PGS.TS Chu Cẩm Thơ: "Trường học biên soạn giáo trình riêng là đúng đắn”

12/11/2023 - 16:05

PNO - PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT khẳng định, nhà trường biên soạn giáo trình riêng môn học là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Dù vậy, mỗi trường cần tự đánh giá nhu cầu, nguồn lực để lựa chọn xây dựng tài liệu đặc thù.

*Phóng viên: Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều trường THPT tại TPHCM hiện đã xây dựng giáo trình, tài liệu riêng môn học để phục vụ việc giảng dạy. Giáo trình này đa phần được thiết kế dựa trên việc tham khảo từ các bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, đồng thời có thêm những “đặc thù” để phù hợp riêng với đối tượng học sinh từng trường. Bà đánh giá thế nào về điều này?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Chương trình GDPT 2018 ra đời với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Do đó, xét về phương diện triển khai, trên cơ sở chương trình khung của quốc gia, các nhà trường đều phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cho sát với bối cảnh giáo dục địa phương, với nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng từ nguồn lực của nhà trường. Để thực hiện kế hoạch giáo dục của trường học, bắt buộc mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải biên soạn tài liệu giáo dục cho phù hợp, tức là, tài liệu này có những đặc điểm riêng để phù hợp với các điều kiện riêng của học sinh, của nhà trường…

PGS.TS Chu Cẩm Thơ
PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Như vậy, việc nhiều trường THPT tại TPHCM đã xây dựng, thiết kế giáo trình, tài liệu riêng môn học để phục vụ việc giảng dạy cho thầy và trò là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta nên gọi đây là các tài liệu giáo dục nhà trường hơn là giáo trình. Bởi, xét về tính chất và quy mô, tài liệu này không nhất thiết phải xin giấy phép xuất bản. Tài liệu này chỉ được lưu hành nội bộ trong nhà trường, có thể được thiết kế dựa trên việc tham khảo từ các bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT hoặc các sách chuyên khảo đã được phê duyệt xuất bản; tài liệu được biên tập, phát triển dựa trên những “đặc thù” để phù hợp riêng với đối tượng học sinh từng trường nên cần do Hội đồng giáo dục của nhà trường thông qua.

*Hiện đang có những tranh cãi rằng giáo trình riêng này liệu đã có thể thay thế sách giáo khoa được hay chưa, nhận định của bà thì sao?

- Như trên đã phân tích, tài liệu này được biên soạn, phát triển dựa trên các sách đã được lưu hành, xuất bản, trong đó có sách giáo khoa và có thêm những thay đổi dựa trên những “đặc thù” để phù hợp riêng với đối tượng học sinh từng trường nên cần do Hội đồng giáo dục của nhà trường thông qua. Do đó, thông thường, có thể nói tài liệu này đã bao trùm một cuốn sách giáo khoa nào đó mà tài liệu dựa vào. Vì thế, xét về thực tiễn dạy học, thì tài liệu này hoàn toàn có thể thay thế cuốn sách giáo khoa đó.

Nhà trường cần tự đánh giá nguồn lực để xây dựng giáo trình riêng đặc thù
Nhà trường cần tự đánh giá nguồn lực để xây dựng giáo trình riêng đặc thù

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý thêm rằng, Hội đồng giáo dục của nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài liệu này, đồng thời cũng trao quyền cho các giáo viên để phát triển nó trong phạm vi lớp học mà giáo viên đó được giao giảng dạy, nghĩa là, mỗi lớp học trong nhà trường, cũng có sự vận dụng tài liệu này khác nhau.

*Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động cho nhà trường trong thiết kế chương trình. Trong bối cảnh một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đang được thực hiện trong Chương trình GDPT 2018, theo bà việc biên soạn giáo trình riêng này cần và nên được nhà trường thực hiện như thế nào để phù hợp nhất?

- Tài liệu giáo dục nhà trường được khuyến khích phát triển với mục đích trao quyền chủ động cho nhà trường trong thực hiện chủ trương một chương trình. Rất nhiều lợi ích giáo dục sẽ đạt được khi học sinh, giáo viên được giảng dạy dựa trên tài liệu sát thực tiễn, đặc biệt thỏa mãn ít nhất 3 thành tố: nhu cầu học tập của học sinh, nguồn lực của nhà trường và đặc điểm bối cảnh giáo dục địa phương. Tuy nhiên không hề dễ để mỗi nhà trường biên soạn được những tài liệu như vậy.

Chúng tôi đã từng nghiên cứu năng lực tự chủ của các trường THPT xét trên phương diện chương trình giảng dạy, được công bố năm 2020 và mới đây, trong khảo sát phạm vi các hiệu trưởng tham gia Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới EdulightenUp. Hầu hết các trường THPT chưa hình thành văn hóa sinh hoạt chuyên môn, dựa trên sự thấu hiểu, khai thác bối cảnh giáo dục địa phương, nhu cầu học tập của học sinh; cũng chưa sẵn sàng trong phát triển chương trình nhà trường một cách toàn diện.

Vì vậy, theo tôi, để thực hiện được việc xây dựng giáo trình, tài liệu giáo dục nhà trường hiệu quả, thì trước hết, mỗi trường học cần tự đánh giá nhu cầu giáo dục, nguồn lực của nhà trường, địa phương để lựa chọn xây dựng tài liệu đặc thù (tức là thu hẹp phạm vi trên 1 môn học/hoạt động giáo dục hoặc có thể chỉ là 1 chuyên đề). Trước đó, cần quan tâm sinh hoạt chuyên môn phát triển chương trình môn học, chọn ra nhóm nhân tố tích cực để biên soạn tài liệu.

Riêng đối với việc thử nghiệm, thẩm định tài liệu cần có sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực và các giáo viên có kinh nghiệm. Vì tính chất lưu hành nội bộ, phục vụ trực tiếp hoạt động giáo dục của nhà trường, nên nhất thiết, tài liệu này cần được tổ chức, thể hiện ở đa dạng hình thức (bài giảng, video…) để đáp ứng cụ thể nhu cầu của thầy và trò, của quản lí, của phụ huynh. Tài liệu cần được góp ý, hoàn thiện với sự tham gia đa dạng của các thành phần tham gia giáo dục của nhà trường.

Xin cảm ơn bà!

Quốc Trung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI