Phải bảo tồn những gì tiền nhân để lại

27/01/2020 - 07:29

PNO - Tiền nhân nào chỉ để lại biển rừng, sông núi, còn có cả đạo lý ứng xử công tư; chỉ là hậu sinh có chịu học và làm theo hay không thôi.

Ngày 25/1/2020, tức Mùng Một tết Canh Tý, trên các phương tiện truyền thông, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - khẳng định: “Tất cả những gì của tiền nhân để lại, chúng tôi phải bảo tồn”.

Tiền nhân đã để lại cho Bình Định - Quy Nhơn, từ thuở đất Việt Thường Thị, một dải bờ biển đẹp, biển trải ngay trước mặt, núi dựng ngay sau lưng. Theo sách Nhất thống chí, tính từ năm 2353 trước Công nguyên, đất Việt Thường Thị đã biết dâng sang Trung Quốc linh vật rùa thần, lưng có chữ khoa đẩu, sống đã ngàn năm, ghi mọi việc từ khi trời đất mới mở.

Lớp hậu bối, may thay, đã biết giật mình trước những “ghi chép” từ trời đất, suy xét “việc lợi muôn đời” của tiền nhân để lại: Đó là với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội, tại một cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh, giữa năm 2016, lãnh đạo tỉnh đã công bố quyết định chấm dứt dự án có tổng mức đầu tư lên tới 22 tỷ USD.

Quy Nhơn có những bãi biển cực đẹp, được lãnh đạo tỉnh Bình Định xem là tài sản của cộng đồng, để phục vụ cộng đồng
Quy Nhơn có những bãi biển cực đẹp, được lãnh đạo tỉnh Bình Định xem là tài sản của cộng đồng, để phục vụ cộng đồng

“Dự án khổng lồ, nếu thực hiện xong, sẽ mang lại nguồn ngân sách cực lớn cho Bình Định. Nhưng qua giai đoạn háo hức, chúng tôi nghĩ lại thấy rất nguy hiểm, vì một nhà máy lọc hóa dầu lại nằm ngay sát thành phố Quy Nhơn, nằm trên đầm Thị Nại, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường biển Quy Nhơn. Biển ô nhiễm thì còn gì nữa!” - phát biểu của ông Hồ Quốc Dũng.

Từ động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến áp lực tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, trong đó thu hút thành công nguồn đầu tư nước ngoài là đã nắm chắc trong tay phép thắng lợi về vốn, quy mô đầu tư lẫn hiệu quả phát triển.

Từ chối một dự án với con số 22 tỷ đô la Mỹ, đặt trong quy mô phát triển của tỉnh nhà, càng thấy đó là một tư duy anh minh, một thái độ dũng cảm, xác lập một quan điểm cân bằng và công bằng giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế. Tư duy ấy, thái độ ấy, quan điểm ấy, không dễ lãnh đạo nào của địa phương nào cũng thông suốt, quyết liệt và “sau trước như một” được.

Bên cạnh việc dừng dự án nhà máy lọc hóa dầu, Bình Định cũng công khai chủ trương dời ba khách sạn lớn đã từng là “biểu tượng du lịch” của Quy Nhơn, lấy lại đất làm công viên bãi biển. Lãnh đạo tỉnh này cũng quyết định lấy nửa phía đông con đường Xuân Diệu sát biển, vừa được mở rộng để làm đường đi bộ ven biển.

Chưa hết, tỉnh còn xoay chuyển định hướng Khu kinh tế Nhơn Hội từ một tổ hợp công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng, đóng tàu, cảng biển sang đô thị dịch vụ - du lịch, giữ nguyên vẹn đầm Thị Nại nằm giữa hai khu đô thị sinh thái và đô thị hiện đại. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra được bản sắc riêng cho đô thị Quy Nhơn” - người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục khẳng định.

Chữ bản sắc đã được dùng đúng nghĩa. Trên cái nền có sẵn (hoặc có sẵn một phần) ấy, trong dòng chảy tiếp biến và hội nhập, bản sắc dần được định hình và vượt lên mọi lực cản cố hữu (vốn dễ khiến xã hội trì trệ, lệch lạc). Bản sắc của Bình Định - Quy Nhơn là đô thị biển, nghĩa là mọi tính chất, quy mô, kết cấu của một đô thị phải lấy tính biển làm trụ, chứ không phải nhân danh biển để bê tông hóa đô thị, tức bê tông hóa các khu vực thuộc bờ biển. Thực tế này đã và đang nhãn tiền, với nhiều tỉnh thành bạn của Bình Định - Quy Nhơn đấy thôi!

Và rõ ràng, lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy bài học từ các đô thị biển lân cận: “Khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng, chúng tôi sẽ khống chế chiều cao và không xây dựng dày đặc như một số đô thị ven biển khác trong khu vực”.

Của cộng đồng nên cần phải trả về lại cho cộng đồng, không thể nhân danh phục vụ cho một nhóm nhỏ “cộng đồng” mà tước bỏ quyền thụ hưởng của cả phần cộng đồng còn lại. Nhưng rõ là, mấy ai chịu lắng nghe và nhìn thấu lời thỉnh nguyện ấy. Một phần diện tích không nhỏ của biển và bờ biển; sông và bờ sông trên mọi miền của đất nước này, từ lâu đã bị “tư hữu” hóa.

Cho nên một lời minh định “biển và bờ biển là của cộng đồng”, được thốt ra từ lãnh đạo Bình Định, lại trở nên quý giá, đáng được kính trọng biết bao.

Cũng như gần 200 năm trước, ngay tại Bình Định, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đã thực thi phép quân điền, nghĩa là nhà cầm quyền phân bổ lại đất công và đất tư.

Bình Định xưa, đất tư vốn nhiều vô kể, các quan đề xuất vua thu bớt đất tư, vua Minh Mạng phán truyền: “Tư điền là sản nghiệp đời đời, nay vô cớ cắt lấy của riêng là vốn liếng làm ăn khó nhọc của người ta, chắc sẽ làm mất lòng, lại gây thêm nhiều sự triền miên”. Sau một hồi cân phân, lục bộ họp bàn, lại dâng tấu trình, lấy bớt đất tư của giới điền chủ, chia cho người không có ruộng, thảy đều thuận hòa công tư.

Tiền nhân nào chỉ để lại biển rừng, sông núi, còn có cả đạo lý ứng xử công tư; chỉ là hậu sinh có chịu học và làm theo hay không mà thôi.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thai 27-01-2020 17:01:40

    Bài viết rất thâm thúy, rất sâu sắc, thể hiện tác giả rất am hiểu về lịch sử nước nhà và vô cùng tâm huyết với vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI