Phá rào cản đang làm khó lực lượng chống buôn lậu

12/01/2024 - 07:46

PNO - Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng gian, hàng không rõ xuất xứ có chiều hướng gia tăng nên số vụ khiếu nại ngày càng nhiều.

 

Lực lượng quản lý thị trường không ngừng kiểm tra các điểm bán hàng trực tiếp
Lực lượng quản lý thị trường không ngừng kiểm tra các điểm bán hàng trực tiếp

Hầu như ngày nào, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cũng nhận được vài vụ khiếu nại, trong đó khiếu nại nhiều nhất là về việc mua hàng online. 

Có trường hợp mua cùng địa chỉ nhưng lần đầu nhận hàng thật, lần thứ hai nhận phải hàng giả; sản phẩm được quảng cáo là hàng nhập khẩu, có xuất xứ rõ ràng nhưng hàng được giao không có nhãn phụ, không rõ đơn vị phân phối, nhà sản xuất là ai. Có những vụ việc, cả trăm nạn nhân mua cục sạc pin giá rẻ (350.000 đồng/cái) nhưng bên mua chỉ nhận được vỏ cục sạc pin chứ không có ruột. 

Trong trường hợp người mua xác định được tổ chức kinh doanh có hành vi bán hàng kém chất lượng, có hóa đơn, chứng từ kèm theo, hội sẽ liên hệ với tổ chức đó để hỗ trợ giải quyết. Nếu đúng nguyên tắc, khi các tổ chức kinh doanh cung ứng hàng hóa qua sàn thương mại có hành vi bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng thì các sàn phải giải quyết.

Nhưng trên thực tế, các sàn hiếm khi giải quyết mà thường đổ trách nhiệm cho cửa hàng và chỉ giải quyết bằng cách yêu cầu trả hàng. Nhưng quá trình giải quyết rất chậm, bên bán cố tình dây dưa để người mua nản lòng mà bỏ cuộc. Đây chính là lỗ hổng rất lớn, tiếp tay cho các tổ chức kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử có điều kiện bán hàng gian, hàng giả. 

Lực lượng quản lý thị trường không ngừng kiểm tra các điểm bán hàng trực tiếp như cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, nhưng việc kinh doanh hàng giả mạo, hàng không rõ nguồn gốc vẫn không có dấu hiệu giảm là do cách làm của quản lý thị trường chỉ giải quyết “phần ngọn”.

Các vụ việc được phát hiện chỉ là bề nổi, tức là chỉ đến khi hàng hóa đã vào Việt Nam, được người bán trưng bày lên kệ, mới kiểm tra, mà nhân lực để quản lý lại quá mỏng, không thể kiểm soát được thị trường quá rộng lớn. Để công tác chống hàng gian, hàng giả thực sự hiệu quả, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên mà quan trọng nhất vẫn là lực lượng thực thi nhiệm vụ. 

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng số vụ kiểm tra còn quá khiêm tốn. Bằng chứng là cả năm 2023, cả nước chỉ kiểm tra tổng cộng 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỉ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỉ đồng. Để ngăn hàng gian, hàng giả ở lĩnh vực này, cơ quan quản lý không thể kiểm tra từng cửa hàng mà phải đưa ra quy chế bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm được bán qua sàn; nếu để xảy ra khiếu nại thì tùy theo số vụ, số người khiếu nại nhiều hay ít trong 1 năm phạt sàn thương mại điện tử.

Hãy làm như các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới: muốn bán trên sàn, toàn bộ hàng hóa phải có giấy chứng nhận nguồn gốc, có hóa đơn nhập hàng, bán hàng. Để người bán có trách nhiệm, các sàn nên yêu cầu nộp một khoản tiền đảm bảo và dùng số tiền này đền bù nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Theo Luật Bưu chính, các công ty chuyển phát, vận chuyển không có trách nhiệm với nguồn gốc hàng hóa. Nhưng chính các công ty này vô tình giúp sức, tiếp tay cho quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng giả, hàng lậu. Do đó, nên quy thêm trách nhiệm của các đơn vị này.

Cần phải truy đến nơi, tìm đến cùng các tổ chức kinh doanh hàng gian, hàng giả. Không nên dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay mà có thể tăng lên mức truy cứu trách nhiệm hình sự, công khai xử phạt để răn đe, giáo dục. 

Nhưng điều quan trọng nhất để phòng, chống hàng gian, hàng giả hiệu quả là cơ quan chức năng phải kiểm soát được hàng hóa qua biên giới. Để làm được việc này, đòi hỏi phải giải quyết triệt để các “rào cản” về quy định đang làm khó lực lượng chống buôn lậu. Cần ban hành một quy trình nghiệp vụ kiểm tra hoàn chỉnh, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.

 Luật gia Phan Thị Việt Thu 
(Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM)
Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI