Ma túy tổng hợp (với nhiều tên gọi như: đá, thuốc lắc, ngọc diên, viên nữ hoàng...) với đại diện nổi bật nhất của nó là đá (Metamphetamine) và lắc (MDMA).
|
Ma túy đá bị thu giữ (Ảnh: internet) |
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ví: "Nếu heroin gây nghiện nhanh và khó từ bỏ nhất; LSD (tem giấy) gây ảo giác (ảo thị) mạnh nhất thì đá (methamphetamine) gây ảo thanh dai dẳng thường kèm theo hoang tưởng (thường là hoang tưởng bị hại) nên hay tấn công người khác và có những hành động rồ dại”. |
Dạng ma túy đá này có tác dụng kích thần gây cảm giác hưng phấn, khoái cảm, chống mệt mỏi… khi sử dụng liều cao kéo dài có thể gây hoang tưởng, ảo giác.
Ma túy tổng hợp đang trở thành cái tên gieo rắc nhiều nỗi kinh hoàng các vụ đâm xe liên tiếp, các vụ sát hại hàng loạt, đâm chém ngay cả người thân.
Tính đến nay, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa có hơn 5.000 học viên cai nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine – ATS (đá, lắc…). Số người sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh đều mỗi năm. Số học viên nghiện ma túy tổng hợp chiếm hơn 60% so với tổng số học viên cai nghiện ma túy tại đây.
Lần thử thách thất bại
Có kinh nghiệm hàng chục năm trong cai nghiện ma túy, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) gọi cai nghiện ma túy là cuộc chiến với nỗi khoái lạc của con người.
|
Những bệnh nhân loạn thần sau khi sử dụng ma túy được điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM |
Vài năm về trước, tự tin với phương pháp cai nghiện ma túy của mình, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy quyết định thử 7 trường hợp được đánh giá cai nghiện thành công tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa.
7 người này được cho ra ngoài Trung tâm để đi học, đi làm, gặp gỡ bạn bè… như quay về với cuộc sống bình thường. 7 trường hợp này đều có nhận thức tốt, cha mẹ quan tâm, có việc làm ổn định, chỉ có mỗi tối là phải về ngủ ở Trung tâm.
Nhưng khi kết thúc cuộc thử thách, 5/7 người đã tái nghiện ma túy. Riêng 2 trường hợp còn lại, một người bỏ tham gia thử thách, một người không tái nghiện.
Dò hỏi vì sao những đứa con của mình thất bại (ông và những người cai nghiện gọi nhau là bố - con), bác sĩ Duy nhận được những câu trả lời như: “Gặp bạn dùng ma túy là con đã lên cơn thèm”; “Chỉ cần nghe điện thoại của bạn cũ từng chơi ma túy thì cơn nghiện trào lên, không thể từ chối”...
Người duy nhất thoát khỏi sự lôi cuốn của ma túy cho biết tách mình khỏi cuộc sống cũ. Người này nói với bác sĩ Duy: “Hễ cái gì gợi nhớ đến ma túy là lập tức con bỏ đi. Hễ điện thoại gợi nhớ là con bỏ luôn điện thoại, không nghe nữa”.
|
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) |
Kết quả cuộc thử thách khiến bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy rút ra kết luận: “Cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến với cơn khoái lạc của con người. Cơn khoái lạc đó là một phản xạ có điều kiện nên dễ tái nghiện.
Ký ức hồi tưởng khiến người nghiện rất dễ gợi nhớ đến những hình ảnh, vụ việc liên quan đến việc sử dụng ma túy trước đây: gặp ống chích, kim chích, bạn bè cũ, quán cà phê cũ, nghe nhạc cũ, gặp hoàn cảnh cũ, hay khi nghĩ đến những khoái cảm ngây ngất do sử dụng ma túy. Để chấm dứt cơn nghiện ma túy, phải chấm dứt phản xạ có điều kiện. Việc này không dễ!”.
Phác đồ điều trị ma túy tổng hợp mới có khả thi?
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế ban hành phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp vào tháng 3/2019 (tên đầy đủ là “Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”).
Đến 48-58% người dùng ma túy tổng hợp có triệu chứng trầm cảm, lo âu, một tỷ lệ khá lớn có các dấu hiệu như sợ không gian rộng, loạn thần (có hoang tưởng bị truy hại, ảo thính). |
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về phác đồ trị ngáo đá của Bộ Y tế mới ban hành; bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận định: Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của lãnh đạo ngành y tế. Tuy nhiên, cũng không nên quá kỳ vọng rằng phác đồ này sẽ giúp nhanh chóng cai nghiện ma túy đá.
Bởi lẽ, các loại thuốc và các biện pháp có trong phác đồ của Bộ Y tế không quá xa lạ với các bác sĩ điều trị tại Việt Nam trong thời gian qua. Quan trọng là làm cách nào để chống tái nghiện một cách hiệu quả, câu hỏi này theo bác sĩ Duy, chưa có câu trả lời thích đáng khi tìm trong phác đồ của Bộ Y tế.
|
Một trường hợp bị loạn thần do ma túy đá |
Một bác sĩ có kinh nghiệm trong cai nghiện ma túy phân tích: Thuốc Naltrexone – 1 (một trong 5 loại thuốc theo phác đồ Bộ Y tế) có thể làm giảm lượng ma túy tổng hợp. Nhưng thật ra đây thuốc dành cho cai nghiện ma túy heroin (ma túy truyền thống), không có tác dụng với ma túy tổng hợp (gồm các loại ma túy đá, thuốc lắc…).
Lý do nằm ở cơ chế tác động của ma túy tổng hợp khác với heroin. Khi đưa heroin vào cơ thể, nó sẽ vào một thụ thể ở não, từ đó tác động vào vỏ não. Khi dùng Naltrexone, thuốc sẽ đi vào thụ thể đó và ngăn không cho heroin vào, không thể tác động lên vỏ não, từ đó, không sinh ra cảm giác khoái cảm để gây nghiện.
Trong khi, các loại ma túy tổng hợp đi thẳng vào máu, không đi qua thụ thể ở não nên dùng Naltrexone sẽ không có tác dụng cai nghiện.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng khẳng định trong số 5 loại thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, đa phần chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không có loại nào thật sự đặc trị cai nghiện ma túy tổng hợp.
“Các chất này không được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chuẩn thuận chính thức như là một phương pháp điều trị nghiện ma túy tổng hợp. Đây chỉ là các thuốc điều trị triệu chứng. Ví dụ loại thuốc Mirtazapine và Bupropion là thuốc trị trầm cảm. Trong đó Mirtazapine có tác động gây ngủ dùng trong giai đoạn đầu vì những người sử dụng ma túy tổng hợp thường bị mất ngủ.
Còn thuốc Bupropion có tác động làm tăng lượng dopamine trong não. Trong khi thuốc Naltrexone được dùng để cai ma túy dạng thuốc phiện. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc có thể làm giảm sự thèm muốn sử dụng Methamphetamine nên có thể hữu ích. Tuy nhiên các mẫu nghiên cứu còn nhỏ và thuốc Naltrexone cũng chưa được FDA chấp thuận.
|
Một dụng cụ "đập đá" tự chế bị thu giữ |
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cũng phát hiện loại thuốc D-amphetamine có trong phác đồ điều trị cai nghiện ma túy của Bộ Y tế là chất cấm, sử dụng hạn chế tại Việt Nam, được quy định tại Danh mục 2 – các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, theo quy định của của cơ quan có thẩm quyền (Ban hành kèm Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018).
Số thứ tự 231 của danh mục này hiển thị chất cấm có tên là Dexamphetamine. Chất này còn có các tên gọi khác là Dextroamphetamin, D-amphetamine.
Theo bác sĩ Hiển, nếu nhập khẩu loại thuốc này dùng cho cai nghiện ma túy tổng hợp, nhiều khả năng, tội phạm sẽ lợi dụng để chế tạo ma túy đá (Methamphetamine). Lý do là công thức hóa học của D-amphetamine và ma túy đá rất gần nhau, dễ dàng tổng hợp chỉ sau vài phản ứng bẻ gãy công thức hóa học.
Ông nói rằng: “Trên thực tế, những tiền chất như ephedrin hay phenylpropanolamine mà xã hội đen còn làm ra lắc hay đá được thì với chất D-amphetamine, có khi còn dễ dàng hơn”.
Trong số 5 loại thuốc này, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển nhận định Methylphenidate có thể là lựa chọn khả thi do có tác động giống Amphetamine và hiện được Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng để điều trị hội chứng tăng động-giảm chú ý ở trẻ em (ADHD).
“Thời gian qua, các bác sĩ rất lúng túng vì không có phác đồ điều trị nên khi có được một quy trình là hành lang pháp lý cho việc điều trị ma túy tổng hợp thì rất tốt. Quy trình được soạn thảo khá công phu với sự tham gia của nhiều bộ phận chức năng. Có thể nó chưa hoàn hảo nhưng còn hơn là không có, vì ngay cả thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị, chúng ta sẽ vừa làm vừa bổ sung phác đồ cho hoàn chỉnh”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
|
Hiếu Nguyễn