PGS Kiều Thế Hưng, Trường ĐHSP Hà Nội: Môn lịch sử đang dần bị thủ tiêu

12/11/2015 - 10:52

PNO - Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó...

* Việc Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp môn lịch sử với an ninh quốc phòng và giáo dục công dân thành môn công dân với Tổ quốc đang khiến các nhà giáo, chuyên gia sử học bức xúc. Là một nhà sư phạm, lại gắn bó với môn lịch sử, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

PGS Kiều Thế Hưng: Tôi buồn, cũng như rất nhiều đồng nghiệp, học trò, các nhà sử học khác đang buồn. Chúng tôi lo lắng khi nghĩ đến những hệ quả tiêu cực của chương trình đổi mới đối với những giá trị cực kỳ quan trọng của môn lịch sử, đó là giá trị của truyền thống dân tộc, của ý chí chính trị, của đạo đức, của lý tưởng và niềm tin của thế hệ trẻ hôm nay. Đó là những giá trị luôn gắn liền với sự tồn vong của đất nước và dân tộc, những giá trị vô giá không thể thay thế và cũng không gì có thể so sánh được.

Bộ GD-ĐT khẳng định vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xóa môn lịch sử khỏi chương trình. Nhưng thực tế liệu phải vậy?

Hãy nhìn một cách tổng thể để xem môn lịch sử nằm ở đâu và có vị trí như thế nào trong chương trình đổi mới? Về cơ bản, chương trình phổ thông đã hạ thấp môn này rất nhiều, nếu như không muốn nói môn lịch sử đang dần bị thủ tiêu. Nói chính xác hơn, bộ môn lịch sử, hoặc là môn tự chọn, hoặc là kiến thức lịch sử đã được tích hợp trong các môn bắt buộc khác.

PGS Kieu The Hung, Truong DHSP Ha Noi: Mon lich su dang dan bi thu tieu
Đổi mới cách giảng dạy môn sử sẽ khiến học sinh say mê môn học. Việc tích hợp chưa hẳn mang lại hiệu quả mong muốn

* Theo Bộ GD-ĐT, ở chương trình THPT mới, mỗi tuần học sinh vẫn phải học một tiết lịch sử bắt buộc, ba năm THPT là 105 tiết, môn ngữ văn, toán cũng chỉ hai tiết/tuần. Như vậy, vị trí môn lịch sử vẫn không có gì thay đổi. Ông nghĩ sao?

- Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó, với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống.

Nhận thức lịch sử, cũng như nhận thức bất cứ khoa học nào, là phải nhận thức trong hệ thống. Trong dạy học, kiến thức theo hệ thống đó đã được nhân loại đúc kết thành các bộ môn khoa học.

Kiến thức lịch sử, do tính phổ quát của nó, có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau, nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế cho bộ môn lịch sử, hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó, để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc, thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tai hại cho xã hội.

Giáo dục lịch sử có thể được thực hiện bằng nhiều cách ngoài môn lịch sử, nhưng đối với giáo dục phổ thông (chứ không phải là giáo dục nói chung), giáo dục lịch sử thông qua bộ môn lịch sử là con đường giáo dục chính thống nhất, cơ bản nhất, hệ thống nhất, khoa học nhất, truyền thống nhất, pháp lý nhất và không có gì có thể thay thế cho điều đó.

Dù với bất kỳ lý do gì thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn lịch sử ở trường phổ thông thì đó sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm và sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường hết được.

* Nhưng nếu tất cả các môn học đều là bắt buộc thì học sinh lấy đâu ra thời gian để học, thưa ông?

- Đúng là mỗi môn học đều có vị trí riêng, không thể thay thế. Đánh giá kiến thức của môn học nào đó khi so sánh với môn học khác, rất cần phải xuất phát từ một cách tiếp cận cụ thể. Bộ môn lịch sử và kiến thức lịch sử, hơn tất cả các môn học khác, là môn học đề cập (tuy không phải là duy nhất, nhưng là đầy đủ nhất, hệ thống nhất, trực tiếp nhất) đến những giá trị cực kỳ quan trọng của con người Việt Nam.

Nói tới lịch sử, không chỉ là nói tới tri thức khoa học thuần túy, mà còn nói tới tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với Tổ quốc và nhân dân mình.

Điều đó cũng giải thích vì sao cùng trong nhóm các môn học tích hợp, cùng có hoàn cảnh như nhau trong cấu trúc chương trình mới, nhưng trong khi các môn học khác rất ít ý kiến, thì môn lịch sử lại nhận được sự quan tâm đặc biệt và bức xúc như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI