Nếu cà phê trong quán mang đến sự sảng khoái khác của cuộc hội nhập đầu ngày thì cà phê pha tại nhà như đánh dấu sự khởi đầu một ngày ở nơi trú ẩn bình yên mình đã tạo dựng được. Có thể đó là một buổi sáng mùa hè, dậy sớm, bắc ấm nước lên bếp, tráng sơ qua mớ ly tách lấy ra từ trong tủ. Trong khi đợi nước sôi, bày ra cái ấm đất nung tráng men lớn, xúc bột cà phê vào vợt, đặt vợt vào miệng ấm, đợi nước sôi chế vào. Có thể là một buổi sớm cuối năm trời lạnh, hương thơm cà phê cứ lẩn khuất trong không gian nhỏ, giữa tiếng “xạch!” của người đưa báo quăng vào nhà tờ tạp chí đặt mua và tiếng gà gáy lần thứ hai hay thứ ba.
***
Kể từ khi bắt đầu pha cà phê mỗi sáng, tôi tìm thấy niềm vui riêng khó có thể chia sẻ cho đủ. Trong khi đợi nước sôi, tôi xúc cà phê vào phin, bày sẵn hũ đường và 2 cái muỗng. Đợi cà phê ngấm, tôi bày đồ ăn sáng mà vợ đã mua sẵn ra bàn. Có lúc chúng tôi cùng ăn và cùng thưởng thức cà phê. Hôm nào vợ cần ngủ thêm một chút, một mình tôi nhấm nháp ly cà phê moka không đường, thoải mái xem tiếp bộ phim hôm qua. Đó là sự bình yên và tĩnh tâm hiếm có đến độ tôi chỉ xem quán cà phê là nơi tiếp khách, nhà mới thực sự là nơi thưởng thức loại thức uống trứ danh này.
|
Tranh: Phạm Công Tâm |
Nhiều bạn bè tôi lứa tuổi trên dưới 60 sinh ra ở thành phố này ngỡ ngàng nhận ra chúng tôi cùng có điểm tương đồng - đều có một người cha dậy sớm nhất nhà để nấu nước pha cà phê lúc gà mới gáy sáng, khi vợ con còn đang ngủ. Lúc đó, tiếng reo khi ấm nước vừa sôi, tiếng lách cách sắp ly tách và phin, mùi thơm cà phê sẽ lần lượt đánh thức từng người. Đó là âm thanh và mùi hương của sự bình an. Hầu như những người cha ấy đã qua tuổi tung hoành, không còn “cưỡi ngựa bắn cung” nữa mà đã lui về, như ở tuổi chúng tôi bây giờ. Họ đã có một thời quán xá và bây giờ, cái bàn gỗ trong bếp hay bộ salon phòng khách đủ tạo cảm giác họ cần. Khi ở nhà, họ vẫn có thể uống ly cà phê ngon với giá vừa phải nếu mua cà phê rang xay ở J. Martin đường Hai Bà Trưng hay tại một tiệm bán cà phê mang về ở khu chợ Cũ, trong Chợ Lớn hay khu Đa Kao, Bà Chiểu.
***
Hẳn các con của nghệ sĩ Năm Châu còn nhớ trong căn nhà hẻm ở cư xá Chu Mạnh Trinh, khi hàng xóm còn yên giấc buổi sáng, ông thường dậy nấu ấm nước to, bày ra cả chục ly và phin để pha cho mình, vợ và các con mỗi người 1 ly. Lúc đó, ông đã lùi khỏi sân khấu, thỉnh thoảng lồng tiếng phim Ấn Độ và đóng vài vở kịch.
Không phải ai khác, chính người cha hay có khi là người mẹ đã đưa các con đến thức uống này từ khi con còn trẻ thơ. Nhà văn Nguyễn Thụy Long viết về mẹ khi bà còn sống ở ấp Đông Ba, Phú Nhuận đọc lên thấy cảm động và gần gũi: “Đã mười mấy năm nay, mỗi buổi sáng tôi không còn nghe tiếng dép quen thuộc của mẹ nữa ở phòng bên cạnh. Cụ dậy thật sớm, quét tước nhà cửa rồi pha lấy một ấm trà, một ly cà phê, cụ ngồi nhâm nhi chờ trời sáng hẳn… Nằm ở phòng bên này nhà, mái tôn chung, chỉ ngăn cách bằng một bức tường lửng và tấm cửa gỗ mỏng, tôi tưởng tượng ra được đủ thứ, từng công việc của mẹ. Nào là lúc cụ pha trà vào cái bình trà nhỏ xíu có hình tiên ông, ly cà phê cụ pha vào cái phin bằng đồng của tôi được người ta tặng hồi làm báo, mà cụ giữ rất lâu, mấy chục năm trời… Cái phin này cụ giữ mới còn, nếu vào tay tôi hồi đó thì đã ra chợ trời lâu rồi…”.
|
Pha cà phê để uống tại nhà có vẻ là kiểu cách uống cà phê đáng để viết một bài |
Từ khi có gia đình, tôi không dùng phin nhôm để pha cà phê nữa. Nó chỉ có thể pha được 1 tách. Tôi đến một cửa hàng bán đồ Nhật và mua bình pha cà phê French Press. Nó có cấu tạo đơn giản, là cái ly thủy tinh cao hình trụ với đường kính nhỏ. Bên trong bình là một piston được quấn lò xo thép nối với nắp bình, vừa khít thân bình giống như một ống chích bơm thuốc. Bộ lưới lọc thép cuối piston có các mắt nhỏ li ti để lọc cà phê. Có bình này, khi mua cà phê ở Phúc Long, tôi chọn hạt moka và yêu cầu xay hơi thô. Sau khi bỏ 2 muỗng cà phê vào bình, tôi đổ nước sôi vào và ngâm trong 4 phút. Sau đó, tôi ấn piston để cà phê được nén và ép bã xuống đáy ly. Loại bình này cho ra 2 tách cà phê thơm ngon cho vợ chồng tôi. Rất đơn giản.
***
Theo một người quen, anh Hoàng Anh Tuấn đang sống bên Úc, trước năm 1975, gia đình anh giữ thói quen hồi còn ngoài Bắc trước khi di cư năm 1954 là uống trà Tàu, trà mạn sen, trà hoa nhài… không có trà xanh hay nụ vối. Tuy vậy, sáng sáng vẫn thấy người lớn trong nhà uống cà phê phin. Cà phê do mẹ anh mua là cà phê hột chưa xay từ Buôn Ma Thuột, uống đến đâu xay đến đó bằng cái cối xay tay của Pháp. Trong gia đình anh, hầu như ai cũng uống cà phê, từ bố mẹ đến các anh chị. Còn trong cộng đồng người Bắc với nhau, cà phê là quà tặng từ người quen trên miền cao nguyên về thăm. Ngày tết chỉ tặng nhau bánh chưng, mứt, rượu, trái cây, gà, hoa, cây kiểng, thủy tiên… để cúng và ăn chơi chứ không có cà phê trong các thứ quà tết như sau này.
Anh Tuấn nhớ, ban đầu, khi tập tành uống cà phê là lúc xuống bếp nhà, tự châm thêm nước sôi vào phin của ông anh vừa uống xong, nước sái lạt nhách mà vẫn phải tương thêm muỗng sữa đặc cho át cái đắng. Bố anh từng nói, trong một lần đưa con đi ăn sáng ở quán bánh mì Hà Nội trên đường Nguyễn Thiện Thuật: “Hầu hết các món bố nghiện, những thú vui trần thế, như cà phê, thuốc lá, rượu bia… đều cay đắng, con ạ”. Không biết vô tình hay cố ý, ông không kể luôn cái món ái tình đam mê chết người!
Cà phê uống ở nhà có thể là để tiện thưởng thức khi ăn sáng ở nhà, có thể để tiết kiệm vì uống ngoài quán luôn tốn kém hơn, để tranh thủ thời gian và cũng để kiểm soát được chất lượng ly cà phê do mình tự pha… Nhưng đến lúc nào đó, khi nhìn lại, nó biến thành một thứ kỷ niệm khi còn sống dưới mái gia đình với cha mẹ đã khuất hoặc khi các con còn nhỏ. Ai có loại kỷ niệm này khi nhắc lại đều trân quý vì nó đẹp và không quay lại lần nữa.
Phạm Công Luận