Phá Bà Nà là vi phạm pháp luật

30/09/2019 - 08:32

PNO - 'Sai quy hoạch là không sửa được. Muốn cứu Bà Nà, Sun Group phải dừng xây dựng ngay lập tức và chính quyền phải minh bạch với dân' - kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định.

Xung quanh việc cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên quốc gia bị “cạo trọc” để kinh doanh dịch vụ du lịch (xem loạt bài Sun Group - “Ông trời” không từ trên caoĐiều tra độc quyền: Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo trên Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra các ngày 23, 25 và 27/9), chúng tôi đã phỏng vấn kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị về bảo vệ pháp lý và môi trường, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Từng là Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Diệm nói: “Nghị quyết của tỉnh ủy và điều tôi lo ngại trước đây, bây giờ đã xảy ra đúng y chang, tất cả theo chiều hướng xấu”.

Báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2016, trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất, thì Sun Group tại Đà Nẵng đứng vị trí 681. Năm 2017, Sun Group xếp hạng 365, đứng sau một số công ty xổ số, sản xuất bao bì.

Bà Nà bây giờ là chợ búa

Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện Bà Nà và Sun Group dai dẳng đã hàng chục năm qua, gây bức xúc trong dư luận cán bộ và nhân dân không chỉ riêng ở Đà Nẵng. Phải chăng tất cả là do “mọi sự khởi đầu, có thể là tất cả hoặc không là gì cả”?

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Tôi làm Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng từ năm 1976-1995, năm 1997 là Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng nên không lạ chi về Bà Nà.

Xin nhắc lại, Bà Nà có khí hậu ôn đới. Năm 1900, Toàn quyền Đông Dương đã giao Thủ hiến Trung kỳ và người phụ trách canh nông của Đà Nẵng đi khảo sát, sau đó họ đã xây dựng 240 công trình trên núi, có đường sá, biệt thự cao cấp, nhà nghỉ của lính, nhà máy nước, máy phát điện, nhà thương, kho súng, kho lương thực, bưu điện, nhà thờ...

Từ đó đến năm 1945, khu nghỉ mát Bà Nà do Pháp xây dựng là một đô thị nghỉ dưỡng hoàn chỉnh. Tôi nhắc lại, đây là đô thị nghỉ dưỡng, là một châu Âu ở Đà Nẵng. Nói về quy hoạch của người Pháp thì xin khỏi hoài nghi về tầm nhìn xuyên thế kỷ của họ, từ việc dựa vào tự nhiên, hợp với khí hậu, đất đai, mọi thứ càng về sau càng có giá trị về tính hiện đại và nhân văn.

Năm 1980, sau khi khảo sát, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra một nghị quyết về phát triển du lịch Bà Nà, nói rõ: khôi phục Bà Nà trên cơ sở công trình xây dựng cũ của Pháp, nghĩa là sửa chữa, phục hồi những công trình đã xuống cấp, căn cứ vào quy hoạch sẵn có của họ chứ không làm mới, không phá rừng, không mở đường rộng hơn theo lối đi cũ. Tôi lên đó năm 1979, thấy Pháp xây nhà, có những bức tường rào bị cong đi, là do họ né cây chứ không chặt…

Nhìn vào thực trạng tan nát của Bà Nà bây giờ, mới thấy nghị quyết lúc đó của tỉnh ủy vừa chính xác, tỉnh táo, thông minh, vừa rất nhân văn trong ứng xử với tự nhiên. Tôi xin thêm một chi tiết nữa từ người Pháp: khi được Toàn quyền Đông Dương giao làm quy hoạch Bà Nà, vị phụ trách canh nông của Đà Nẵng đã nói, Bà Nà là viên ngọc trọn vẹn, đừng chạm vào  nó, và ông này đã xin phép trồng thêm 1.000 cây hoàng lan trên đó.

Pha Ba Na la vi pham phap luat
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định việc phá Bà Nà là vi phạm pháp luật

* Nhưng, nghị quyết trên đã không được thực hiện…

- Từ năm 1980, tỉnh phải đối phó với nhiều vấn đề dân sinh, kinh tế quá lớn, nên không thực hiện. Thật tiếc! Đến khi tách tỉnh vào năm 1997, việc khôi phục Bà Nà mới bắt đầu. Tôi nhớ, có một hội thảo về xây dựng Bà Nà tại đỉnh Bà Nà. Tôi đã lên tiếng, rằng xin đừng vội vã, bởi mọi thứ ở Bà Nà rất nhạy cảm. Các nhà khoa học lúc đó hoan nghênh, nhưng lãnh đạo thành phố thì không ưng ý. Sau đó thì Sun Group nhảy vào làm.

Lúc đó, Sun Group có mời tôi lên Bà Nà giới thiệu về quy hoạch xây dựng của Pháp, rồi vấn đề khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Sau đó, tôi có làm việc với Sun Group một lần nữa, nhưng biết được họ đã chuẩn bị quy hoạch theo ý đồ của họ rồi, tức là nó như bây giờ, hoàn toàn không phải theo quy hoạch của Pháp.

* Ý kiến của ông ra sao về quy hoạch của Sun Group?

- Từ trong trứng nước, tôi đã phản đối, rằng xây như họ là đô thị hóa bằng bê tông chứ không phải đô thị nghỉ dưỡng, không phải một Đà Lạt, một châu Âu cách Đà Nẵng 30km, dù Đà Nẵng có biến đổi khí hậu ra sao thì nó vẫn còn nguyên. Bê tông hóa thì mọi giá trị đặc trưng về sinh thái Bà Nà không còn nữa, làm hỏng cảnh quan, sai nghiêm trọng về mục đích sử dụng.

* Họ có ý kiến gì không?

- Không, họ không nói gì hết. Đến bây giờ, nghị quyết của tỉnh ủy lúc đó và điều tôi lo ngại đã xảy ra đúng y chang, tất cả theo chiều hướng xấu. Mục đích kinh doanh của Sun Group là chỉ biết lợi dụng cảnh quan môi trường để kiếm tiền, không phục vụ cho mục đích cuối cùng là giữ Bà Nà cả về khí hậu lẫn kiến trúc.

Mà đâu chỉ Bà Nà, Sun Group đã thò tay phá rừng Tam Đảo, làm cáp treo Fansipan, rồi Phú Quốc... Tại Bà Nà, họ san bằng đỉnh núi, xây bát nháo loạn lên, giờ lên đó làm chi thấy sương mù, khí hậu ôn đới nữa mà phải dùng cả quạt hơi nước để chống nóng; cả khu vực này gọi chính xác là Bà Nà chợ búa chứ chẳng phải khu nghỉ dưỡng.

Khi họ làm cáp treo, tôi cũng phản ứng, lý do là phá rừng, cấm đường đi từ An Lợi lên, vốn là của chung cộng đồng. Bà Nà phục vụ cho cả thành phố, từ kinh tế đến nghỉ ngơi, chứ không phải giao cho Sun Group  quản lý hết rồi thu tiền. Đến bây giờ, họ thu bao nhiêu, nộp bao nhiêu, dân có biết đâu?

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

* Lỗi này của ai, thưa ông?

- Thành ủy, UBND, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lúc đó, đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh, Văn Hữu Chiến và mấy ông giờ đang ở trong tù vì dính vụ Vũ “nhôm”. Họ đã không tôn trọng giá trị lịch sử, dâng đất tổ tiên cho cá nhân, không tôn trọng nghị quyết trước đó, coi thường lợi ích của nhân dân.

* Có một văn bản do ông Văn Hữu Chiến ký năm 2014 giao cho Sun Group hơn 10ha, nhưng nay thì đã lên 60ha. Trong việc đưa ra phương án rồi điều chỉnh quy hoạch, giới nghiên cứu, chuyên gia có được mời tham vấn không?

- Không.

* Có ý kiến rằng giao Bà Nà cho Sun Group như hiện nay là sai luật?

- Sai hoàn toàn! Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật An ninh quốc phòng quy định đụng đến rừng từ 50ha trở lên là phải có ý kiến của Quốc hội. Đây là một quy trình phải chặt chẽ từ dưới lên: làm quy hoạch, lấy ý kiến ở địa phương, rồi lên Chính phủ, ra Quốc hội. Ở đây, họ đã xé luật, né, cứ cho mỗi lần từ 10 đến 20ha, cứ thế tăng lên.

Những kẻ tham mưu cho lãnh đạo lúc đó, kể cả người ký, kẻ chết, người đang ở tù, nếu truy lại, là phải xử tù. Vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng khi đó còn vi phạm pháp luật thêm lần nữa trong việc giao đất sân golf Bà Nà, lấy lý do là đất phục vụ an ninh quốc phòng nên thu hồi hết đất ở khu vực Suối Mơ, An Lợi ở Hòa Ninh của dân, xong bán cho Sun Group làm sân golf chứ quốc phòng gì đâu…

Họ đã bán cho Sun Group tất cả hơn 200ha đất ở Bà Nà. Sun Group cũng không phải vô tội, bởi chính họ đã bắt tay với chính quyền, tức là đồng phạm.

* Trong quy hoạch ban đầu của Sun Group mà ông được biết, có cầu Vàng không?

- Không. Cầu Vàng mới làm đây. Lúc đó làm chi có. Ngay cả lúc họ mời tôi xem quy hoạch thì tôi chỉ thấy có các bản vẽ công trình xây dựng dự kiến thiết kế, và đến cả bây giờ, chẳng ai rõ quy hoạch tổng thể của Bà Nà ra sao, cho nên họ có làm thêm cái gì đi nữa, cũng chỉ họ và chính quyền biết thôi. Mọi thứ là tù mù, nên có sai cũng là đương nhiên.

* Vậy là “hết thuốc chữa” rồi?

- Sai quy hoạch là không sửa được. Muốn cứu Bà Nà, nếu được, thì Sun Group phải dừng xây dựng ngay lập tức và chính quyền phải minh bạch với dân.

* Chuyện này xem ra khó?

- Tất nhiên, quá khó, nhưng nhiệm kỳ này chính quyền không làm được, thì nhiệm kỳ sau phải làm, không thì có tội với dân.

* Xin cảm ơn ông.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI