Phá án từ hình vẽ

15/01/2014 - 19:28

PNO - PN - Không chỉ với vụ bắt cóc trẻ em tại Bệnh viện Q.7, TP.HCM, trong nhiều vụ án khác, cơ quan điều tra cần đến sự hỗ trợ của họa sĩ để phác họa chân dung nghi phạm. Tuy nhiên, số vụ án hình sự được “nghệ thuật” tiếp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Pha an  tu hinh ve

Hoạ sĩ Phan Vũ Linh

 CHỈ MONG GIỐNG 70%

Hai ngày sau khi nghi phạm bắt cóc bé trai tại Bệnh viện Q.7 bị phát hiện, họa sĩ Phan Vũ Linh, người đã phác họa khá thành công chân dung đối tượng cho biết: “Tôi chỉ hy vọng mình phác họa gần giống nghi phạm khoảng 70%”. Sáng 14/1, khi được Công an Q.7 mời sang UBND quận nhận bằng khen, Linh vẫn với phong thái quen thuộc của một tín đồ nhạc rock: quần jean, áo kaki, tóc buộc. “Từ khi theo ngành mỹ thuật đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi vẽ chân dung một người bằng các chi tiết được kể lại”.

Khi được gợi ý vẽ chân dung nghi phạm, ban đầu họa sĩ Linh cũng chần chừ vì chưa bao giờ tham gia một công việc nào có yếu tố hình sự, nhưng thương cảm hoàn cảnh của cháu bé, anh đã nhận lời. Chiều 11/1, anh đến Bệnh viện Q.7. Từ lời kể của ba người đã nhìn thấy nghi phạm gồm anh Hên, chị Tâm và người em gái kết nghĩa của chị Tâm, anh bắt đầu phác họa. “Tôi vẽ các chi tiết bao quát như khuôn mặt, mái tóc trước, thông qua mô tả từ chị Tâm. Anh Hên và người em kết nghĩa của chị Tâm mô tả các chi tiết đặc biệt trên gương mặt nghi phạm như: đôi môi cong lên, lông mày đậm, cong xuống, mắt kính gọng hình chữ nhật, cằm hơi nhô ra…”, anh kể. Sau khoảng 20 phút, chân dung nghi phạm hoàn thành, anh đưa mọi người xem lại một lần nữa để chỉnh sửa vài nét và giao cho cơ quan điều tra công bố trên phương tiện truyền thông. Phác thảo ra đời trong hoàn cảnh khá cấp bách của Linh được nhiều người đánh giá đạt đến 90% so với chân dung nghi phạm Nguyễn Thị Bích Trâm (25 tuổi).

Linh kể, ban đầu tôi dự định đặc tả đôi mắt vì chi tiết này thường toát lên thần thái của chân dung, nhưng biết nghi phạm đeo kính nên tôi đã cố gắng đặc tả các chi tiết khác của mái tóc, môi và cằm. Hiện họa sĩ Phan Vũ Linh là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Thượng tá Nguyễn Văn Thanh - đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an Q.7 nhận định, hình ảnh phác họa nghi phạm bắt cóc do họa sĩ Phan Vũ Linh vẽ giống đến khoảng 90% so với đối tượng thật. Ngay sau khi bức phác họa được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, hàng trăm cuộc điện thoại đã gọi đến báo tin và cung cấp các địa điểm nghi phạm đã xuất hiện. Xâu chuỗi các thông tin này, trinh sát hình sự đã xác định được địa chỉ Trâm đang ẩn náu tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Lê Văn M., cha của Trâm nói: “Khi đọc báo thấy hình phác họa người bắt cóc em bé trong bệnh viện, ban đầu tôi có ngờ ngợ, nhưng sau thì giật mình nhận ra đó chính là con gái mình”.

Pha an  tu hinh ve

Nguyễn Thị Bích Trâm và ảnh phác họa của họa sĩ Phan Vũ Linh

Pha an  tu hinh ve

CHIẾM TỶ LỆ RẤT THẤP

Ít người biết, phương pháp phác họa chân dung nghi phạm mới chỉ xuất hiện rất ít trong số hàng ngàn vụ án hình sự. Tên tuổi nhất trong lĩnh vực này phải kể đến họa sĩ Võ Tấn Thành (63 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Họa sĩ Thành bén duyên với việc vẽ chân dung nghi phạm từ năm 1999, khi địa bàn tỉnh Đồng Nai rộ lên hàng loạt vụ hiếp dâm, cướp của. Có lần, hàng chục trinh sát của công an tỉnh Đồng Nai và của Bộ Công an khoanh vùng, nghi phạm vẫn tẩu thoát vì tung tích bí hiểm.

“Tôi nhận được lời mời của một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nhờ vẽ chân dung nghi phạm trong chuyên án ĐB-99. Thông qua những đặc điểm mà các nhân chứng mô tả, tôi dùng bút chì phác họa trên giấy. Lần đầu thiếu kinh nghiệm, tôi mất khá nhiều thời gian mới hoàn thiện bức chân dung”, họa sĩ Thành kể.

Vì yêu cầu cấp bách và quan trọng của chuyên án, họa sĩ Thành đã vẽ đi vẽ lại hàng chục bản sau khi đối chiếu với lời kể từ các nhân chứng. Đến ngày thứ 25, nghi can mà họa sĩ Thành “tâm tư” nhiều ngày đã hiện ra rõ nét là một người đàn ông trung niên có gương mặt xấu xí, góc cạnh, mái tóc dài ngang, thần thái kỳ dị. Sau khi tiếp nhận bức họa do họa sĩ Thành gửi, cơ quan điều tra đã khoanh vùng được đối tượng, điều mà trước đó không thể làm được. Cũng nhờ bức phác họa “một 9, một 10” ấy, tháng 9/1999, trinh sát hình sự phát hiện đối tượng trên Quốc lộ 51. Hắn khai tên Phó Văn Chính (SN 1963, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), kẻ đã cưỡng bức chín phụ nữ, thực hiện trót lọt 58 vụ án cướp tài sản gây bàng hoàng dư luận.

Sau khi giúp cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng Phó Văn Chính, họa sĩ Võ Tấn Thành tiếp tục tham gia hỗ trợ chuyên án 410C. Đối tượng bị công an truy tìm là kẻ trang bị súng gây ra vụ cướp trên đoạn đèo Con Rắn thuộc Quốc lộ 56, qua địa phận huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Sau khi họa sĩ hoàn thành bức phác thảo, trinh sát đã xác định được Nguyễn Chí Dũng (biệt danh Dũng “chim xanh”, SN 1966, ngụ xã Tân Khai, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước), tiến hành giăng lưới và sau đó bắt gọn hắn. Tại TP.HCM, bức phác họa chân dung Dũng “chim xanh” do họa sĩ Thành vẽ được mọi người khẳng định là “không sai một ly”. Sau đó, họa sĩ Thành còn tham gia phác họa chân dung các nghi phạm cướp tiệm vàng trong một chuyên án do Công an tỉnh An Giang triển khai.

“Theo tôi, cái khó khi phác họa chân dung nghi can đó là cách mô tả của các nhân chứng không đồng nhất, thậm chí mâu thuẫn vì tinh thần bị kích động nên không nhớ rõ. Khi vẽ, tôi cố gắng động viên các nhân chứng bình tĩnh và hỏi cụ thể để khai thác các chi tiết trên gương mặt nghi phạm sao cho sát thực tế nhất”, họa sĩ Thành chia sẻ.

Đại úy Mai Trọng Hạnh, Phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.10 nhận định: “Không phải vụ án nào cũng có thể phác họa chân dung nghi phạm, đặc biệt là các vụ trọng án, nhiều vụ nhân chứng hoảng loạn mô tả rất mâu thuẫn. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, việc công bố chân dung nghi phạm còn gây tác dụng ngược khiến đối tượng trở nên manh động, có khả năng tìm cách thủ tiêu nhân chứng và phi tang vật chứng. Do vậy, việc phác họa chân dung nghi phạm và công bố chân dung thường được làm để tăng nguồn tin báo từ quần chúng nhằm xác định chính xác đối tượng, chứ không phải phụ thuộc 100% vào phác họa nghi phạm từ họa sĩ”.

Theo thượng tá Trần Thành Định, Phó Phòng cảnh sát kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP.HCM: “Hiện việc phác họa chân dung nghi phạm không nằm trong chức năng, nhiệm vụ mà phòng được phân cấp. Thông thường, khi có vụ án cần phác họa chân dung đối tượng, cơ quan điều tra sẽ chủ động tìm họa sĩ hỗ trợ”.

 VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI