Phá hủy “mối thâm tình” giữa con người với thiên nhiên là phá hủy tất cả

23/03/2021 - 13:25

PNO - "Người trồng rừng'' là câu chuyện đẹp như cổ tích về ông lão chăn cừu Elzéard Bouffier ở vùng cao nguyên Provence nước Pháp.

“Muốn thấy được cá tính vĩ đại của một người, ta phải có cơ hội quan sát hành động của họ trong nhiều năm tháng. Nếu người đó hành động vị tha và cao cả, đem lại lợi ích lớn lao rõ ràng, mà không cần đến sự đền đáp nào, một con người như vậy, ta khó có thể quên” - nhà văn Pháp Jean Giono dành lời mở đầu như vậy cho tác phẩm Người trồng rừng (Chân Quy Nghiêm chuyển ngữ, Phương Nam Books và nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành).

Đây là cuốn sách được thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên đọc. Thiền sư cũng chính là người đã trao bản tiếng Pháp L’homme qui plantait des arbres (xuất bản lần đầu vào năm 1953) cho dịch giả chuyển ngữ. 

Người trồng rừng là câu chuyện đẹp như cổ tích về ông lão chăn cừu Elzéard Bouffier ở vùng cao nguyên Provence nước Pháp. Tác phẩm được viết từ hơn nửa thế kỷ trước mà đến giờ vẫn vẹn nguyên giá trị, truyền tải thông điệp về bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên.

Ông Bouffier đã hồi sinh vùng đất chết bằng việc trồng từng cái cây xuống vùng đất khô cằn, hoang vắng. Qua 10 năm, 20 năm, người ta thấy cả một cánh rừng xinh đẹp với sồi, dẻ gai, bạch dương… trên vùng núi Alps. Chim chóc, ong bướm cũng theo đó bay về. “Khi các dòng suối bắt đầu có nước trở lại, người ta thấy đồng cỏ, vườn tược cũng bắt đầu xuất hiện, cùng nhiều loại hoa, những cây liễu, cây bấc mà gió mang hạt tới"...

Truyện của Jean Giono rất ngắn nhưng bối cảnh truyện trải qua những mốc thời gian kéo dài hàng chục năm, qua cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Chỉ có người trồng rừng là lặng lẽ, cần mẫn trồng từng cái cây. Câu chuyện mang vẻ đẹp của sự minh triết và cứu rỗi. Ngay cả chiến tranh và đau thương của nhân loại kéo dài cả một thế kỷ ấy vẫn không thể khiến cho những cái cây thôi đâm chồi, nảy lộc. Con người có thể hủy diệt tất cả mà con người cũng có thể tái tạo tất cả 

Người trồng rừng xuất hiện lần đầu trên tờ tuần san Vogue của Mỹ, với tiêu đề Người gieo trồng hy vọng và hạnh phúc. Đến nay, tác phẩm đã được chuyển ngữ ra nhiều ngôn ngữ, tác động và tạo ra phong trào trồng rừng ở nhiều nơi trên thế giới. Người trồng rừng cũng được chuyển thể thành phim và đoạt giải Cành cọ vàng ở hạng mục dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes 1987, giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc năm 1988 

Tác phẩm truyền tải thông điệp lay động về sự gắn kết, mối liên hệ giữa tự nhiên và con người. Sự sống có mặt là nhờ sự kết hợp chặt chẽ từ vũ trụ và muôn người, muôn loài. Phá hủy mối thâm tình đó là phá hủy tất cả. Bản tiếng Việt được in kèm với những bức tranh minh họa đẹp, giàu cảm xúc của họa sĩ Trần Quốc Anh góp phần để lại trong lòng người đọc những cảm nhận thật bình yên.

Đó là khoảnh khắc ông Bouffier khoan thai ngồi đếm những hạt sồi, chọn hạt tốt và loại bỏ những hạt bị nứt trong ngôi nhà không có gì quý giá ngoài những hạt giống; cách ông tĩnh tại khoét đất gieo hạt từng quãng, từng quãng một và rồi diện tích trồng trọt kéo dài lên hàng chục cây số hay lúc ông ngồi nghỉ ngơi thong dong với bầy cừu trắng, thảnh thơi đi giữa miền rừng xanh thẳm…

Tác phẩm hư cấu, với hình mẫu nhân vật lý tưởng trong bối cảnh nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX, lại thấy có sự cộng hưởng tương đồng với những “Elzéard Bouffier” của thời hiện đại. Những dự án trồng rừng, những lựa chọn sống xanh, nhiều cá nhân/tổ chức cất tiếng nói bảo vệ môi trường, tái tạo và gìn giữ rừng xanh. Cho dù thế kỷ trước hay thế kỷ này, “mối thâm tình” giữa con người - thiên nhiên - vũ trụ, những giá trị đích thực của sự sống, triết lý về vạn vật vẫn không thay đổi. 

Người trồng rừng như một bài ca bất tật về thiên nhiên, về sự hồi sinh, hy vọng. Trên tất cả, đó là một câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng.

Lục Diệp

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI