Trước đây, chiến tranh liên miên rồi bước vào thời bao cấp, đời sống xã hội còn nghèo và nhiều khó khăn, xã hội lại ít mở ra với thế giới rộng lớn. Đến bây giờ, chúng ta bắt đầu có tiền của nhiều hơn, có nhiều kinh phí hơn cho hoạt động văn hóa, tiếp cận với văn hóa bên ngoài nhiều hơn; từ đó, xảy ra câu chuyện mà ai cũng biết, đó là kiểu “trưởng giả học làm sang”.
Phóng viên: Ta có cuộc đua kỷ lục bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng, 3.000 người hát quan họ ở Bắc Ninh. Ta có hàng loạt tượng đài tiền tỷ cũng như những ngôi chùa… được xếp vào hàng lớn nhất Đông Nam Á. Mới đây, còn có màn đại xòe 5.000 người đăng ký kỷ lục thế giới ở Yên Bái, xẻ núi tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ 86 tỷ đồng kèm khuôn viên ba ngàn mét vuông ở Bình Định… Thưa PGS-TS Nguyễn Văn Huy, ông nghĩ gì về những hiện tượng văn hóa đó?
PGS-TS Nguyễn Văn Huy: Theo tôi, ta không nên xây dựng và truyền thông các kỷ lục về văn hóa; bởi những kỷ lục kiểu đó không khuyến khích phát huy giá trị về văn hóa - di sản; ngược lại, nó kích thích tâm lý xã hội chạy theo hình thức bề ngoài lớn lao, khổng lồ, không mang lại một giá trị thực chất đối với sự tinh tế của văn hóa và con người. Trong mấy năm gần đây, có những hoạt động văn hóa chạy theo xu hướng như vậy, chẳng hạn như bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng, 3.000 người đồng ca hát quan họ… Và ta đều nhận ra những điều cần rút kinh nghiệm rồi.
Bây giờ, nhân Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019 ở Yên Bái, người ta xây dựng kế hoạch múa xòe Thái 5.000 người và đăng ký kỷ lục thế giới… Đối với văn hóa phi vật thể, đó là điều hoàn toàn không nên. Nghe nói việc đăng ký kỷ lục đó đã bị hủy bỏ; nếu đúng thế thì thật may mắn.
Tôi cho rằng, những câu chuyện làm văn hóa như thế cần rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành, cho các tỉnh, cũng như các ban tổ chức lễ hội, để không bao giờ bị lặp lại nữa. Cách tiếp cận văn hóa đó gây ra một tâm lý xã hội không hay chút nào. Giống như rất nhiều đền, chùa, tượng đài, phù điêu… chúng ta không nên tuyên truyền rằng cao nhất, rộng nhất, to nhất… Đông Nam Á hay thậm chí là châu Á… Đến các nơi như thế, tôi thường nghe ra rả trên loa phóng thanh truyền thông về kỷ lục của mình. Thiết nghĩ, những kiểu truyền thông như thế rất phản cảm, phản văn hóa, gây ra một tâm lý ảo tưởng, hão huyền cho người Việt Nam, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Chúng ta cần những giá trị đích thực của văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể.
* Có hay không ở đây chuyện chạy đua thành tích trong văn hóa?
- Tôi không cho đó đơn thuần chỉ là chạy đua thành tích. Đó còn là biểu hiện cho sự nhận thức không đúng, không chuẩn mực về bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa. Tôi nghĩ, những người làm văn hóa nên hướng vào nội hàm, vào những giá trị thật sự, thay vì chạy theo cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, nghe có vẻ rất “kêu” về mặt văn hóa. Chẳng hạn như loại hình xòe, chúng ta nên tập trung nâng cao kỹ thuật múa, cũng như phát triển các hoạt động múa xòe trong các dịp sinh hoạt cộng đồng… Truyền thông để quảng bá du lịch cũng cần sự tinh tế của văn hóa. Khách du lịch muốn tìm hiểu và trải nghiệm những bản sắc văn hóa đích thực, những đêm xòe thực tế của cộng đồng làng bản, muốn hiểu người Thái vì sao yêu xòe đến thế, và vì sao xòe là một phần quan trọng trong văn hóa của họ.
* Là người gắn bó với công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản suốt mấy chục năm qua, đã bao giờ ông thấy xã hội Việt Nam có những câu chuyện văn hóa phản cảm như thời này hay chưa?
- Mỗi thời đều có vấn đề của nó, nhưng những câu chuyện kỷ lục như bây giờ thì không hề có. Trước đây, chiến tranh liên miên rồi bước vào thời bao cấp, đời sống xã hội còn nghèo và nhiều khó khăn, xã hội lại ít mở ra với thế giới rộng lớn. Đến bây giờ, chúng ta bắt đầu có tiền của nhiều hơn, có nhiều kinh phí hơn cho hoạt động văn hóa, tiếp cận với văn hóa bên ngoài nhiều hơn; từ đó, xảy ra câu chuyện mà ai cũng biết, đó là kiểu “trưởng giả học làm sang”. Khi có tiền rồi, lại có những “bệnh hoạn” của những người có tiền.
Hiện nay rất nhiều nơi chạy đua theo những phù điêu, tượng đài rất lớn, và tất nhiên là tốn rất nhiều tiền. Vấn đề không phải ở chỗ người dân còn gặp nhiều khó khăn, mà những công trình như thế không mang lại ý nghĩa gì về kinh tế, du lịch cũng như những hiệu quả về mặt xã hội. So với những gì bỏ ra, tính hiệu quả của nó rất ít. Chúng ta không nên học làm sang theo những kiểu như thế. Đó là chưa nói về việc, những phù điêu, tượng đài… hay những công trình trăm tỷ, ngàn tỷ như vậy… không tạo nên một cảm giác gần gũi với con người. Nó quá hoành tráng, xa cách, mà lại phổ biến và na ná nhau, kiểu con gà đua nhau tiếng gáy trên khắp các tỉnh, thành. Ở các nước, những tượng đài, phù điêu… tinh tế và ý nghĩa lắm. Tôi thích khuynh hướng tượng đài nhỏ nhưng thân thiện, gần gũi, và hài hòa với đời thường. Tôi nghĩ, nếu thảo luận câu chuyện về tính hiệu quả của hệ thống tượng đài hiện nay, chắc là sẽ tốn khá nhiều giấy mực.
|
Phác thảo phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ 86 tỷ phải xẻ núi Bà Hỏa để làm ở tỉnh Bình Định |
* Xin hỏi, cái sự “trưởng giả học làm sang” mà ông vừa nói, biểu hiện ngay trong lĩnh vực văn hóa tai hại như thế nào?
- “Trưởng giả” ngày nay không đơn thuần là “trưởng giả” nữa. Ngày xưa, “trưởng giả” chỉ những người giàu lên nhưng thiếu văn hóa. Còn bây giờ, “trưởng giả” kết hợp cả với những cái khác nữa, nằm ở những câu chuyện hậu trường, những câu chuyện ẩn khuất, liên quan đến vấn đề kinh tế, vấn đề lợi ích… mà chúng ta chưa thể biết được. Càng to, càng hoành tráng, càng khổng lồ, thì càng nhiều vấn đề. Chúng ta cần hết sức cảnh giác. Tôi cho rằng, với lĩnh vực văn hóa, chúng ta nên đi vào thực chất để xây dựng một xã hội thực sự văn minh, thực sự văn hóa. Nếu cứ chạy theo những thứ vô bổ, vô nghĩa như kiểu “khổng lồ”, hay “nhất Đông Nam Á” như thế, sau này chúng ta sẽ phải trả giá, sửa sai rất nhiều về mặt văn hóa, đạo đức và ứng xử của con người.
* Xin cảm ơn ông.
Du Nguyên (thực hiện)