Phải chấp nhận tốn kém để giải quyết tai nạn đường sắt

15/08/2016 - 06:16

PNO - Theo thống kê của ngành đường sắt, trên 1.723km đường sắt có hơn 1.000 điểm giao cắt với đường ngang dân sinh - hầu hết do người dân tự mở.

Vụ tai nạn giữa ô tô chở bảy người trong một gia đình với tàu hỏa xảy ra chiều 13/8 tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa làm một người chết, sáu người bị thương một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn cấp về nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt, đặc biệt là các vụ tai nạn xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (đường ngang dân sinh) mà không có rào chắn, trạm gác…

Nguyên nhân của những tai nạn này vốn đã được các cơ quan quản lý nhà nước, ngành đường sắt và các chuyên gia chỉ ra rất rõ nhưng cả chục năm qua chỉ thấy những giải pháp mang tính đối phó, chắp vá và chỉ một số địa phương thực hiện, nhiều nơi vẫn cứ xem đó là “chuyện của ngành đường sắt”.

Theo thống kê của ngành đường sắt, trên 1.723km đường sắt có hơn 1.000 điểm giao cắt với đường ngang dân sinh - hầu hết do người dân tự mở, hiện còn hơn 500 điểm chưa có rào chắn, trạm gác, trở thành những “điểm đen” có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Như vậy, nguyên nhân ban đầu là do ý thức người dân, tự ý mở đường ngang, bất chấp cảnh báo nguy hiểm của ngành đường sắt. Tiếp theo là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn rất kém.

Phai chap nhan ton kem de giai quyet tai nan duong sat
Ngành đường sắt cũng thừa nhận, do thiếu kinh phí đầu tư, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành đường sắt rất lạc hậu- Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể như vụ tai nạn xảy ra ngày 1/6/2015 giữa đoàn tàu YB2 chở 139 khách từ Yên Bái đi Hà Nội, đến đường ngang tại km129+200 (địa phận huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) đã va chạm với một xe tải khiến cả xe tải và đầu máy tàu văng xuống ruộng, may mắn 139 hành khách trên tàu không gặp nguy hiểm. Nguyên nhân chỉ do xe tải cố tình vượt đường ngang (có đèn cảnh báo) khi đoàn tàu đang lao tới.

Ngành đường sắt cũng thừa nhận, do thiếu kinh phí đầu tư, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành đường sắt rất lạc hậu. Hệ thống đường sắt không hề có cầu vượt, đường chui tại các điểm giao cắt; cũng không có hành lang an toàn đường sắt đúng quy chuẩn. Đã vậy, nhiều khu dân cư mới liên tục hình thành hai bên tuyến đường, làm phát sinh nhiều đường ngang dân sinh không có rào chắn, không trạm gác, không đèn tín hi ệu. Rồi hiện tượng phá hoại tài sản, đập trụ bê tông, cắt song sắt hàng rào làm lối đi vẫn là “bài toán” giải hoài không xong.

Vậy làm thế nào để hạn chế tai nạn? Theo tôi, những giải pháp ngành đường sắt đã thực hiện nhiều năm qua vẫn cần tiếp tục như: gắn biển cảnh báo, băng rôn, sửa chữa những rào chắn hư hỏng, đóng dần các điểm mở “chết người”… Mặt khác, các địa phương phải tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Vấn đề quan trọng nhất là phải tìm nguồn kinh phí, có thể kêu gọi xã hội hóa để xây dựng hành lang an toàn đường sắt, cầu vượt, hầm chui, các trạm gác có người trông coi.

Trước mắt, nếu chưa có kinh phí để làm chuyện lớn thì phải “giải” ngay các điểm giao cắt không có rào chắn, trạm gác. Các địa phương phải chung tay hỗ trợ, trích một khoản tiền nào đó trong quỹ An toàn giao thông để trả lương cho nhân viên gác trạm. Nếu không chịu tốn kém để giải quyết những bất cập về hạ tầng, tai nạn đường sắt vẫn mãi là thực trạng nhức nhối.

Hải Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI