Một hội thảo du học Úc đã được Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc (SVAU) và Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM tổ chức tại TPHCM vào cuối tháng 1 vừa qua với sự có mặt 20 trường đại học (ĐH) hàng đầu của nước này. Ngoài phụ huynh tham dự trực tiếp, cũng có hơn 400 phụ huynh, học sinh tham dự trực tuyến để tìm hiểu thông tin du học. Hội thảo ngay đầu năm cho thấy tín hiệu lạc quan của thị trường du học sau đại dịch.
Các nước mở cửa đón du học sinh
Mặc dù mở cửa biên giới khá muộn nhưng Úc là nước có lộ trình rõ ràng cho du học sinh trở lại học tập. Du học sinh vẫn tuân thủ những quy định trong bối cảnh dịch bệnh nhưng không phải cách ly nếu đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Ngày 15/2, Bộ Giáo dục, Kỹ năng và Việc làm Úc cũng cho biết, du học sinh tiêm đủ mũi vắc-xin cũng không phải xin phép miễn đi lại. Đã có một số đợt du học sinh đến nước này và dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm rất nhiều sinh viên quốc tế đến Úc.
Một điểm đến ưa chuộng của du học sinh Việt Nam là New Zealand cũng vừa thông báo lộ trình năm bước mở cửa lại biên giới kể từ ngày 27/2. Du học sinh có thể đến nước này học tập bình thường từ ngày 12/4 tới. Từ 23g59 ngày 12/4, chính phủ nước này mở cửa biên giới theo diện ngoại lệ lần thứ tư cho phép 5.000 du học sinh đến New Zealand học. Người đang có thị thực tạm thời còn hiệu lực như học sinh, sinh viên và đáp ứng đủ các điều kiện thị thực cũng được quay trở lại New Zealand trong đợt này.
|
Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về du học Úc trong hội thảo du học Úc - Ảnh: An Thư |
Đến tháng 10/2022, New Zealand mở cửa biên giới hoàn toàn cho phép nhập cảnh đối với công dân từ mọi nơi trên thế giới. Khi đó, tất cả các loại thị thực sẽ mở lại hoàn toàn. Quy trình xét duyệt thị thực cũng sẽ trở lại bình thường. Theo ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc điều hành ENZ (Cơ quan giáo dục New Zealand), việc mở lại biên giới cho phép lĩnh vực giáo dục quốc tế mở dần trong năm 2022. Chính phủ New Zealand đã thể hiện cam kết đối với du học sinh và các tổ chức giáo dục khi khôi phục việc xử lý thị thực như bình thường kể từ tháng 10/2022. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế có kế hoạch đến New Zealand du học từ năm 2023.
Hay như Cơ quan Y tế công cộng Canada hôm 15/2 thông báo trên trang web của chính phủ cho biết, dữ liệu gần đây chỉ ra rằng làn sóng biến thể Omicron đã qua thời kỳ đỉnh cao ở Canada. Vì vậy, chính phủ đã công bố một loạt điều chỉnh đối với các biện pháp biên giới hiện tại, khởi đầu việc nới lỏng theo từng giai đoạn. Từ ngày 28/2, Canada sẽ nới lỏng việc kiểm tra đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ từ bất kỳ quốc gia nào. Điều này có nghĩa du học sinh cũng sẽ thoải mái đến đây học tập mà không phải cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Cũng từ ngày 28/2, các chuyến bay quốc tế chở hành khách sẽ được phép hạ cánh tại tất cả sân bay của Canada được Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada chỉ định. Kèm theo thông báo của Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại tất cả chuyến bay thương mại quốc tế, du học sinh sẽ dễ dàng đến Canada học tập.
Riêng với Mỹ, du học sinh đã được chào đón từ rất sớm, thậm chí ngay cả trong làn sóng Omicron. Với việc mở lại các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam, số lượng du học sinh chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp tại Mỹ sẽ tăng lên đáng kể.
Giảm học phí, cấp học bổng vực dậy thị trường du học
Việc “đóng băng” thị trường du học do dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty tư vấn du học gặp rất nhiều khó khăn. Ghi nhận trong thời điểm này, các công ty bắt đầu phục hồi lại các hoạt động với số lượng người quan tâm tăng lên nhanh chóng. Theo ông Bung Trần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn du học NEEC, công ty nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phụ huynh, học sinh để tìm hiểu về du học, do COVID-19 không còn ảnh hưởng nặng nề như trước đây. Hơn nữa, hiện đang là thời điểm chuẩn bị cho học kỳ mới và những học sinh có nhu cầu du học sẽ nộp đơn cho học kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, theo ông, thời điểm này có một điều rất đặc biệt. Đó là Trung Quốc vẫn đang kiểm soát khá gắt gao dịch COVID-19 trong nước, nhiều học sinh muốn du học không thể ra nước ngoài học trực tiếp. Thị trường du học nước này “đóng băng” khiến các nước như Mỹ, Úc, Canada… bị ảnh hưởng đáng kể. Lý do là mỗi năm, Trung Quốc cung cấp số lượng du học sinh hàng đầu cho các nước trên. Sự thiếu hụt này dẫn đến việc các trường ĐH liên tục đưa ra các chính sách để thu hút du học sinh các nước khác, trong đó Việt Nam là một trong các nước được ưu ái nhất.
“Hiện nay, các trường ĐH của Mỹ liên tục giảm học phí cho du học sinh. Các trường đối tác của công ty liên tục đưa ra mức học phí theo xu hướng giảm để có thể thu hút nhiều du học sinh trở lại học trực tiếp. Đây là xu hướng rất có lợi để du học sinh Việt Nam đến Mỹ học tập trong học kỳ sắp tới”, ông Bung Trần chia sẻ.
Các trường ĐH của Úc cũng cấp rất nhiều học bổng cho học kỳ tới để đón đầu việc Úc mở cửa biên giới đón du học sinh. Cụ thể, ĐH Quốc gia Úc sẽ duy trì mức học bổng 25 - 50% học phí trong năm 2022. ĐH Canberra sẽ có các mức học bổng 10, 20, 25% cho sinh viên quốc tế. Trong đợt nhập học tiếp theo trong năm 2022, mỗi sinh viên quốc tế sẽ được trường hỗ trợ 1.500 AUD cho các chi phí như vé máy bay hoặc chỗ ở nếu cần xét nghiệm hay cách ly khi đến Úc.
ĐH Curtin sẽ áp dụng mức học bổng 25% học phí cho năm đầu tiên. Riêng những sinh viên Việt Nam theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu có thể nhận học bổng 25% học phí suốt ba năm học. Còn ĐH Melbourne cấp học bổng không phân biệt hình thức theo học của sinh viên là trực tiếp hay trực tuyến với những học bổng giá trị cao, lên tới 50% (điểm GPA 9,7 - 9,8/10) hoặc 100% (điểm GPA 9,9/10).
Chính phủ Úc cũng vừa đưa ra chính sách mới hướng đến việc thu hút thêm du học sinh. Cụ thể, do thiếu hụt lực lượng lao động nên nước này tạm thời nới lỏng quy định giới hạn giờ làm việc của du học sinh. Khi khóa học chưa diễn ra, du học sinh được phép làm việc hơn 40 giờ/hai tuần, tức không bị giới hạn thời gian như trước đây. Trong lúc khóa học đang diễn ra, sinh viên quốc tế chỉ được phép làm thêm tối đa 40 giờ/hai tuần (hay 20 giờ/tuần)…
An Thư