Phá bỏ định kiến 'phụ nữ phải biết hy sinh'

25/11/2018 - 06:00

PNO - Đàn bà phải giỏi quán xuyến việc nhà, là người vợ và người mẹ đầy trách nhiệm. Niềm tin ấy vô tình cản đường những phụ nữ khao khát ước mơ được sống cuộc đời mình một cách khác biệt.

Pha bo dinh kien 'phu nu phai biet hy sinh'

Thavry Thon giờ là nhà hoạt động giới nổi bật ở Campuchia

Phụ nữ Campuchia có một niềm tin ăn sâu vào tâm trí của họ, lớn đến mức hiếm ai dám dũng cảm đeo đuổi mơ ước của chính mình vì họ không sẵn sàng đối diện với vô vàn áp lực xung quanh. 

Thavry Thon (28 tuổi) sống trong cộng đồng nhỏ ở đảo Koh Ksach Tunlea, cách Phnom Penh khoảng 40km. Như bao bạn bè đồng trang lứa, Thon quá quen thuộc với triết lý phụ nữ phải tần tảo, nỗ lực hy sinh thì gia đình mới ấm êm, hạnh phúc. Chương trình giáo dục của Campuchia còn có hẳn “Bộ quy tắc của nữ giới” (còn có tên là Chbab Srey, được viết vào thế kỷ XIX) quy định nữ giới phải ngoan hiền, lễ phép, có nhiệm vụ mang lại hạnh phúc cho chồng, giữ gia đình hòa thuận. Năm 2007, Bộ Công tác phụ nữ Campuchia yêu cầu hủy bỏ Chbab Srey ra khỏi nội dung bài giảng nhưng đến nay, bộ quy tắc trên vẫn còn trong nội dung giảng dạy học sinh lớp Bảy và lớp Chín. 

“Không được đi quá nhanh, không được cười to, không tỏ ra quá hào hứng vì như thế mọi người sẽ cho rằng bạn đang gây sự chú ý từ một chàng trai. Đã là vợ thì hãy luôn nhớ phục tùng và làm cho anh ta cảm thấy thoải mái. Hãy tôn kính chồng dù anh ấy làm bất cứ điều gì. Hãy yên phận và đừng mơ ước đi xa đâu cả”… Những nội dung xuất hiện trong Chbab Srey xây dựng vô số niềm tin phi lý mà bất cứ người phụ nữ nào ở Campuchia một khi muốn “bứt phá” cũng phải đối diện. 

Tuy nhiên, gia đình của Thon là một trong những gia đình khởi đầu xu hướng phá vỡ quan điểm lạc hậu ấy. Từ năm 6 tuổi, Thon đã thoải mái bộc lộ ước mơ muốn trở thành tác giả, làm họa sĩ. Bố mẹ của Thon luôn tạo mọi điều kiện cho con gái vun đắp niềm đam mê nhưng họ hàng, làng xóm thì không.

Họ bán gia súc, bán cả vàng để lo cho các con ăn học. Mọi người thì chế giễu, cho rằng ước mơ của Thon thật hoang đường. Họ không tin rằng một trẻ em gái học lên cao là điều có ích. Họ chỉ thấy mục tiêu trước mắt và mang lợi ích ngay lập tức là nghỉ học sớm, vào làm ở xưởng may, kiếm mỗi tháng khoảng 100 USD là đủ. Dù chịu áp lực từ ông bà của Thon nhưng bố mẹ cô vẫn nỗ lực cho con gái đến trường, càng lâu càng tốt. 

Pha bo dinh kien 'phu nu phai biet hy sinh'

Vannary San đang quản lý thương hiệu thời trang “Lotus Silk”

Năm 2007, Thon chuyển đến Phnom Penh, tiếp tục con đường học vấn. Thon chọn học ngành công nghệ máy tính và là nữ sinh duy nhất trong lớp. Ngành máy tính chẳng hề khô khan mà cho Thon cơ hội tiếp cận tri thức của thời đại, đạt được những thành công trong nghề nghiệp.

Nhưng ước mơ trở thành tác giả vẫn còn đó. Thon bắt đầu viết và chia sẻ, không ngờ nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Năm 2017, cô phát hành tiểu thuyết thứ tư mang tên Người đàn bà đúng đắn, chia sẻ về hành trình đấu tranh để được làm chủ cuộc đời mình qua góc nhìn ba thế hệ: ông bà, bố mẹ và từ chính cô. Giờ đây, Thon là một trong những nhà hoạt động về giới nổi tiếng ở Campuchia. 

Vannary San (38 tuổi) rời vùng quê Kampong Chhnang để đến Phnom Penh lập nghiệp 11 năm trước. Cô phải mất sáu tháng thuyết phục bố mẹ cho mình rời đi và bố mẹ cô chấp nhận hứng chịu mọi lời đồn thổi của dư luận để con gái chạm đến mơ ước đời mình. San đã thành công, vượt qua mọi vất vả, trở ngại, vừa học, vừa làm, vừa nuôi con và thành lập thương hiệu thời trang “Lotus Silk”, doanh nghiệp xã hội tạo việc làm cho hàng trăm con người.

Nỗ lực không ngừng của San giúp cô nhận được danh hiệu "Doanh nhân nữ sáng tạo đến từ vùng nông thôn và châu Á”. San chia sẻ: “Bố mẹ giờ đây có thể tự hào với mọi người xung quanh rằng họ đã lựa chọn sáng suốt để có tôi ngày hôm nay. Tôi mong câu chuyện của mình có thể tạo niềm cảm hứng cho bất cứ phụ nữ nào đang muốn thoát khỏi những định kiến lạc hậu”. 

(theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI