn, chứng minh cho được đề án này mang lại lợi ích gì cho nhân dân, nhất là ở cấp phường, cấp cơ sở.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sáng 24/8, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị các nhà khoa học, trí thức và văn nghệ sĩ góp ý Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.

Phai chung minh duoc “chinh quyen do thi” mang lai gi cho dan

Thống nhất, đánh giá cao dự thảo Đề án, nhưng nhiều ý kiến tại hội nghị đề đạt: cần coi chính quyền điện tử, văn minh đô thị không thể tách rời nội dung chính quyền đô thị; cần bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; chính quyền cơ sở phải thực sự sát dân…

Góp thẳng vào từng vấn đề cụ thể, tiến sĩ Trần Công Hoàng Quốc Trang cho rằng, đề án chưa thấy được công cụ quan trọng của chính quyền điện tử. “Trước đây, người dân nghe nói chính phủ điện tử chứ chưa nghe nói chính quyền điện tử. Trong cơ chế chính quyền kiểu Mỹ, Pháp hoặc Singapore đều coi chính quyền điện tử không thể tách rời nội dung chính quyền đô thị. Chính quyền điện tử vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của chính quyền đô thị” - Tiến sĩ Trần Công Hoàng Quốc Trang nói.

Về đổi mới một số nội dung phân cấp quản lý, Tiến sĩ Trang đề nghị cần phải mạnh dạn và quyết liệt hơn, nhất là phân cấp trên lĩnh vực ngân sách và xây dựng cơ chế ủy quyền kiểu mới, khắc phục mọi nhược điểm của chính quyền kiểu cũ. Điểm quan trọng của phần này là phát huy cho được vai trò làm chủ của người dân trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cơ sở. Tiến sĩ Trang còn đề xuất: cần trực tiếp lấy ý kiến của người dân, tạo điều kiện để người dân nói lên tiếng nói của mình, thông suốt, thấu hiểu đề án chính quyền đô thị TP.HCM là sự đổi mới, lâu dài, thiết thực đối với người dân, để xây dựng một cơ chế mới từ thành phố đến cơ sở.

"Chúng ta phải đổi mới, sự đổi mới là hết sức cần thiết, nhưng đổi mới là để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Cái gì có lợi cho dân thì ta quyết tâm làm. Do đó TP cần chứng minh rõ ràng hơn, chứng minh cho được những gì mang lại lợi ích cho nhân dân từ đề án này, nhất là ở cấp phường, cấp cơ sở"

PGS.TS Cao Minh Thì, Chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM

Ông Võ Đăng Tín, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nêu quan điểm: TP.HCM phải được liên tục vận động và phát triển. Từ sau giải phóng tới nay, TP luôn phát triển nhưng luôn bị các cơ chế ràng buộc. Thực tế chứng minh TP phải chủ động thì mới phát triển được.

Đánh giá cao đề án chính quyền đô thị, ông Võ Đăng Tín góp ý: “TP.HCM hãy tự cởi trói mình để phát triển. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc thực hiện đề án này. Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện đề án này thì những chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đang thực hiện sẽ như thế nào? Có tiếp tục được tiến hành hay không? Đơn cử như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI lâu nay chẳng hạn”.

Về vấn đề quy hoạch, tiến sĩ Ngô Hoàng Văn góp ý: Cần đảm bảo tính đồng bộ của quy hoạch khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Quy hoạch là kế hoạch phát triển đô thị, nó bao gồm phần đô thị thực trạng và đô thị dự kiến. Chính quyền đô thị dự kiến hoàn toàn có thể lập trên phần đô thị dự kiến (trừ trường hợp quy hoạch “treo”).

“Tôi đề nghị thí điểm chính quyền đô thị trên tất cả các quận hiện hữu và TP.HCM không có 4 thành phố vệ tinh. Ở các quận hiện hữu, có những đô thị nhỏ (cấp 4, cấp 5) như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Hiệp Phước, Bình Khánh, Cần Thạnh… thì gọi là các thị trấn hoặc thị tứ trực thuộc huyện; các xã được tổ chức chính quyền theo mô hình nông thôn mới”.

Cũng theo tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, quận không nên được phân cấp quản lý các dịch vụ mang tính hệ thống như cấp nước, cấp điện… Tổ chức hành chính cấp quận không nhất thiết phải có HĐND, nhưng cần có Tổ đại biểu HĐND TP cho từng quận.

Phai chung minh duoc “chinh quyen do thi” mang lai gi cho dan

Các đại biểu góp ý tại hội nghị.

Ở một khía cạnh khác, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nêu vấn đề, điều quan trọng hàng đầu là mục tiêu hướng tới của chính quyền đô thị: Phục vụ người dân trong mọi lĩnh vực, đơn giản thủ tục hành chính, đem đến cho người dân các nhu cầu ăn, ở, nghỉ, đi lại, làm việc, vui chơi, giải trí tốt hơn cái cũ, giải tỏa bớt áp lực đất đai, ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, hạ tầng kỹ thuật tốn kém, người dân ngày càng tách biệt với thiên nhiên…Đây là mục tiêu đầu bài dẫn đến các mục tiêu khác như quản lý đô thị, phân cấp và các thành phố vệ tinh, thành phố nhỏ, vừa, và các quan hệ chính quyền đô thị giữa địa phương, trung ương…

Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Minh Thì, Chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM nhận định: “Chúng ta phải đổi mới, sự đổi mới là hết sức cần thiết, nhưng đổi mới là để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Cái gì có lợi cho dân thì ta quyết tâm làm. Do đó TP cần chứng minh rõ ràng hơn, chứng minh cho được những gì mang lại lợi ích cho nhân dân từ đề án này, nhất là ở cấp phường, cấp cơ sở”.

Tiến sĩ Thái Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM nói: “Chính quyền đô thị phải có văn minh đô thị và phải đề cập một cách đầy đủ vấn đề này. Đi liền với nâng cao chất lượng sống của người dân thì cũng cần phải nâng cao văn hóa, văn minh của người thành thị lên”.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI