PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Quá nhiều vướng mắc để áo dài trở thành di sản”

16/10/2020 - 11:03

PNO - Hiện chưa có văn bản pháp lý nào công nhận bản quyền áo dài là của Việt Nam, do đó, chúng ta khó có thể lên án, hoặc đòi quyền lợi cho trang phục này.

Ở góc nhìn của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ông ghi nhận nỗ lực của một số đơn vị muốn đưa áo dài vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, được UNESCO công nhận. Nhưng, các thủ tục liên tục vướng mắc, chồng chéo nhau nên sau nhiều năm, ý định vẫn còn đó, chưa thể thực hiện.

Phóng viên: Dư luận đang xôn xao về hình ảnh một người đẹp của Trung Quốc diện trang phục được cho là áo dài Việt Nam tại cuộc thi nhan sắc quốc tế, ông nghĩ sao về trường hợp này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Áo dài là niềm tự hào của văn hoá Việt Nam. Việc người nước ngoài mặc áo dài, trên thực tế không có vấn đề gì đáng quan ngại.

Ở đây, có 2 khía cạnh mà chúng ta cần lưu tâm. Thứ nhất, người nước ngoài mặc áo dài Việt là minh chứng cho việc trang phục truyền thống của chúng ta có tầm ảnh hưởng và thật sự chinh phục người dân thế giới. Đó là điều chúng ta có thể tự hào về áo dài Việt Nam. Đặc biệt, khi một thí sinh ở quốc gia khác mặc áo dài Việt để tham dự cuộc thi có tầm quốc tế thì đây là cách quảng bá tốt nếu họ thật sự yêu mến áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, điều này khá nguy hiểm. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề cả ở phía ngược lại.

Việc thí sinh nước khác mặc áo dài Việt Nam đặt ra câu chuyện về thương hiệu. Hiện giờ, chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào, thậm chí chưa có một nỗ lực nào được ghi nhận trong việc khẳng định áo dài là một thương hiệu văn hoá, thuộc bản quyền sở hữu của Việt Nam.

* Đây không phải là lần đầu tiên áo dài Việt xuất hiện ở một sự kiện có phần mập mờ chuyện bản quyền, nguồn gốc của trang phục, dễ dẫn đến việc gây hiểu lầm, có cách nào để tránh điều này?

- Chính xác thì đây không phải lần đầu tiên, đã rất nhiều lần, người mẫu, diễn viên, người đẹp từ các quốc gia sử dụng áo dài Việt Nam để phục vụ mục đích của họ. Chúng ta không thể ngăn cấm họ mà việc phải làm là nhanh chóng xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho áo dài Việt để dù có ai sử dụng đi nữa thì áo dài vẫn là của Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

* Đăng ký bản quyền hay xây dựng thương hiệu là chuyện đã được chúng ta thực hiện, không còn mới mẻ nhưng vì sao mãi chưa có kết quả, thưa ông?

- Chúng ta đã có kế hoạch thực hiện việc xây dựng bản quyền cho áo dài Việt nhưng việc này đòi hỏi một chút về thời gian, thủ tục. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có một nỗ lực đáng ghi nhận khi mong muốn ghi danh áo dài vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, được UNESCO công nhận theo Công ước 2003 (Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể 2003 - PV). Tuy nhiên, có một số điểm vướng mắc chúng ta cần phải giải quyết, xử lý khi thực hiện hồ sơ, thủ tục dẫn tới việc cần nhiều thời gian.

* Cụ thể những vướng mắc cần giải quyết là gì, thưa ông?

- Có 3 điểm cần được tháo gỡ. Thứ nhất, theo Luật Di sản văn hoá, cơ quan thực hiện về mặt thủ tục đăng ký đưa một di sản nào đó vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại phải là Uỷ ban Nhân dân của một địa phương. Do đó, nếu Hội Phụ nữ Việt Nam quyết tâm thực hiện thì lại vướng về mặt luật pháp.

Thứ 2, nếu muốn hoàn thiện hồ sơ áo dài, trình lên để chính phủ đưa vào danh sách xét duyệt, gửi đến UNESCO công nhận áo dài thuộc danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới, chúng ta phải xác định lại tên gọi cụ thể. Ở đây, chúng ta chưa thống nhất được cái tên, "áo dài" chưa là tên gọi chính xác.

Thứ 3, để làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại thì di sản này trước tiên, phải nằm trong danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cho đến nay, áo dài chưa thuộc danh sách này.

Một số thiết kế được trình diễn tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2020.
Một số thiết kế được trình diễn tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2020.

* Ở vướng mắc thứ 2 về tên gọi, ông có thể nói cụ thể hơn?

- Ba vướng mắc vừa nêu trên tiếp tục đẩy câu chuyện sang một hướng khác, rằng áo dài không phải là di sản phi vật thể mà là vật thể. Do đó, tên gọi mà chúng ta cần chốt lại khi gửi hồ sơ đi xét duyệt phải là nghề may áo dài, nghệ thuật mặc áo dài của người Việt hay là một cái tên nào đó khác thể hiện một đời sống đằng sau tà áo dài... Cho đến hiện tại, các nhà khoa học, nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được tên gọi.

* Có cách nào để tháo gỡ vướng mắc này?

- Đầu tiên, theo luật, các địa phương phải là đơn vị đứng ra làm hồ sơ công nhận áo dài là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ở đây, các địa phương nào có làng nghề may áo dài, có nghệ nhân may áo dài hay có phố chuyên về áo dài Việt đều có thể lập hồ sơ. TPHCM, Hà Nội hay Huế là 3 địa phương tôi cho là phù hợp trở thành đơn vị lập hồ sơ. Trong đó, TPHCM phù hợp hơn cả vì phần nào đã xây dựng được thương hiệu từ chương trình Lễ hội Áo dài TPHCM tổ chức nhiều năm qua. Còn lại, sau khi có hồ sơ, chúng ta mới thực hiện các bước tiếp theo.

TPHCM với Lễ hội Áo dài được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là địa phương phù hợp để đứng ra lập hồ sơ áo dài.
TPHCM với Lễ hội Áo dài được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là địa phương phù hợp để đứng ra lập hồ sơ xét công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Thời gian qua, chúng ta có nỗ lực khi tổ chức các sự kiện, hội thảo, toạ đàm về áo dài nhưng chưa thể lập tức bắt tay vào xây dựng hồ sơ vì một số vướng mắc kể trên. Đây là điều đáng tiếc vì nếu chúng ta hoàn thiện hồ sơ áo dài (hay một cái tên nào đó khác khi được thống nhất) và được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại thì xem như khẳng định được thương hiệu, xác lập bản quyền áo dài là của Việt Nam. Còn bây giờ, chúng ta không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để lên án, hoặc đòi quyền lợi cho áo dài.

Bây giờ, chúng ta chỉ dừng lại ở chuyện sử dụng dư luận xã hội, báo chí để lên án. Nhưng ở đây, truyền thông cũng là con dao 2 lưỡi. Việc người nước ngoài sử dụng áo dài, nếu không vì mục đích thương mại thì đó là hình thức quảng bá áo dài cho người Việt Nam. Nếu lên án không khéo, truyền thông dễ tạo ra nhiều tiền lệ xấu, khiến người nước ngoài không dám mặc áo dài cũng như xem trang phục này là cảm hứng cho thiết kế sáng tạo của họ.

Chúng ta cần thời gian để xác định đâu là cơ hội để quảng bá, đâu là việc cần lên án. Còn câu chuyện hoàn thiện hồ sơ để khẳng định thương hiệu áo dài là của Việt Nam, chắc chắn phải thực hiện nhanh chóng hơn.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI