PGS.TS. Phan Xuân Biên: 'Sách giáo khoa chỉ có 13 dòng về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam'

20/07/2019 - 10:43

PNO - Con cháu chúng ta sẽ hiểu về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của chúng ta thế nào nếu sách giáo khoa về lịch sử chỉ có 13 dòng về cuộc chiến này?

Hội thảo khoa học mang tên TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới  phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnom Penh, Campuchia do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 20/7.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định, tổ chức hội thảo này là thể hiện một thái độ tôn trọng lịch sử, bảo vệ sự thật bằng tinh thần khoa học và... dũng cảm của TP.HCM.

PGS.TS. Phan Xuân Biên khẳng định cuộc chiến ở biên giới Tây Nam hơn 4 thập kỷ trước là cuộc chiến tự vệ chính đáng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt Nam độc lập. Các chiến sĩ trẻ dù chưa qua trận mạc (ví như 80% chiến sĩ trẻ Trung đoàn Gia Định), các đồn biên phòng lực lượng không nhiều, trang bị còn thiếu thốn, lại bị động song đã chống trả quyết liệt, không ngại hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

PGS.TS. Phan Xuan Bien: 'Sach giao khoa chi co 13 dong ve chien tranh bao ve bien gioi Tay Nam'
PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Song, thực tế lịch sử cần được coi là bài học rút ra từ những ngày đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam là sự chủ quan, mất cảnh giác đã dẫn đến tổn thất nặng nề. Nhiều tác phẩm của các nhà báo, nhà nghiên cứu hay hồi ký của người trong cuộc cho thấy chúng ta mất cảnh giác với “những người bạn” lá mặt, lá trái và cuối cùng phản bội.

Với sự có mặt của hàng chục ngàn cố vấn quân sự, một khối lượng lớn vũ khí được chuyển giao, Trung Quốc đã giúp Khmer đỏ trong một thời gian ngắn đẩy nhanh xây dựng lực lượng quân đội từ 12 sư đoàn năm 1975 lên 23 sư đoàn năm 1978, trong đó có 19 sư đoàn triển khai dọc biên giới với Việt Nam.

PGS.TS. Phan Xuân Biên nhận định: “Mọi tội ác của bọn Đức quốc xã đều được Khmer đỏ lặp lại một cách “sáng tạo” và thêm nhiều cái dã man mới. Nhưng dường như trong một thời gian không ngắn, chúng ta chưa xác định được Khmer đỏ là ai? Bạn - thù thế nào... phản ánh sự chủ quan, mơ hồ. Cho nên tất cả những hành động của Khmer đỏ diễn ra trong năm 1977 gây thiệt hại không ít về người và của cho Việt Nam. Vậy nên, phải đúc rút ra bài học lịch sử để không bao giờ mất cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở mọi tình huống”.

PGS.TS. Phan Xuan Bien: 'Sach giao khoa chi co 13 dong ve chien tranh bao ve bien gioi Tay Nam'
Thiếu tướng, PGS.TS. Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Phan Xuân Biên

Chính vì thế, PGS.TS. Phan Xuân Biên đưa ra cảnh báo: “Không phải quên lịch sử mà cần phải nằm lòng lịch sử. Cần phải biên soạn sách giáo khoa lịch sử về những vấn đề chiến tranh biên giới một cách khách quan trung thực, không né tránh”.

Tại hội thảo, PGS.TS. Phan Xuân Biên cho biết Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từng trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn sách giáo khoa lịch sử. Cụ thể, trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12, xuất bản năm 2018, lịch sử chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chỉ được trình bày ở bài 25 với 3 đoạn và 13 dòng. PGS.TS. Phan Xuân Biên nói: “Nếu như thế, con cháu chúng ta sẽ hiểu như thế nào về cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng của chúng ta?”.

Thiếu tướng, PGS.TS. Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Phan Xuân Biên và cho rằng cần phải thay đổi từ nhận thức cho giới trẻ về lịch sử.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI