Trúc, người bạn thân nhất của tôi, có học vấn tốt, tính tình dịu dàng và có một gia đình tương đối ấm áp. Trúc kết hôn sáu năm chưa có con. Nhiều lần cô ấy ấm ức than thở với tôi về sự vô tâm của chồng và gia đình anh ấy.
Thời điểm đó, hai vợ chồng Trúc là công chức nhà nước. Chồng Trúc chê công việc của vợ lương quá thấp khiến Trúc phải làm thêm hai việc khác. Ông chồng hay mỉa mai vợ: “Thạc sĩ mà thu nhập không bằng bà bán bún bò”.
Trúc nghỉ việc nhà nước, ở nhà kinh doanh với sự hỗ trợ về mặt bằng của gia đình cô ấy. Thu nhập khá hơn nhưng lại không làm cô vui vẻ, hạnh phúc hơn. Trúc vẫn hững hờ với cuộc sống, vẫn là những chuỗi ngày cô chẳng biết chồng đang vui vẻ với anh em ở tận đâu.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Sau sáu năm kết hôn, Trúc quyết định hành trình thụ thai nhân tạo tìm con để vợ chồng gắn bó hơn. Trúc đã cố gắng rất nhiều, nghe Trúc kể về sự đau đớn mỗi lần lấy trứng, tôi thương và nể Trúc.
Một người bình thường sinh một đứa con đã vất vả, Trúc phải chịu đựng gấp đôi, thai kỳ của Trúc cũng khó khăn, cô không thể đi lại nhiều mà thường ngồi một chỗ nên sức khỏe giảm, cân nặng thì tăng. Trúc thường hớn hở khoe với tôi, chồng cô ấy yêu con lắm, sau khi sinh xong chắc cô ấy sẽ bị ra rìa. Trúc nói vậy nhưng ánh mắt cô lấp lánh hạnh phúc.
Ngày bé My ra đời, là ngày hạnh phúc nhất của Trúc, cô ấy vụng về ôm con cho bú, nói chuyện với con, vừa chợp mắt nghe con ọ ẹ, cô ngồi dậy bế con. Thế nhưng, bé My vẫn không thay đổi được sự vô tâm của chồng Trúc. Giữa vợ chồng cô luôn có một khoảng cách khó hiểu và khó xóa bỏ.
Vợ chồng Trúc hiếm khi to tiếng cãi nhau, hầu như lúc nào cũng nhỏ nhẹ khách sáo, cũng không quá thân mật với nhau và người này không thể hiểu người kia nghĩ gì. Tôi vẫn đùa Trúc rằng vợ chồng cô ấy là gia đình trí thức kiểu mẫu, Trúc cười buồn, cô ấy luôn cảm thấy cô đơn trong gia đình của chính mình, thậm chí Trúc còn thấy bản thân giống một người mẹ đơn thân nuôi con.
Trong một lần tâm sự, nghe giọng điệu buồn tênh của Trúc, tôi chợt nảy ra một ý định và hỏi cô ấy: “Bạn có muốn tôi nói chuyện với ông ấy một chút không?”.
Trúc nhẹ giọng: “Liệu có ích gì không?”.
Tôi nhắn tin cho chồng Trúc theo nội dung tôi đã bàn với Trúc, đại loại chỉ là hỏi thăm bé My có ngoan không? Và kể với anh là Trúc có đề nghị tôi giúp cô ấy tìm việc, nhưng Trúc lo bé con còn nhỏ quá làm sao Trúc đi làm…
Chồng Trúc chỉ đáp trả khách sáo và cảm ơn tôi đã nói cho anh biết điều đó. Nhưng hai ngày sau, Trúc khoe với tôi, thấy bố My đi làm về sớm hơn, chơi với con nhiều hơn. Sau này, thỉnh thoảng, Trúc còn hớn hở khoe với tôi “hai mẹ con đang đi chơi với ba nè!”.
Bé My bốn tuổi, Trúc muốn trở lại làm việc, cô mong chỉ cần tìm một công việc hành chính đơn giản, hằng ngày làm việc tám tiếng rồi về nhà chăm sóc chồng con. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong đợi. Trúc gặp khó khăn khi tìm việc vì bằng cấp của cô không phù hợp, và tuổi thì không còn đủ cạnh tranh với những cô gái trẻ (đa số các công ty muốn tuyển nhân viên văn phòng còn trẻ, yêu cầu hình thức chứ không yêu cầu bằng cấp quá cao nữa).
Dịch bệnh đến làm cho mong mỏi trở lại làm việc của Trúc ngày một xa hơn. Khi bé My đi mẫu giáo thì mắc nhiều bệnh, và chồng Trúc lo con không an toàn trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Trúc thở dài, cô lại ở nhà, như thể đang bị mắc kẹt trong một khúc quanh cuộc đời.
Dạo này, công việc quá nhiều, tôi không còn dành thời gian trò chuyện với Trúc. Nhưng khi hỏi thăm, tôi thấy cô ấy hớn hở, có vẻ tâm trạng đã tốt lên rất nhiều. Tôi thắc mắc: “Đã tìm được việc hay có gì mới mà vui vẻ thế?”.
Trúc tâm sự: “Đôi khi buồn thì cứ cho phép mình buồn một chút, chứ cứ gồng mình lên cũng mệt lắm. Nghĩ mãi rồi, sống ở trên đời ngoài việc đón nhận những điều tốt đẹp còn phải chấp nhận cả những điều chưa tốt nữa. Hôm rồi, mình buồn nên không nói chuyện nhiều, thấy ba My ôm con nói bâng quơ: “Ba thương hai mẹ con lắm mà nhiều lúc không dám nói, ba sợ nói sai gì lại làm mẹ buồn, giờ dịch bệnh thế này nhà mình còn được ở nhà và an toàn là may mắn rồi con gái nhỉ?”.
Chồng mình vô tâm là một phần, còn phần nữa là mình nghĩ nhiều quá, hai vợ chồng lại không chịu nói ra. Anh ấy vẫn thương vợ con, còn mình, dù chưa được làm điều mình muốn nhưng mình vẫn có quyền quyết định, chỉ vì mình yêu thương gia đình nên mới từ bỏ những thứ mình thích. Cuộc sống vợ chồng không phải thuận lợi mãi, nhưng chỉ cần còn bên nhau và có thể chia sẻ thì vẫn còn cơ hội cùng nhau thay đổi”.
|
Cuối cùng thì họ đã giao tiếp được với nhau quanh chủ đề con cái (Ảnh minhh họa) |
Câu nói của Trúc làm tôi ngớ ra một lúc, không biết nói thêm gì. Trước khi cúp máy, Trúc còn trầm tư rất “triết học”: “Muốn tự do, hãy chấp nhận tự lo một mình, còn muốn hạnh phúc gia đình thì đôi khi phải chấp nhận ràng buộc, thì mới gắn bó trong vui vẻ. Hạnh phúc chỉ đơn giản như thế!”.
Thanh Tâm