Phải làm gì khi cha mẹ bị rối loạn tâm thần?

11/12/2017 - 09:00

PNO - Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM khám từ 600-800 bệnh nhân, trong đó có nhiều người lớn tuổi.

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, trầm cảm ở người lớn tuổi dẫn đến rối loạn tâm thần là vấn đề rất quan trọng, đang có xu hướng gia tăng. Bệnh xuất hiện ở trên 30% số người lớn tuổi, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. 

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện (BV) Tâm Thần TP.HCM khám từ 600-800 bệnh nhân (BN), trong đó có nhiều người lớn tuổi, nhưng thực tế trong cộng đồng, lượng người lớn tuổi rối loạn tâm thần khá nhiều và không được đưa đi khám vì bản thân họ và người thân đều không nghĩ đây là bệnh. 

Phải làm gì khi cha mẹ bị rói loạn tam thàn?
 

Mới đây, Phòng khám Tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng vừa tiếp nhận một bà cụ 61 tuổi, đang trong tình trạng u uất, chán sống. Các bác sĩ (BS) xác định bà bị trầm cảm nặng, thường xuyên có ý định tự tử nên người nhà phải theo dõi chặt và phải điều trị lâu dài. Theo lời người nhà thì: “Đã thấy mẹ tôi buồn bã, trầm uất cách đây 5-6 năm, nhưng chúng tôi tưởng do tâm lý nghỉ hưu nên không để ý”. 

Sáng 30/11, từ khu vực khám bệnh cho đến hiệu thuốc của BV Tâm Thần đông nghẹt BN, đủ các độ tuổi. Một ông cụ ngoài 70 tuổi, trông rất hiền lành, đang ngồi chờ khám, được người nhà cho mặc chiếc áo pyjama có thêu dòng chữ màu đỏ nổi bật: Nguyễn Văn T., 74 tuổi, bị mất trí nhớ, địa chỉ:... Điện thoại: 0908...

Mỗi khi ông cụ dáo dác nhìn quanh rồi dợm đứng dậy là hai người con lập tức giữ tay và ấn vai buộc ông ngồi xuống. Ông hỏi như muốn khóc: “Sao trói tui, tui méc con tui bắt hết mấy người”. Cô con gái nói như phân bua: “Ông lớn tuổi nên bị lãng thôi”. Vào khám bệnh, cô con gái khai với BS: “Ba em bị lãng, lúc quên lúc nhớ”.

Thế nhưng, BS kết luận: “Ông cụ bị mất trí nhớ nặng, không phải bị lãng. Mới 74 tuổi ông đã không nhớ tên con cái, không nhận biết mặt con và đi lạc hoài, sao đến giờ người nhà mới đưa đi khám? Lẽ ra, khi thấy cha mẹ có dấu hiệu quên nhớ thất thường các anh chị phải đưa đi khám ngay. Để bệnh phát đến 3-4 năm nên giờ đã quá nặng. Giờ thì có bao nhiêu tiền, có BS giỏi cỡ nào cũng chào thua”. 

Phải làm gì khi cha mẹ bị rói loạn tam thàn?
Khi phát hiện bệnh nhân tâm thần, người nhà đưa ngay đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM điều trị. Ảnh: Phạm An.

BS chẩn đoán, ông bị sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, cho thuốc uống để giúp cải thiện triệu chứng. Cô con gái rơm rớm kể: “Bốn năm trước ba tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ba tôi vốn là giám đốc một công ty, khi về hưu vẫn được mời làm cố vấn vì có nhiều kinh nghiệm.

Đến năm 70 tuổi, muốn ba được nghỉ ngơi nên tụi tôi không cho ba làm nữa, đưa ông về trang trại ở huyện Củ Chi để nghỉ dưỡng. Gia đình thuê một người giúp việc lo cơm nước, giặt giũ cho ông. Cuối tuần tụi tôi về thăm, cũng thấy ba buồn, ít nói, nhưng nghĩ ba đi làm đã quen, mới nghỉ nên buồn. Rồi đêm đêm ông cứ đi lòng vòng không ngủ, tôi lại nghĩ người già khó ngủ là bình thường.

Một năm sau thì ba tôi đi lạc đến hơn nửa ngày mới dần nhớ được đường để tự về. Sau đó, ông đi lạc luôn mấy ngày nên gia đình dặn chị giúp việc đóng cửa không cho ông ra ngoài. Vậy mà chẳng hiểu sao ông cũng lẻn được ra ngoài, đi mất biệt cả tuần, gia đình phải báo công an và cuối cùng tìm thấy ông đang lang thang tận... Vũng Tàu. Mới đây ông lại đi lạc nữa, nên gia đình phải thêu tên lên áo và đưa đi khám bệnh. Ai cũng nghĩ tại ba tôi già nên bị lãng, đâu biết đó là bệnh tâm thần, có thể chữa được”. 

“Con cái thường có cách nghĩ sai lầm là người lớn tuổi thì sẽ lẩm cẩm, quên nhớ thất thường, thậm chí hoang tưởng” - BS Lâm Hiếu Minh, khoa Tâm thần, BV Đại học Y Dược, khuyến cáo. Ông giải thích: “Rối loạn tâm lý, tâm thần ở người già là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng mức.

Đa phần người lớn tuổi đến BV khám về sức khỏe tâm thần là những người đã bệnh nặng; thậm chí có người không còn kiểm soát được hành vi, không còn khả năng tự chăm sóc. Đúng ra, khi mới phát hiện cha mẹ, người thân có dấu hiệu trầm buồn, quên nhớ thất thường, hay than vãn, mất ngủ, đòi chết… thì gia đình phải đưa đến khám chuyên khoa tâm thần ngay.

Phải làm gì khi cha mẹ bị rói loạn tam thàn?
Một bệnh nhân đang tái khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: Phạm An.

Lúc đó, việc chữa trị khá hiệu quả và BN vẫn có được chất lượng sống tốt. Nhiều trường hợp gia đình đưa đi khám quá muộn, bệnh tình đã quá nặng, đành phải gửi BN vào các viện dưỡng lão một cách đáng tiếc. Khi đó, không chỉ BN bị mất chất lượng cuộc sống mà chi phí điều trị cũng rất tốn kém”. 

Người bị rối loạn tâm thần cần được điều trị, chăm sóc toàn diện: điều trị bằng thuốc kết hợp tư vấn tâm lý, tình cảm và chính sách an sinh xã hội. Con cái cần gần gũi cha mẹ, quan tâm, lắng nghe và chia sẻ bằng cách nói chuyện mỗi ngày.

 Những bệnh rối loạn tâm thần thường gặp ở người lớn tuổi

Trầm cảm: Người lớn tuổi rất dễ bị trầm cảm, nhất là ở tuổi chớm già (sau 60 tuổi). Đây là tuổi con người thay đổi rất nhiều về sinh lý do cơ thể lão hóa và thay đổi tâm lý do nghỉ hưu, thấy mình không còn giá trị, tài chính bấp bênh; cộng với việc con cái bắt đầu lập gia đình,  sống riêng nên dễ bị hụt hẫng, sốc và dễ trầm cảm. 

Dấu hiệu sớm của trầm cảm ở người lớn tuổi: thay đổi khí chất: trầm trầm, buồn buồn, có rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém và đặc biệt là hay than vãn. Các dấu hiệu nặng bao gồm: trầm buồn, mất hứng thú, suy nghĩ tiêu cực, chán ăn, mất ngủ nặng. Nếu không điều trị sớm, trầm cảm lâu ngày có thể khiến người bệnh muốn tự tử. 

Rối loạn nghi bệnh: đây cũng là dạng hoang tưởng có đặc trưng là BN luôn nghĩ mình đang mắc một bệnh nào đó mà BS không tìm ra, không chữa được. 
Triệu chứng sớm của bệnh: hay than thở trong người có đủ thứ bệnh, đòi đi khám khắp nơi nhưng không tin BS, từ chối chẩn đoán và thường xuyên lo lắng. 

Rối loạn tâm thần: BN luôn có suy nghĩ: con cái hay có ai đó muốn hại mình, ăn cắp tiền của mình, chồng/vợ ngoại tình… 

Dấu hiệu sớm của bệnh: thay đổi tính tình một cách kỳ lạ: có hành vi khác thường, dễ bị kích động, ghen tuông vô cớ...  Những trường hợp bệnh nặng, BN có thể tự gây tổn thương cho bản thân hoặc làm tổn thương người khác.

Sa sút trí tuệ: Trong đó, Azheimer là bệnh điển hình. Khi bị sa sút trí tuệ, BN bị mất chất lượng cuộc sống, không tự chăm sóc được bản thân và có thể tử vong sớm do di chuyển chậm chạp, té ngã, đi lạc không nhớ đường về… 

Dấu hiệu sớm: thay đổi tính tình trở nên giống trẻ con, hay đòi hỏi, nhõng nhẽo và hay quên. Khi bệnh nặng sẽ không nhớ cả con cái, 
chồng/vợ. 

Rối loạn giấc ngủ: người trên 65 tuổi có giấc ngủ đủ là từ 6-8g/đêm. Nếu có biểu hiện ngủ dưới 6g/đêm, cần phải đến BS để kiểm tra. Có những trường hợp, người lớn tuổi chỉ ngủ 4-5g/đêm nhưng sức khỏe vẫn bình thường. Khi mới ngủ ít, não vẫn cố gắng thích nghi, đến một giai đoạn nào đó não không còn có thể thích nghi được nữa mới dẫn đến sức khỏe suy giảm, gây ra bệnh. 

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI