PGĐ TTĐP ghép tạng Quốc gia: Không quốc gia nào chấp nhận đem sức khỏe con người làm hàng hóa mua bán

19/12/2018 - 07:11

PNO - Việt Nam không khuyến khích hiến tạng sống và cũng không có quốc gia nào chấp nhận đem sức khỏe con người làm món hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia) - Bộ Y tế, cho rằng Việt Nam không khuyến khích hiến tạng sống và cũng không có quốc gia nào chấp nhận đem sức khỏe con người làm món hàng trao đổi, mua bán.

* Phóng viên: Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc, đường dây mua bán thận được báo chí phản ánh cũng như cơ quan công an điều tra, lật tẩy. Phải chăng, trong quy định pháp luật còn những kẽ hở tạo điều kiện cho hành vi này?

- Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Luật pháp của chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ. Ngay trong điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (năm 2006) đã nghiêm cấm mua bán, trao đổi, quảng cáo… tạng vì mục đích thương mại. Sau đó, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có riêng điều 154 liên quan tới mua bán nội tạng. Khung hình phạt đối với các hành vi này là từ 3-7 năm tù, mức cao nhất là chung thân.

Từ đó có thể thấy quan điểm, thái độ nghiêm khắc của Nhà nước ta liên quan tới vấn đề này. Không quốc gia nào chấp nhận đem sức khỏe con người làm một món hàng trao đổi, mua bán.

Còn về kẽ hở ở đây, có lẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của mỗi người. Bởi luật pháp quy định người đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi nhận thức hoàn toàn có thể tình nguyện hiến tạng. Luật không cấm việc hiến tạng vô danh, không vụ lợi của các công dân này.

PGD TTDP ghep tang Quoc gia: Khong quoc gia nao chap nhan dem suc khoe con nguoi  lam hang hoa mua ban
Các đối tượng trong đường dây mua bán thận vừa phát hiện.

Trong thời gian qua, thực tế có những vụ việc buôn bán xảy ra. Nhưng đứng về phía ngành y tế, các bác sĩ có nghĩa vụ tận lực chạy chữa đối với các trường hợp không vi phạm pháp luật. Còn những câu chuyện mua bán, thỏa thuận ở ngoài hành lang hay việc thẩm định, thẩm tra những con dấu, giấy tờ trong hồ sơ nằm ngoài khả năng của họ. Nhiệm vụ đó thuộc về cơ quan hành pháp, tư pháp.

* Các y bác sĩ không có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giấy tờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các đơn vị y tế hoàn toàn có thể gửi hồ sơ cho cơ quan công an để thẩm tra các trường hợp người hiến và người nhận tạng không có mối quan hệ huyết thống?

- Đó cũng là một trong những giải pháp mà Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (TP.Hà Nội) đã làm. Nếu tất cả bệnh viện đều làm được điều này thì rất tốt. Nhưng cũng đặt ra trường hợp, lực lượng công an có phải lúc nào cũng có đủ điều kiện để thẩm tra hay không, vì có thể hai người ghép ở hai đầu đất nước?

* Nói như vậy, chúng ta khó có được giải pháp triệt để để ngăn chặn “thế giới ngầm” mua bán nội tạng?

- Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện yêu cầu hiến tạng phải “vô danh”.  Tức, tất cả người bệnh có nhu cầu ghép tạng đăng ký để ghi tên vào danh sách chờ ghép tạng quốc gia. Danh sách này do các bệnh viện xây dựng, chỉ định và sau đó đẩy dữ liệu lên trung tâm điều phối ghép tạng của quốc gia đó.

Sau khi có bất kỳ người nào chết não, bất kỳ người sống nào hiến tạng thì trung tâm sẽ đưa các chỉ số của người hiến vào, máy tính tự động quét, lọc và tìm ra người phù hợp nhất để có thể chỉ định phẫu thuật. Nếu làm được như vậy, hoàn toàn không có việc mua bán xảy ra.

Bên cạnh đó, nguồn cầu ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung hiện nay quá lớn, trong khi nguồn cung hiếm hoi. Do đó, căn cơ nhất vẫn là việc chúng ta vận động để tăng cường nguồn hiến từ những người chết não.

Mỗi năm, Việt Nam có trung bình 10.000 người qua đời vì tai nạn giao thông, trong đó có nhiều người chết não. Chỉ cần 1% trong số những người chết não hiến tạng thì đã có thêm bao cơ hội sống cho người khác. Đây cũng là giải pháp làm giảm tải nhu cầu tìm kiếm nguồn thận/tạng từ chợ đen như hiện nay.

* Quay trở lại đường dây mua bán thận vừa được Công an Q.Long Biên bắt giữ, có thông tin cho rằng, Nguyễn Đức Thắng - chủ trại nuôi người bán thận và người bệnh đã “dắt nhau” tới đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để hợp thức hóa việc bán thận?

- Tôi khẳng định không có việc đó. Chúng tôi cũng không nhận được thông tin nào từ phía cơ quan điều tra. Chúng tôi đã kiểm tra và tìm được thông tin khá trùng khớp về người hiến là Nguyễn Đức Thắng. Tuy nhiên, anh này đã đăng ký hiến tạng sống tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Việt Đức cập nhật lên danh sách chờ hiến quốc gia từ tháng 12/2017.

Việc “dắt nhau” tới trung tâm là điều không thể vì chúng tôi không bao giờ kết nối trực tiếp người hiến và người ghép. Từ trước tới nay, trung tâm luôn đi theo nguyên tắc khuyến khích hiến thận ở những người chết não chứ không phải từ nguồn hiến tạng sống.

Huyền Anh thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI